Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 1
Truy cập: 4.356.394

Thực trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu tới côn trùng

Thứ Hai, 02 Tháng Bảy 2012 12:17 CH

GS.TSKH. Trương Quang Học Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường CRES ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Summary
Climate Change and Insects
 Prof. DSc. Truong Quang Hoc
 CRES, VNUH
Viet Nam is home to some of the world’s greatest riches in biodiversity including insect fauna. It is also considered to be one of the nations most affected by climate change. In Viet Nam, as elsewhere, the linkages between biodiversity and climate change are complex and intricately related to human activities in the ecosystem. In Viet Nam, there is particular concern regarding the impact of climate change to the health and well-being of human, to forestrial, agricultural, aquatic ecosystems.  Based on analysis of insect role in nature and society life, and impacts of climate change to insects generally, to economical significance insects particularly, recommendations for insects conservation and control of insect pests and vectors in the climate change context have been proposed.
Biến đổi khí hậu và côn trùng
GS.TSKH. Trương Quang Học
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường CRES
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Giới thiệu bài viết: GS.TSKH. Trương Quang Học – Trưởng Ban Biến đổi khí hậu của VACNE – nêu lên một số vấn đề như sau trong bài viết này: Biến đổi khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam, sự tương tác giữa biến đổi khí hậu với đa dạng sinh học, Biến đổi khí hậu tác động tới côn trùng ra sao và ngược lại côn trùng trong bối cảnh BĐKH tác động tới môi trường sống của con người thế nào. Cuối cùng tác giả nêu định hướng bảo tồn côn trùng có lợi và loại bỏ côn trùng có hại, tăng cường tính thích ứng với BĐKH. Đây là một bài viết rất hữu ích và đối tượng tiếp cận mới mẻ. (Người nhận xét: TrươngViệt  Trường)
Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu  (BĐKH) tác động ngày càng mạnh mẽ tới tự nhiên và đời sống xã hội và đang gây ra những tổn thất rất nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã liên tục có lời kêu gọi và những hoạt động rất tích cực để liên kết cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại BĐKH. Chính phủ Việt Nam hiện nay đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH một cách toàn diện trên phạm vi toàn quốc và sát cánh với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này.
Bài viết “Biến đỏi khí hậu và Côn trùng” nhằm khái quát tình hình chung, những tác động của BĐKH tới côn trùng, nhóm sinh vật phong phú, đa dạng và có tầm quan trọng nhiều mặt đối với tự nhiên và đời sống xã hội, tình hình nghiên cứu trên thế giới, ở Việt Nam, và trên có sở đó đề xuất một số định hướng nghiên cứu và triển khai trong khung cảnh BĐKH hiện nay.
 
1.Biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với nhiều đổi thay so với giai đoạn trước đây, một thế giới mà theo ngôn ngữ phổ biến hiện nay là Nóng, Phẳng và Chật. Khái niệm này do Thomas Friedman – một nhà báo Mỹ nổi tiếng đưa ra lần đầu tiên năm 2008 nhằm lý giải khó khăn lớn nhất của thế giới hiện nay là đang ngày càng nóng bức và chật chội hơn do sự ấm lên của Trái đất và dân số tăng quá nhanh (Friedman, 2005, 2008). Thêm vào đó, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập thông qua các cuộc cách mạng siêu công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã san phẳng sân chơi kinh tế toàn cầu, cho phép rất nhiều người cùng cạnh tranh, kết nối và hợp tác với nhau, tạo nên hiệu ứng phẳng. Trong một hai thập kỷ gần đây, lại xuất hiện những thách thức mới khá gay gắt trên toàn cầu. Đó là những cuộc khủng hoảng về kinh tế/ tài chính, khí hậu, năng lượng và lương thực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đòi hỏi phải có những cố gắng mới để ứng phó (Trương Quang Học, 2010 b, c).
Trong khung cảnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng, là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI và Việt Nam được dự đoán là một trong số rất ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH (Al Gore. 2002; WB, 2007). BĐKH đã thực sự tác động đến mọi lĩnh vực, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, môi trường, kinh tế xã hội và sức khỏe con người. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan như là hệ quả của BĐKH hiện đang hoành hành ngày càng nhiều và khốc liệt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế đang cố gắng để có được những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ứng phó với BĐKH. Nhiều quốc gia đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH, trong đó nghiên cứu khoa học là một thành phần quan trọng. Các nghiên cứu khoa học liên quan đến mọi khía cạnh của BĐKH đang được khuyến khích mạnh mẽ ở mọi cấp độ. Các quốc gia cũng như cộng đồng các nhà tài trợ đang ưu tiên một phần đáng kể nguồn lực để thực thi các hoạt động nhằm tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp cho thách thức về BĐKH. Đây chính là cơ hội lớn cho các đơn vị nghiên cứu khoa học trong thời gian tới trong đó có đa dạng sinh học nói chung và côn trùng nói riêng (Truong Quang Học, 2008; 2010 b; Truong Quang Học & Tran Hong Thai, 2008).

Hình 1. Biểu hiện của biến đổi khí hậu: Băng, tuyết tan trên đỉnh núi  Kilimanjaro (2 ảnh trái: ngày 17/02/1993 (trên) và ngày 21/02/2000 (dưới) ; Băng tan ở Bắc cực (phải trên) và bão lụt gia tăng ở Việt Nam (phải dưới).
Trong thời gian qua, Việt Nam đã cùng sát cánh và đóng góp với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống BĐKH (IPCC, 2007; WB, 2007, 2010 a, b). Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai “Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH” (Ministry of Natural Resources and Environment, 2008, 2009), Đây chính là khung chiến lược để thực hiện toàn diện các hoạt động ứng phó với BĐKH trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trong toàn quốc.
 
2.Sự tương tác giữa biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học
Sự suy thoái ĐDSH và Biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở thành hai trong số những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sự phát triển của con người trên phạm vi toàn cầu, và có sự tương tác lẫn nhau.
Theo Millennium Ecosystem Asessement (2005) thì vào cuối thế kỷ này, BĐKH chắc chắn sẽ trở thành một trong các nguyên nhân quan trọng nhất làm suy thoái ĐDSH. BĐKH đã ép ĐDSH phải thích ứng bằng cách hoặc là thay đổi nơi sống, thay đổi chu kỳ sống, hoặc là phải phát triển các đặc điểm vật lý mới (new physical traits).
Một mặt, BĐKH tác động tới tất cả các HST, tới các loài và gây ra một làn sóng tuyệt chủng chưa từng có trong lịch sử, tàn phá kho báu vô giá của sự sống trên Trái đất và thiệt hại về kinh tế ước tính có thể chiếm từ 5-20% GDP toàn cầu mỗi năm (Ahmed Djoghlaf, 2008, CBD Excecutive Secretary, 2010). Mặt khác, hoạt động của các HST, đặc biệt là các hệ sinh thái nông nghiệp, sự mất rừng và suy thoái rừng làm tăng sự phát thải KNK – nguyên nhân của BĐKH. Ngược lại, cây xanh, nhất là trong các HST rừng lại là bể hấp thụ và chứa cacbon lớn nhất và có vai trò quan trọng trong giảm nhẹ BĐKH (Trương Quang Học, 2008, 2010 a).
Về mặt xã hội, BĐKH gây ra những tác động mạnh mẽ nhất cho những người dân mà sinh kế gắn với thiên nhiên như nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS/ 2008), gần 1/3 tổng thu nhập của người nghèo Việt Nam là từ các hoạt động sinh kế nói trên. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là nơi chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, 21,3 % thu nhập của người nghèo nơi đây từ nông, lâm và thủy sản. Tỷ lệ này ở Tây Bắc là 54,9 %, Tây Nguyên 52,0 %… Bên cạnh đó, thay đổi trong hệ thống tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng kỹ thuật và năng suất lao động có thể làm mất ổn định cuộc sống, buộc cộng đồng phải di cư.
3.Biến đổi khí hậu và côn trùng
3.1. Vai trò của côn trùng trong tự nhiên và đời sống xã hội
Côn trùng với số loài chiếm tới khỏang 2/3 số loài sinh vật đã biết trên Trái đất hiện nay, là Lớp động vật có tính đa dạng sinh học cao nhất về cấu trúc thành phần loài, về mặt sinh học, sinh thái, sinh lý và vai trò trong tự nhiên và đời sống con người.
Về mặt có lợi, ngoài những côn trùng cho các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống (mật ong, nhựa cánh kiến đỏ, tơ tằm, các côn trùng dược liệu…) nhiều loài côn trùng còn đem lại những lợi ích gián tiếp. Các côn trùng này, một mặt, là các mắt xích trong các chuỗi và mạng lưới thức ăn, góp phần quan trọng duy trì các chu trình vật chất và năng lượng của hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo. Mặt khác, với vai trò là sinh vật thụ phấn cho nhiều loài thực vật có hoa, đặc biệt là cây trồng; là thiên địch (bắt mồi hay ký sinh) của nhiều loài sâu bệnh hại thực vật, côn trùng có ảnh hưởng quan trọng tới năng xuất cây trồng/mùa màng .
Về mặt có hại, côn trùng lại là các loài sâu hại thực vật, các sinh vật gây bệnh và các véctơ truyền bệnh cho người và động vật nuôi, đã từng là nguyên nhân chính gây ra nhiều thảm họa cho con người, nhất là các đại dịch của các bệnh truyền nhiễm truyền qua véctơ.
Hình 2. Muỗn vằn truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti (giữa) và Bọ xít hút máu Triatoma    rubrofasciata (gần đây xuất hiện nhiều ở Việt Nam – phải)
3.2. Mối quan hệ giữa côn trùng, tự nhiên  và con người trong khung cảnh biến đổi khí hậu
3.2.1. Côn trùng là nạn nhân của biến đổi khí hậu
Côn trùng là động vật máu lạnh, nhiệt độ cơ thể của chúng gần như bằng nhiệt độ của môi trường. Vì vậy nhiệt độ là yếu tố sinh thái quan trọng nhất ảnh hưởng tới tập tính, phân bố, phát triển, độ sống sót và sinh sản của chúng (Royal Entomoligical Society, 2010).
BĐKH tác động tới tất cả các HST trên phạm vi toàn cầu nói chung, tác động tới mọi khía cạnh của sinh học, sinh thái của côn trùng nói riêng.
Nghiên cứu do Hellmann và Shannon Pelini tiến hành (2010) cho thấy sự nóng lên toàn cầu có thể ảnh hưởng tới một loài côn trùng theo những cách và mức độ khác nhau ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau trong chu kỳ sống, đồng thời, BĐKH tác động tới mỗi loài côn trùng cũng theo một cách riêng.
Những nghiên cứu về tác động của BĐKH tới côn trùng còn chưa nhiều, tuy nhiên, từ các kết quả bước đầu có thể khái quát như sau:
-      Khí hậu có vai trò quan trọng, quyết định khả năng qua đông, phân bố địa lý, số thế hệ trong năm và độ phong phú/mật độ của côn trùng trong các HST.
-      Nhiệt độ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới độ sống sót, phát triển và di chuyển của côn trùng. Côn trùng có nhiều cơ chế để thích nghi với các điều kiện sinh thái thay đổi như tìm nơi trú đông/qua đông, diapause hoặc là di cư đến các nơi ấm hơn (giống như chim);
-      Nơi côn trùng chọn để qua đông có ảnh hưởng nhiều tới độ sống sót của chúng. Ví dụ, một số loài côn trùng qua đông ở gần mặt đất. Về mùa đông, lớp tuyết phủ phía trên sẽ tạo ra một lớp đệm giữ nhiệt lý tưởng. Nhưng khi lớp tuyết phủ này mỏng đi (do BĐKH), thì côn trùng có thể sẽ không thể sống sót qua mùa đông rất giá lạnh. Mặt khác, khi nhiệt độ tăng lên và mùa sinh trưởng dài hơn có thể dẫn đến sự kéo dài phạm vi phát triển của động , thực vật với các loài côn trùng mới phát triển làm cho các loài cũ không có khả năng tồn tại.
-      Trong tình hình như vậy, vấn đề gì sẽ xẩy ra ? Khi các loài sâu hại mới xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải phát triển các chương trình và phương pháp giám sát mới phù hợp, phải xác định ngưỡng phòng trừ (action thresholds) mới, phải có các loại hóa chất diệt và các chiến lược quản lý sâu hại tổng hợp mới phù hợp.
-      Tương tự như vậy, sự tăng số lượng thế hệ sâu hại có thể sẽ đòi hỏi phải có các đợt phòng trừ bổ sung và từ đó sẽ xuất hiện các thách thức mới trong quản lý tính kháng thuốc. Một số côn trùng có thể sẽ chuyển từ sâu hại phụ thành các loài gây hại chính nguy hiểm hơn và v.v.(Royal Entomological Society, 2010).
-      Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, một vài loài côn trùng sẽ bị mắc kẹt – giống như cá bị đẩy ra khỏi nước – trong chính môi trường  quen thuộc của chúng. Do đó chúng có thể bị tuyệt chủng hoặc mất đi những đoạn gen quan trọng trong quần thể của mình. Trong khi loài khác có thể tìm tới môi trường khí hậu mát hơn bằng cách tự di chuyển lên phía bắc, lên độ cao hơn, thậm chí còn có khả năng tự điều chỉnh các quá trình sinh lý để thích nghi như loài bướm Papilio zelicaon
 
 
Hình 3. Ấu trung (trái) và Bướm Anise Swallowtail (Papilio zelicaon) đang phơi năng (phải), một trong những sinh vật có thể chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Jason Dzurisin, Đại học Notre Dame)
3.2.2. Đối với côn trùng nông, lâm nghiệp
3.2.2.1. Bức tranh toàn cầu
Rất khó có thể đánh giá được tác động tiềm tàng của BĐKH đối với sâu hại nông, lâm nghiệp vì tính phức tạp của mối tương tác giữa sâu hại và cây chủ. Nó phụ thuộc vào những tác động của BĐKH tới quần hệ cây chủ, sâu hại, và thiên địch của chúng. Tuy nhiên có thể có một số đánh gía khái quát dựa trên sự phân bố của sâu hại hiên nay và tính nghiêm trọng của các vụ dịch sâu hại tại các vùng cụ thể. Các loài sâu hại mới (loài lạ hoặc ngoại lai) đã trở thành mối nguy hại tiềm tàng đối với cây trồng cũng đã được ghi nhận, mặc dù nguyên nhân của chúng chưa được xác định rõ là do các hoạt động ngoại thương hay do BĐKH.
Một ví dụ, Bọ xít xanh (Nezara viridula) là côn trùng hại rau cải của vùng nhiệt đới, hàng năm theo rau cải nhập cảng vào nước Anh và được theo dỏi liên tục từ 50 năm nay, nhưng không thể phát triển qua mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên trong các năm gần đây Bọ xít xanh đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều hơn vì mùa đông trong 10 năm qua ấm áp hơn mùa đông của 5 thập niên trước. Một số dẫn liệu khác cũng đã chỉ ra rằng ở vùng nhiệt đới, gần đây, rầy nâu hại lúa phát triển mạnh hơn và nhiều dòng kháng thuốc đã xuất hiện. Dịch rầy thừơng xảy vào mùa hè, nhưng trong tương lai có thể xảy vào mùa đông khi nhiệt độ và ẩm độ gia tăng. Nạn cào cào, châu chấu cũng trở nên trầm trọng hơn ở châu  Phi nhất là vào những năm hạn hán bất thường.
BĐKH còn có các tác động rất khác nhau tới thiên dịch của các loài sâu hại. Nghiên cứu các tác động này có vai trò quan trọng trong phòng trừ sâu hại trong khung cảnh BĐKH. Tính thích ứng của thiên địch có thể bị thay đổi do sự thay đổi của chất lượng cây thức ăn và mức độ tác động của nhiệt độ và những hiệu quả CO2 đối với cây chủ. Tính nhạy cảm của cây thức ăn đối với vật ăn thịt và vật ký sinh có thể sẽ giảm đi do sự thay đổi của bộ lá hoặc thay đổi thời gian của các chu kỳ sống của các loài sâu ăn lá dưới tác động của các thay đổi vật hâu học (phenology) của cây.
Hiệu quả sử dụng các thiên địch trong phóng trừ sâu hại sẽ bị giảm đi khi sự phân bố của của sâu hại bị thay đổi ra ngoài vùng phân bố của thiên địch của chúng. Trong trường hợp đó cũng có thể một quần thể thiên địch mới sẽ xuất hiện để thay thế. Ngoài tác động do khí hậu gây ra thông qua cây chủ và các loài sâu ăn lá, độ phong phú và tính tích cực của thiên địch còn thay đổi phụ thuộc vào các chiến lược quản lý thích ứng với BĐKH của người sản xuất. Các chiến lược này có thể sẽ dẫn đến sự lệch pha phát triển giữa sâu hại và thiên địch của chúng về không gian và thời gian, do đó sẽ làm giảm hiệu quả phòng trừ sinh học các loài sâu hại này.
Vì hiệu quả thường là gián tiếp và rất đa dạng của BĐKH tới thiên địch nên công tác dự báo sẽ rất khó khăn khi chúng ta chưa có những hiểu biết đầy đủ về con đường mà các hiệu quả môi trường tác động lên sự tương tác giữa các mối quan hệ dinh dưỡng này. Hơn nũa, những thay đổi tiến hóa trong quan hệ ký sinh –ký chủ cũng có thể có các hậu quả không lường trước về mức độ sử dụng thiên dịch trong phòng trừ sinh học .
3.2.2.2.    Tình hình ở Việt Nam
Sản xuât nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu nhiều rủi ro nhất dưới tác động của BĐKH vì phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên (tài nguyên và khí hậu tiết). Cũng như các HST tự nhiên, các HST nhân tạo nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng chịu các tác động của BĐKH theo các có chế tương tự và còn thêm tác động của các yếu tố nhân sinh.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới mọi mặt của sản xuất nông nghiệp, tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. Điều này, gần đây được phản ánh thông qua các tin tức hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, sâu bệnh đang hoành hành dữ dội tại nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Hòa Bình, Ninh Bình và một số địa phương khác trong cả nước, báo trước nguy cơ năng suất sụt giảm và mất mùa đang rất gần.
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cảnh báo, tình hình sản xuất vụ lúa hè thu 2010 ở cả nước và đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới, sâu hại…
Tại tỉnh Hòa Bình, hơn 300 ha lúa Hè – Thu đang vào giai đoạn làm đòng đang bị nhiễm sâu bệnh nặng. Những căn bệnh chủ yếu là lùn sọc đen, sâu cuốn lá, thối nõn, nấm… đang diễn ra rất phức tạp và khó lường và có nguy cơ trở thành đại dịch. Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, huyện Yên Thủy được đánh giá là điểm nóng về sâu bệnh.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Thủy: “Diện tích lúa Hè – Thu của huyện đang bị sâu bệnh tàn phá rất nặng. Chưa năm nào sâu nhiều như năm nay. “Như đánh giá sơ bộ của chúng tôi thì do thời tiết thay đổi, năm nay mưa muộn nên người dân cũng cấy muộn hơn. Trong thời gian lúa sinh trưởng, thời tiết cũng diễn biến thất thường nắng ẩm, mưa nhiều nên sâu bệnh sinh sôi nhanh thành đại dịch.”
Như phản ảnh của người dân tình hình sâu bệnh đang diễn ra rất phức tạp. Người dân phun thuốc trừ sâu từ 2 đến 3 lần rồi. Cứ phun mà chẳng thấy sâu chết, chỉ thấy lúa chết đi thôi. Thời tiết năm nay cũng thất thường. Sáng còn nắng chang chang, đến chiều mưa ngay được thế là công phun thuốc cũng thành công cốc. Sau mưa sâu còn phát triển mạnh hơn.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Hà Tây (cũ) lúa, hoa màu cũng bị sâu bệnh trên diện rộng. Nguy cơ biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp của nước ta đang thấy rất rõ rệt.
(Tamnhin.net)
3.2.3.         Đối với côn trùng y, thú ý học và sức khỏe
3.2.3.1. Bức tranh toàn cầu
BĐKH có tác động rõ rệt tới sức khỏe con người và vật nuôi hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các bệnh nhất là các dịch bệnh truyền qua nước và côn trùng véctơ.
Sự gia tăng về nhiệt độ làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là với người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh. Tình trạng nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa nhiệt hàng năm dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Đợt nóng năm 2003 ở Tây Âu đã tử vong ước tính 40.000 đến 50.000 người, chủ yếu là người già.
Biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế:
Sự gia tăng về cường độ và tần số thiên tai như bão, nước biển dâng, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn và sạt lở đất… làm tăng số người bị thiệt mạng và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng do môi nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng và bệnh tật.
Hàng năm trên thế giới, thiên tai đã làm khoảng 3 triệu người chết và 200 triệu người bị ảnh hưởng. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người già, trẻ em và phụ nữ.
Thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.
Nhiệt độ ấm lên cùng lượng mưa tăng có thể gây nhiễu loạn hệ sinh thái, tác động đến các động vật ký sinh cũng như trung gian truyền bệnh đã làm tăng các dịch bênh ở những vùng không có sự chuẩn bị phòng chống đầy đủ. Muỗi, ve bét và các loài côn trùng truyền bệnh khác có thể sống sót qua mùa đông do BĐKH và mở rộng vùng phân bố làm tăng nguy cơ dịch bệnh phụ thuộc vào điều kiện môi trường và sự thay đổi của xã hội.
Theo tính toán, các bệnh do véc tơ truyền, bệnh tiêu chảy gây thiệt hại ước tính hàng năm khoảng 40 tỷ USD. Tổ chức Y tế thế giới cho biết trong năm 2000 có khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan đến BĐKH. Dự báo trong vòng 50 năm tới, thiên tai sẽ tăng lên 4 lần và 2 tỷ người trên hành tinh sẽ chịu ảnh hưởng.
Trên phạm vi toàn cầu, có đến 500 triệu người tiếp xúc với sốt rét mỗi năm, trong đó có khoảng 1,5-3 triệu chủ yếu là trẻ mới sinh ở châu Phi bị chết hàng năm. Muỗi và ký sinh trùng kháng nhiều loại thuốc có xu hướng mở rộng vùng phân bố, và chưa có vacxin cũng như các biện pháp hiệu quả để phòng chống trong tương lai gần. Với các điều kiện sinh thái thay đổi cùng với tác động của sự bất thường của thời tiết, nhiệt độ tăng lên, những bệnh này có nguy cơ phát triển.
Theo thông báo, trong thời gian gần đây, cả côn trùng và các bệnh do côn trùng truyền bao gồm cả sốt rét và sốt xuất huyết có xu hướng di chuyển lên các vĩ độ cao hơn ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ-Latinh. Sốt rét miền núi đã trở thành nghiêm trọng hơn cho khu vực nông thôn của Papua New Guinea và vùng núi ở Trung Phi. In 1995, sốt xuất huyết xẩy ra ở khắp châu Mỹ-Latinh, muỗi Aedes aegypti có xu hướng phân bố lên cao.
Điều đáng lo ngại nhất là sự BĐKH ảnh hưởng đến sự thay đổi sinh thái, gây ra một loạt yếu tố có thể làm trầm trọng thêm, tràn lan một loạt các bệnh mới (bệnh Zoonotic). Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới kể từ năm 1976 đã xuất hiện 30 bệnh mới đối với Y học (Al Gore, 2001).
Ông Lokman Hakim Bin Sulaiman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, Viện Nghiên cứu y học Bộ Y tế Malaysia, cho biết trong số 1.400 loài được biết đến của các sinh vật gây bệnh truyền nhiễm cho con người, 61% là bệnh zoonotic. Động vật hoang dã và động vật nuôi là những loài chính gây ra bệnh Zoonotic từ những sinh vật không rõ trước đây, có thể xuất hiện trong con người. Chẳng hạn như tại Malaysia, sự kết hợp giữa yếu tố El Nino và sự phá hủy của con người gây cháy rừng, phá hủy hệ sinh thái đã khiến loài dơi và quạ mang virus Paramyxo gây bệnh kỳ lạ. Virus Nipal gây ra bệnh viêm não mới tại Malaysia trong ba tháng đã làm 283 trường hợp mắc, 105 người chết. Tương tự GS Anthony J. MCMichael, thành viên Hội đồng nghiên cứu Y khoa và Y tế quốc gia Úc, cũng cho biết một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường trung gian mang tính chất địa lý đã gia tăng trong những năm gần đây cùng với sự nóng lên trong khu vực như sốt rét ở khu vực cao nguyên Đông châu Phi, viêm não do ve truyền ở Thụy Điển, bệnh Lyme ở Canada, bệnh sán máng ở miền Đông Trung Quốc và châu Âu, bệnh lưỡi xanh do virus ở châu Âu. Đặc biệt, các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền thành từng đợt sang người từ các nguồn động vật di cư như bệnh sốt Tây sông Nile (hiện đã có cả ở Mỹ và Canada – chim là vật chủ), bệnh Sosots thung lũng Rift Kenya (đại gia súc), virus sông Ross Úc (chuột túi)…
3.2.3.2.Tình hình ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề ảnh hưởng của BĐKH tới các véctơ truyền bệnh và sức khỏe con người đã có những nghiên cứu bước đầu. Có thể nêu ra một số dẫn liệu như sau:
i)      Hội thảo “Á – Âu chia sẻ kinh nghiệm sẵn sàng đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới xuất hiện”, được tổ chức ngày 4 và 5-11 tại Hà Nội đã đánh giá BĐKH tác động tới khoảng 10% dân số Việt Nam, kéo theo tổn thất GDP lên tới 10%, cùng với đó là hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm cả những bệnh mới bùng phát.
Trong Hội thảo này, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã thông báo ở Việt Nam có 9 bệnh liên quan đến BĐKH gồm: Bệnh cúm A(H1N1) hiện đang xảy ra, Bệnh cúm A(H5N1): xảy ra từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2008, Bệnh sốt xuất huyết, Bệnh sốt rét, Bệnh tả: xảy ra vào các năm 2004, 2007, 2008, Bệnh thương hàn, Bệnh tiêu chảy, Bệnh viêm não do virus, Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (SARC năm 2003).
ii)    Các bệnh truyền nhiễm là những sinh quần gồm ba thành viên: vi sinh vật gây bệnh, sinh vật mang bệnh và vật truyền bênh, tồn tại trong những điều kiện môi trường nhất định (trong đó quan trọng nhất là yếu tố nhiệt độ). Các vật truyền bệnh (như muỗi, bọ chét, bọ xít hút máu, ve, mò, mạt) sẽ thay đổi về sinh học, sinh thái và vùng phân bố, theo xu hướng sẽ phát triển ở các vành đai cao hơn, mùa phát triển sẽ kéo dài hơn. Hậu quả là các dịch bệnh do chúng truyền sẽ phức tạp và gây tác hại nhiều hơn.
- Trong thời gian vừa qua, dịch sốt xuất huyết (do muỗi Aedes spp truyền) bùng phát trên phạm vi cả nước, có dịch tễ phức tạp, mùa bệnh kéo dài vì thời tiết bất thường và nóng lên (muỗi truyền bệnh phát triển…).
- Bệnh dịch tả quay lại cũng tương tự như vậy: do trời nóng, điều kiện vệ sinh nói chung và vệ sinh thực phẩm nói riêng không tốt. Bệnh truyền qua nước và các côn trùng véctơ (theo cơ chế nhiễm bẩn cơ học) nên rất khó quản lý nguồn bệnh/ phân.
-Bệnh số rét ở miền núi (do muỗi Anopheles minimus truyền): Tại miền Nam, bệnh thường phân bố ở độ cao dưới 1000 m, song gần đây do nóng hơn nên bệnh di chuyển lên cao hơn (tới gần Đà Lạt).
     + Sốt rét miền biển (do muỗi An. sundicus truyền) theo xâm nhập mặn (ĐBSCL – 35 % diện tích bị nhiễm mặn) bệnh đã vào sâu hơn trong nôi địa. Riêng tại tỉnh Bạc Liêu, sau 2 năm chuyển đổi phương thức sử dụng đất từ trồng lúa (nước ngọt) sang nuôi tôm (nước lợ) đã làm gia tăng mật độ muỗi gây bệnh sốt rét lên hơn 50 lần (Hồ Đình Trung, 2009, theo mạng).
     + Sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, gây nên nhiều loại bệnh về hô hấp, đường ruột, bệnh ngoài da, đau mắt và một số bệnh truyền nhiễm khác ở nhiều địa phương (Trương Quang Học và Trần Đức Hinh, 2008).
Hình 4. Côn trùng và dịch bệnh: Sâu cuốn lá, gây thối nõn và bạc lá lúa đang hoành hành ở Hòa Bình, nhiều diện tích lúa đã chết (Ảnh: Thu Huyền, Tamnhin.net) (trái) và các bệnh nhân của bệnh sốt xuất huyết
ngày càng
gia tăng (phải)
iii) Đối với động vật nuôi, tác động của BĐKH cũng rất rõ rệt. Trong những năm gần đây, các vụ dịch của gia cầm, gia súc (cúm gia cầm, cúm lợn, lợn nghệ…) đã gây ra các vụ dịch lớn và thiệt hại đáng kể ở nhiều địa phương. Đợt rét hại ở vùng núi phía Băc đã làm 33.000 trâu bò bị chết (2007-2008) và hơn 12.000 con bị chết (năm 2010-2011).
4. Chúng ta phải làm gì ?
Trong bối cảnh hiện nay, các nghiên cứu về côn trùng, nhất là về côn trùng học ứng dụng cần phải tính tới các yếu tố BĐKH trong tất cả các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển. Trước hết cần tập trung vào hai vấn đề chính: bảo tồn côn trùng và phòng trừ côn trùng có hại.
4.1. Đẩy mạnh bảo tồn côn trùng
Trong thiên nhiên, tất cả các loài sinh vật đều có những chức năng và vai trò nhất định trong HST. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, các nhà bảo tồn thường chú ý hơn tới các loài dễ thấy, dễ quan sát và thường là các loài động vật có xương sống -đối tượng bị khai thác nhiều cho các mục đích kinh tế (game animals chỉ chiếm khoảng 3% tổng số loài) (New,1995). Những sinh vật này tượng trưng cho mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. “Nhưng nếu nói về chức năng sinh thái, thì côn trùng mới chính là những động vật quan trọng nhất.”(Hellmann, 2009).
Như trên đã trình bày, côn trùng rất đa dạng, phong phú và có liên hệ mật thiết tới mọi lĩnh vực của tự nhiên và đời sống xã hội. Có nhà khoa học nhận định rằng, nếu chúng ta không có các giải pháp bảo tồn hữu hiệu các loài côn trùng, nhất là trong cơn lốc tuyệt chủng hiện nay, thì đa số các dạng sống trên mặt đất (the terrestrian life forms) sẽ dần dần biến mất.
Côn trùng là một khâu của gần như tất cả các chuỗi và mạng lưới thức ăn trong thiên nhiên, hoặc là trực tiếp như nguồn thức ăn cho các loài côn trùng khác, cho cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú và nhiều loài động vật chân khớp, hoặc là gián tiếp như một nhân tố trong các chu kỳ không bao giờ ngừng của các chất dinh dưỡng trong đất. Côn trùng và ve bét là cực kỳ quan trọng để giúp các vi sinh vật phân hủy phân, xác thực vật và động vật trong đất và lớp thảm mục phía trên tạo nên chất dinh dưỡng cần cho thực vật để trả lại cho đất. Nếu không có côn trùng, các quá trình này sẽ bị chậm lại ít nhất 10 lần (New, 1995).
Ở Việt Nam công tác bảo tồn ĐDSH cũng trong tình trạng tương tự. Trong số 407 loài động vật có trong Sách Đỏ, chỉ có 22 loài côn trùng thuộc 4 bộ (Phasmatoidea, Hemiptera, Coleoptera và Lepidoptera) được liệt tên (Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007).
Vì vậy, công tác bảo tồn động vật không xương sống nói chung, côn trùng nói riêng cần phải được chú ý hơn nữa, nhất là các loài có vai trò quan trọng trong các HST, các loài chỉ thị, các loài có lợi và có ích, các loài đang là đối tương săn bắt cho các mục đích khác nhau đang trở nên ngày càng nguy cấp…
4.2. Đẩy mạnh các hoạt động R&D phục vụ cho phòng trừ côn trùng có hại trong khung cảnh biến đổi khí hậu
Từ góc độ sinh thái học, các dịch hại đối với cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người trong đa số trường hợp đều là các sinh quần của 2-3 yếu tố: vật gây bệnh, vật mang bệnh/bị hại và vật truyền bệnh. Khi các yếu tố sinh thái bên ngoài thay đổi dưới tác động của BĐKH, nhất là nhiệt độ, sự bất thường và cực đoan của thời tiết, khí hậu thì cả sinh quần sẽ bị tác động, bị thay đổi.
Nghiên cứu sự tác động này trong mối quan hệ nhiều chiều của sinh quần là rất quan trọng trong tất cả các khâu của hệ thống quản lý sâu hại tổng hợp (IPM) và phòng trừ tổng hợp véctơ truyền bênh (IVC) . Đây là các nghiên cứu cần phải được tiến hành ngay để chủ động phòng chống các hậu họa của côn trùng gây ra dưới tác động của BĐKH ngày càng gia tăng hiện nay,
 
Thay cho lời kết
Trong những thập ký gần đây, dấu chân sinh thái (footprint) và dấu chân cacbon (carbonprint) của chúng ta có xu hướng tăng lên rõ rệt do những hoạt động phát triển thiếu tính toán của con người, đã và đang vượt xa sức chịu tải (biocapacity) của các HST. Điều này đã gây ra những hậu quả môi trường và xã hội nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, trước hết là BĐKH, đe dọa sự tồn tại của nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta – Trái đất.
Để “cứu lấy Trái đất” với tấm lòng và trí tuệ của mình, chúng ta hãy cùng nhau tăng cương sức mạnh của bàn tay sinh thái (fingerprint) để giảm dấu chân sinh thái, dấu chân cacbon, để chuộc lại những lỗi lầm nghiêm trọng của chúng ta đã gây ra cho người mẹ của mình – thiên nhiên.
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đang có những lỗ lực lớn nhất, cố gắng liên kết để chống lại BĐKH – thách thức lớn nhất của nhân loại trong thé kỷ XXI.
Chinh phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng để sát cánh với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã được Chính phủ ban hành và hiện nay tất cả các bộ ngành, các địa phương đang tích cực xây dựng kế hoạch hành động để triển khai trong thực tế nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH trong điều kiện cụ thể của đất nước.
Côn trùng là một siêu lớp sinh vật với các vai trò to lớn trong thiên nhiên và đời sống xã hội. Khu hệ côn trùng của Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có tầm quan trọng về nhiều mặt. Hội Côn trùng học Việt Nam, các nhà côn trùng học hãy tiên phong trong các hoạt độpng R&D nhằm chủ động bảo tồn côn trùng trong Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học quốc gia chung của Việt Nam, phát triển các loài có lợi và phòng chống hiệu quả các loài gây hại trong khung cảnh BĐKH, phục vụ cho sự nghiệp phát triển khoa học-công nghệ và phát triển bền vững của Đất nước.
Hà Nội, Xuân Tân Mão
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Excecutive Secretary of the CBD, 2010. Global Biodiversity Outlook 3.    Montreal:94p.
Hội thảo Á - Âu “Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi”. Hà Nội, 4.11.2009.
IPCC, 2007. Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability. Contribution of Working Group II to the Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press, Cambridge, UK, 976 pages
Ministry of Natural Resources and Environment, 2005. State of the Environment in Vietnam 2005: Biodiversity. MONRE, 97 pages
Ministry of Natural Resources and Environment, 2008. National Target Program to Respond to Climate Change. Hanoi, 25 pages
Ministry of Natural Resources and Environment, 2009. Climate Change, Sea level Rise Scenarios for Vietnam. Hanoi, 33 pages
New, T.R, 1995. An Introduction to Invertebrate Conservation Biology. Oxferd Science Publications: 94p.
Epsteinm, P.R., 1997.  Climate, Ecology, and Human Health. Consequences     Vol. 3, No. 2, 1997: 1-53 p
Paul R. Epstein, 1997. Climate, Ecology, and Human Health. Consequences Vol. 3, No. 2, 1997.
Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hâu, Số 158/2008/QĐ-TTg, ngày 02.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ: 31tr.
Royal Entomological Society, 2010. Climate Change & Insects. The Last Meeting, 27th October 2010
Scott A. Elias, 1991. Insects and Climate Change. BioScience, Vol. 41, No. 8 (Sep., 1991):552-559 p
Trương Quang Học, Trần Đức Hinh, 2008. Biến đổi khí hậu và các véc tơ truyền bệnh. Báo cáo khoa học, Hội nghị Côn trùng học toàn quốc lần thứ 6, Hà Nội, ngày 9-10/ 5/2008.
Trương Quang Học, 2008a. Hệ sinh thái trong phát triển bền vững. Trong sách “Viện Viêt Nam học và Khoa học phát triển: 20 năm VIỆT NAM HỌC theo định hướng liên ngành. NXB Thế giới: 868-890.
Truong Quang Hoc, 2008b. Linkage between biodiversity and climate change in Vietnam. Proceedings, The 2nd Vietnam-Japan Symposium on Climate Change and the Sustainability, 11.2008. Vietnam. National University Press. Ha Noi: 53-58p.
Truong Quang Hoc and Per Bertilsson, 2008. The SEMLA Programme’s activities on Response to Climate Change. The Third International Conference on Vietnamese Studies, Hanoi, 5-7.12.2008: 12 p.
Truong Quang Hoc and Tran Hong Thai, 2008. Climate Change and Sustainable Development in Vietnam: Climate Change Inpacts on Nature and Society Life. Proceedings, The 2nd Vietnam-Japan Symposium on Climate Change and the Sustainability, 11.2008. Vietnam. National University Press. Ha Noi: 19-26p.
Trương Quang Học, 2010 a. Đa dạng sinh học, Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững. Báo cáo tại Hội nghị Môi trường toàn quốc 2010m Hà Nội : 18tr.
Trương Quang Học, 2010 b. Biến đổi toàn cầu: cơ hội và thách thức trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trong “Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường: 25 năm xây dựng và phát triển”: 25-31.
Trương Quang Học, 2010 c. Về quy trình lồng ghép các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia lần thứ II: Môi trường và Phát triển bền vững. NXB Nông nghiệp: 49-60.
Trương Quang Học (chủ biên), 2011. Tài liệu đào tạo tập huấn viên về biến đổi khí hậu. NXB. Khoa học và Kỹ thuật: 320 tr.
UNDP, 2007. Báo cáo Phát triển con người 2007/2008. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách. UNDP, Hà Nội: 390 tr.
WB, 2010a. Convenient Solution to an Inconvenient Truth: Ecosystem-Based Approaches to Climate Change. The World Bank: 114 pp.
WB, 2010b. Development and Climate Change. World Development Report. The World Bank: 417 pp.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim