Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 16
Truy cập: 4.452.355

Hiện trạng công tác quản lý, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng Hà Nội

Thứ Hai, 02 Tháng Bảy 2012 12:14 CH

Trần Xuân Việt Giám đốc sở nông nghiệp và PTNT Hà Nội [Nguồn: Báo cáo Hội thảo Môi trường ngàn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội]

Trần Xuân Việt

Giám đốc sở nông nghiệp và PTNT Hà Nội

[Nguồn: Báo cáo Hội thảo Môi trường ngàn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội]
Rừng Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều khu rừng là nơi tâm linh văn hóa (Rừng Sóc Sơn có đền Gióng, rừng Hương Sơn có khu di tích chùa Hương, rừng Ba Vì có khu K9 đã từng là nơi an nghỉ của Bác Hồ). Đây là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ ngơi cuối tuần của Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có rừng, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.
Hiện trạng công tác quản lý, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng Hà Nội
1. Thủ đô Hà Nội sau khi hợp nhất có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 29.000 ha, chiếm gần 9% diện tích tự nhiên toàn thành phố. Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích tự nhiên của Thành phố song rừng và đất lâm nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Thủ đô.
Rừng được coi như “lá phối xanh” điều hòa khí hậu, làm sạch không khí, điều hòa nguồn nước, chống xói mòn, giảm tiếng ồn, tạo môi trường khí hậu trong lành có lợi cho sức khỏe con người.
Rừng Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều khu rừng là nơi tâm linh văn hóa (Rừng Sóc Sơn có đền Gióng, rừng Hương Sơn có khu di tích chùa Hương, rừng Ba Vì có khu K9 đã từng là nơi an nghỉ của Bác Hồ). Đây là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ ngơi cuối tuần của Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có rừng, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.
Rừng Hà Nội còn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Rừng Sóc Sơn, rừng Ba Vì và dải rừng từ Sơn Tây đến Mỹ Đức nằm vị trí cửa ngõ phía bắc và phía tây của Thủ đô, là nơi phòng thủ chiến lược bảo vệ cho Thủ đô và các cơ quan Trung ương của Đảng và nhà nước.
2. Đặc điểm rừng và đất lâm nghiệp Thành phố là hệ thống núi thấp và đồi gò phân bố tại 7 huyện và thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp Thành phố là 29.000 ha, trong đó diện tích có rừng 22.900 ha, diện tích đất trống 6.100 ha; tỷ lệ các loại rừng: Rừng phòng hộ 9.020 ha chiếm 31%, rừng đặc dụng 9.530 ha chiếm 33%, rừng sản xuất 10.450 ha chiếm 36%. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu tại 3 huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức với diện tích 21.500 chiếm 74% diện tích rừng và đất lâm nghiệp Thành phố. Trong đó: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo chủ quản lý: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 10.000 ha; hộ gia đình: 9.900 ha; doanh nghiệp nhà nước: 4.000 ha; đơn vị lực lượng vũ trang: 1.100 ha và tổ chức tập thể khác: 4.000 ha
Địa hình rừng và đất lâm nghiệp Thành phố được chia thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng núi Ba Vì có độ cao trên 1.000 m địa hình chia cắt phức tạp. Đây là nơi tập trung chủ yếu là rừng tự nhiên, nơi đây có khí hậu mát mẻ nên trở thành khu du lịch, nghỉ ngơi cuối tuần, là nơi lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu về hệ sinh thái rừng. Tiểu vùng dãy núi đá vôi Tuy Lai – Hương Sơn của huyện Mỹ Đức là phần cuối của hệ thống núi và cao nguyên Sơn La, địa hình phổ biến là núi thấp nhưng rất hiểm trở, có nhiều hang động và những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Tiểu vùng núi thấp và đồi gò Sóc Sơn là một phần kéo dài về phía đông của dãy núi Tam Đảo, có độ cao trung bình từ 200-300 m so với mực nước biển.
Đặc điểm lâm học rừng Hà Nội: Rừng tự nhiên có hơn 4.000 ha (tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Ba Vì và rừng đặc dụng Hương Sơn), bao gồm hơn 655 loài thực vật bậc cao và hàng trăm loài động vật trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ. Rừng tự nhiên Thành phố Hà Nội chủ yếu là rừng nghèo và rừng phục hồi, chủ yếu bảo vệ bảo tồn nguồn gen, hệ sinh thái phòng hộ bảo vệ môi trường, cảnh quan phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch. Rừng trồng đa số là rừng trồng thuần loài được trồng bởi Chương trình PAM, 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng bằng nguồn kinh phí nhà nước, còn một số ít do người dân tự bỏ vốn trồng, bao gồm các loài: Thông, Keo, Bạch đàn, Sấu, Trám, Long não… một số loài cây ăn quả như: Vải, Xoài, Mơ…. Nhiều diện tích Keo, Bạch đàn đã đến tuổi khai thác, cây ăn quả cho giá trị kinh tế thấp cần được đầu tư cải tạo thay thế, nâng cấp làm giàu rừng.
3. Thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng: Trồng mới 5.310 ha đạt 96,3 % kế hoạch, chăm sóc rừng 12.400 ha đạt 98,5 % kế hoạch, khoanh nuôi bảo vệ rừng 9.000 ha đạt 96,0 % kế hoạch.
Đến năm 2010 diện tích có rừng là 22.900 ha (trong đó rừng đặc dụng 7.960 ha; rừng phòng hộ 7.200 ha; rừng sản xuất 7.750 ha), độ che phủ rừng đạt 6,9%.
Trồng cây môi trường: Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” mỗi năm Thành phố trồng mới được 600.000 cây, tổng số cây trồng từ năm 2001-2010 đạt 6 triệu cây tương đương khoảng 4.000 ha, góp phần nâng độ che phủ của rừng và cây xanh lên 8,0%.
Bảo vệ rừng: 100% diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ được khoán bảo vệ. Việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng, hoạt động kiểm tra kiểm soát lâm sản được thực hiện đúng quy định pháp luật. Nạn phá rừng, cháy rừng cơ bản được ngăn chặn, hầu như không xảy ra vi phạm lớn. Việc thực hiện nguyên tắc sử dụng đất lâm nghiệp, cho thuê môi trường rừng để thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo đúng chế độ chính sách, phát huy tác dụng tích cực. Quản lý hoạt động khai thác rừng chặt chẽ; hệ thống đường lâm sinh phục vụ trồng, bảo vệ rừng cơ bản đáp ứng yêu cầu; Ba Vì xây dựng và nâng cấp 30 km, Sóc Sơn 25 km đường lâm nghiệp.
Trong mấy năm trở lại đây công tác phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được tăng cường; từ Thành phố cho tới huyện có rừng đều thành lập các Ban chỉ huy PCCCR; hàng năm các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch PCCCR từ huyện tới xã; tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền PCCCR và quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ rừng và PCCCR; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác PCCCR được đầu tư với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng ngày càng lớn mạnh: Kiểm lâm thành phố với lực lượng hơn 200 cán bộ công chức, nhân viên; 15 đơn vị Hạt, đội Kiểm lâm trực thuộc đóng tại địa bàn huyện, quận, thị xã đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hoạt động rất có hiệu quả; mạng lưới bảo vệ rừng tại địa phương có ở hầu hết ở các xã có rừng hoạt động thường xuyên ổn định; có 53 ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng từ thành phố đến huyện, thị xã và xã. Đã xử lý 3.800 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp theo quy chế bước đầu đi vào nề nếp. Trên địa bàn Thành phố có hơn 10 tổ chức, đơn vị (bao gồm cả đơn vị Trung ương) và hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Năm 2008 và 2009, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 05 lớp tập huấn về Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn thành phố cho các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Kết quả các học viên đều đánh giá nội dung tập huấn thiết thực và bổ ích, giúp học viên tiếp cận, hiểu rõ các văn bản của nhà nước, nắm được thủ tục công nhận nguồn giống, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Những đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính đều được kiểm tra thẩm định, cấp giấy chứng nhận đơn vị đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con … Các cơ sở sản xuất giống cây trồng đủ sức cung cấp những giống có chất lượng cho nhu cầu thành phố và các tỉnh bạn với quy mô hơn 10 triệu cây/năm.
4. Vốn đầu tư: Chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước thông qua các dự án trồng rừng, dự án nâng cao năng lực PCCCR. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2001- 2009 khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó: Vốn đầu tư cho trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng: 50 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ lâm nghiệp: 50 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ PCCCR: 100 tỷ đồng.
5. Một số tồn tại và khó khăn:
Công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng còn chậm, chưa triển khai giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp và rừng. Việc quản lý đất lâm nghiệp và rừng ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Các chính sách liên quan như: giao đất giao rừng, chính sách hưởng lợi từ rừng… còn nhiều vướng mắc, chưa được triển khai thực hiện nên không khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triên rừng. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Rừng Thành phố Hà Nội trồng thuần loài là chủ yếu, cơ cấu loài cây rừng nghèo, chất lượng rừng chưa cao nên khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường hạn chế, giá trị kinh tế không cao, dễ xảy ra cháy rừng, cần được nâng cấp cải tạo.
Trình độ của cán bộ quản lý lâm nghiệp ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hiểu biết pháp luật của người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, công tác giáo dục tuyên truyền chính sách pháp luật thiếu thường xuyên, hiệu quả thấp.
Việc trồng cây xanh phân tán tuy đã thành phong trào hàng năm nhưng cây sau khi trồng thiếu sự quan tâm chăm sóc, quản lý bảo vệ nên chưa có được những đánh giá cụ thể về hiệu quả đầu tư.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội những năm tiếp theo
1. Mục tiêu
-         Ổn định quy mô rừng và đất lâm nghiệp 29.000 ha, trong đó: Quy hoạch cho rừng đặc dụng, phòng hộ: 18.000 ha; rừng sản xuất: 11.000 ha.
-         Trồng mới hết diện tích đất lâm nghiệp còn trống khoảng 6.000 ha, kết hợp trồng cải tại nâng cấp 2.000 ha rừng phòng hộ. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng.
-         Phấn đấu mỗi năm trồng 600.000 cây môi trường, góp phần nâng độ che phủ rừng và cây xanh lên 11%, tỷ lệ cây xanh đạt 6-8 m2/người vào năm 2020.
-         Bảo vệ và phát triển rừng gắn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ an ninh quốc phòng. Nâng mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ha/năm hiện nay lên khoảng 20 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020.
2. Nhiệm vụ
-         Hoàn thành lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2010 làm cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu trên với các nội dung xác lập quy hoạch 3 loại rừng, các giải pháp đồng bộ, các dự án ưu tiên, nhu cầu vốn đầu tư, tiến độ thực hiện…
-         Hoàn thành việc giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp, rừng.
-         Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình 661 hoàn thành kế hoạch theo tiến độ được phê duyệt; chuẩn bị xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng những năm sau theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; đảm bảo cho việc trồng và bảo vệ rừng tại các khu rừng đã quy hoạch được thực hiện liên tục. Đối với rừng phòng hộ đặc dụng tập trung chủ yếu bảo vệ, làm giàu rừng và cải tạo rừng đáp ứng nhiệm vụ phòng hộ môi trường, nghiên cứu bảo tồn, du lịch sinh thái. Đối với rừng sản xuất tập trung trồng những cây có giá trị kinh tế kết hợp tạo ra những vùng nguyên liệu cho công nghiệp và làng nghề.
-         Tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng từ cơ sở đến Thành phố đủ sức làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc, phòng cháy chữa cháy rừng một cách vững chắc, đặc biệt ưu tiên lực lượng tại chỗ (các ban lâm nghiệp xã, tổ đội xung kích bảo vệ rừng tại thôn, bản…).
-         Hoàn thành các dự án tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng hạ tầng phục lâm nghiệp đã được phê duyệt tại Sóc Sơn, Ba Vì, tiếp tục xây dựng các dự án ở các khu rừng khác.
-         Nâng cao chất lượng cán bộ, năng lực điều hành của các tổ chức làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp. Xây dựng mạng lưới lâm nghiệp cấp xã trên địa bàn Thành phố tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại gốc, phòng cháy chữa cháy rừng.
3. Giải pháp
 Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cần có các giải pháp đồng bộ như sau:
-         Thành phố ban hành chính sách về giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp, rừng, giao khoán, thuê rừng, thuê môi trường rừng, chính sách đầu tư, chính sách mạng lưới lâm nghiệp cơ sở… tạo đủ khung pháp lý cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.
-         Thành phố ưu tiên đầu tư ngân sách cho trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ trồng, bảo vệ rừng theo dự án đầu tư những năm trước mắt; về lâu dài cần xã hội hóa nghề rừng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư, hộ dân bằng các chính sách khuyến khích về quyền hưởng lợi, thuê rừng, thuê môi trường rừng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao, ưu đãi tín dụng tiến tới giảm dần vốn đầu tư của nhà nước cho lâm nghiệp theo lộ trình hợp lý. Tổng vốn đầu tư cần cho giai đoạn 2010-2020 ước khoảng 550 tỷ đồng (phát triển rừng 250 tỷ đồng, bảo vệ rừng 300 tỷ đồng), trong đó vốn ngân sách khoảng 350 tỷ đồng, nguồn vốn huy động khác 200 tỷ đồng.
-         Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng và PCCCR dưới nhiều hình thức, tăng cường tuyên truyền thông qua hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu, biển báo, biển cấm, phát tờ rơi và qua hệ thống loa truyền thanh. Hoàn thành việc cắm mốc giới 3 loại rừng, xây dựng các biển hiệu, biển báo, biển cấm ở các khu vực rừng đã được quy định.
-         Tăng cường quản lý nhà nước về lâm nghiệp một cách toàn diện; xắp xếp hợp lý bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Thành phố tới huyện, xã; các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Trung ương, Thành phố, huyện; các đơn vị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các ban chỉ đạo cấp Thành phố, huyện về những vấn đề cấp bách về lâm nghiệp. Nâng cao chất lượng quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, ngành lâm nghiệp Thành phố, ưu tiên cho lực lượng tại cơ sở.
-         Tập trung nguồn lực của Trung ương, Thành phố đầu tư nghiên cứu khoa học lâm nghiệp; hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ lâm nghiệp, ưu tiên nghiên cứu khảo nghiệm các giống cây trồng phù hợp, các mô hình khuyến lâm phục vụ cho việc thực hiện các dự án làm giàu cải tạo nâng cấp rừng phòng hộ, đặc dụng; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ổn định cho công nghiệp, làng nghề đối với rừng sản xuất phù hợp với định hướng của Ngành, Thành phố. Hỗ trợ đào tạo cán bộ, tập huấn kỹ thuật chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hộ trồng rừng.
Trên đây là những vấn đề cơ bản về bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội. Những nhiệm vụ, nội dung và bước đi cụ thể sẽ được nêu rõ trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội giai đoạn 2010-2020 đang được xây dựng trình UBND Thành phố phê duyệt vào cuối năm 2010.
Bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố đòi hỏi sự đồng tâm chung sức của các cấp lãnh đạo Đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào sự thành công của sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại văn minh.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim