Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 15
Truy cập: 4.452.471

Báo cáo QĐ 64/2003/QĐ-TTg đến năm 2010 và KH xử lý triệt để các cơ sở gây ONMTNTđến năm 2020

Thứ Hai, 02 Tháng Bảy 2012 11:42 SA

BÁO CÁO TÓM TẮT

Kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện

Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

đến năm 2010 và định hướng xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020

(Tài liệu do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày

tại Hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá tình thực hiện

Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để

các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2011

Kính thưa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Thưa toàn thể Hội nghị,

Sau đây, tôi xin phép được thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo liên ngành, với trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phê duyệt tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả sau gần 8 năm triển khai thực hiện. Báo cáo gồm 02 phần chính: Phần thứ nhất là kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp; Phần thứ hai là một số đề xuất định hướng xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội nghị,

Ngay sau khi Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/4/2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành, thành lập Văn phòng giúp việc Ban chỉ đạo, triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bộ và Ban chỉ đạo liên ngành đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương, qua đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xây dựng, ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để tháo gỡ, hỗ trợ, thúc đẩy việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Về cơ chế, chính sách, bên cạnh nhiều văn bản đã được ban hành hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện Quyết định số 64 như: Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích, Chỉ thị số 17/2008/CT-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý. Ngoài ra, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng đã được lồng ghép, ban hành trong các văn bản pháp luật về tài chính, đất đai và bảo vệ môi trường. Có thể nói, cho đến nay, chúng ta đã xây dựng được một hành lang pháp lý khá đồng bộ từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đến các chế tài xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.

Về đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm triệt để, bên cạnh việc hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư xử lý các cơ sở gây ô nhiễm hoạt động phục vụ mục đích công ích thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nhiều địa phương đã tự cân đối kinh phí, phân bổ vốn ngân sách địa phương để xử lý ô nhiễm đối với các cơ sở trên địa bàn. Đến nay, đã có 57 dự án xử lý ô nhiễm triệt để được phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương với tổng kinh phí là 282,051 tỷ đồng. Bản thân các cơ sở gây ô nhiễm cũng đã phải chủ động đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến nay đã có 108 cơ sở tự đầu tư với tổng số kinh phí là 1.864,338 tỷ đồng. Việc tranh thủ nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh với 20 dự án đã được hỗ trợ, có tổng kinh phí lên tới 607,314 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho 12 dự án thuộc Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg với tổng kinh phí là 43 tỷ đồng. Nhìn chung, việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư đã được thực hiện tương đối tốt trong thời gian vừa qua, dù chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thực tiễn song cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với các cơ sở chây ỳ, chậm triển khai xử lý ô nhiễm môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương triển khai một cách mạnh mẽ, nhằm tạo áp lực buộc cơ sở phải tích cực, chủ động trong xử lý ô nhiễm. Kể từ khi triển khai đến nay, Bộ đã chủ trì, phối hợp tổ chức hơn 30 đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát liên ngành, ban hành quyết định xử phạt hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt với tổng số tiền lên tới hơn 4 tỷ đồng, thực hiện việc công bố công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm. Nhiều địa phương bên cạnh việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Điển hình như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng qua công tác kiểm tra, giám sát liên ngành, Bộ và các địa phương đã nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, từ đó đề xuất xây dựng, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kiểm điểm, đánh giá kết quả về tiến độ xử lý, chúng ta có thể thấy rằng, với các cơ chế, chính sách đã được ban hành, các giải pháp đã và đang được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có những chuyển biến tích cực. Điều đó được thể hiện ở sơ đồ mà các đồng chí có thể xem trong tài liệu.

Như vậy, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý có tên tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay có 338 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 77% , 101 cơ sở đang triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm, chiếm 23%. Trong việc xử lý 439 cơ sở này, tại các địa phương, đã có 15/62 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để ở mức 100% (không kể tỉnh Lai Châu không có cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); 20/62 tỉnh, thành phố hoàn thành ở mức trên 75%; 23/62 tỉnh, thành phố hoàn thành ở mức 50% đến 75%; 04/62 tỉnh, thành phố hoàn thành ở mức dưới 50%. Đối với 132 cơ sở do Bộ, ngành ở Trung ương quản lý, đã có 103 cơ sở cơ bản không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 78%; 29 cơ sở đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 22%.

Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu, bên cạnh việc phải xử lý dứt điểm đối với 439 cơ sở có tên tại Phụ lục 1 và 2 nói trên, trong giai đoạn đến năm 2012 còn phấn đấu hoàn thành xử lý đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại (được rà soát, thống kê năm 2000) và các cơ sở mới phát sinh. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT hướng dẫn việc phân loại và lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý nhằm hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, đánh giá lại mức độ gây ô nhiễm đối với 3.856 nói trên cũng như các cơ sở gây ô nhiễm mới phát sinh trên địa bàn để có kế hoạch xử lý. Kết quả cho thấy, đã có nhiều cơ sở trong số này chủ động đầu tư, xử lý ô nhiễm, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số cơ sở do sức ép cạnh tranh, do áp lực của cộng đồng và xã hội vì hành vi gây ô nhiễm đã buộc phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất không còn gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2007 đến nay, chỉ có Bộ Quốc phòng, 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã rà soát, phát hiện và lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý với tổng số là 544 cơ sở. Trong số này, đến nay đã có 232 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm, chiếm 42,65%.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nêu trên, việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, việc xử lý triệt để đối với 439 cơ sở có tên tại Phụ lục 1 và 2 của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra. Cho đến nay vẫn còn 101 cơ sở mới đang triển khai xử lý ô nhiễm. Thứ hai, một số Bộ, ngành và địa phương còn chậm trễ trong việc rà soát, lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT. Đến nay, còn 15 tỉnh, thành phố chưa tiến hành điều tra, phân loại, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh cần phải xử lý.

Tồn tại, hạn chế trên có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, bản Kế hoạch được tổng hợp, đề xuất từ năm 2000, tuy nhiên đến đầu năm 2003 mới được phê duyệt nên thời gian thực hiện để đạt các mục tiêu đã đề ra bị rút ngắn gần 3 năm. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu các năm 2008 – 2009 khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở gặp khó khăn, làm cho việc đầu tư công tác xử lý ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, do trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta còn ở mức thấp nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận với các mô hình công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở thuộc khu vực công ích còn hạn chế, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực tiễn.

Song, chúng ta cũng phải kể đến các nguyên nhân chủ quan sau:

Một là, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành song còn chậm được triển khai. Một số văn bản về chính sách đất đai đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi.

Hai là, việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tuy đã được thực hiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số địa phương thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Việc thành lập các Quỹ Bảo vệ môi trường của các địa phương còn chậm, mới có 10 tỉnh, thành phố thành lập.

Ba là, trước ngày 01 tháng 3 năm 2010, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được áp dụng chủ yếu theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP, mức phạt thấp chưa có tính răn đe; đặc biệt, thiếu các quy định về biện pháp xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không hoàn thành đúng tiến độ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc xử lý đối với các cơ sở này trong thời gian qua còn gặp nhiều lúng túng, chưa triệt để. Vấn đề này chỉ mới vừa được quy định trong Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bốn là, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân, các nhà quản lý, các doanh nghiệp còn nhiều bất cập; vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động trong việc tổ chức xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; đặc biệt trong năm 2010, một số địa phương không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm hoàn thành xử lý triệt để theo biên bản vi phạm hành chính do các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập như: Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị.

Năm là, việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm cho cơ sở còn hạn chế dẫn đến nhiều cơ sở vẫn còn lúng túng trong việc tìm kiếm công nghệ xử lý.

Sáu là, việc xử lý ô nhiễm tại một số loại hình cơ sở đặc thù như: bãi rác, bệnh viện, xử lý ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, làng nghề còn gặp không ít khó khăn, bất cập do tính đặc thù các loại hình cơ sở này.

Để thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian tới, phấn đấu đạt được các mục tiêu mà Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần triển khai ngay một số giải pháp sau:

- Về cơ chế chính sách, cần tổ chức đánh giá toàn diện hiệu quả của các cơ chế chính sách hiện hành hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm triệt để, mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của các cơ chế, chính sách trong thực tiễn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64 phù hợp với các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường vừa mới được ban hành.

- Về nguồn vốn, tăng cường lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ xử lý triệt để vào các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hoặc đang có chủ trương xây dựng trong thời gian tới; nghiên cứu, sửa đổi cơ chế cho vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường của các địa phương cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, giúp các cơ sở có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay này; tiếp tục hướng dẫn cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng khác.

- Về hợp tác quốc tế, tiếp tục thúc đẩy, tranh thủ sự tài trợ của nước ngoài vào việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Về thanh tra, kiểm tra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử lý nghiêm đối với các cơ sở chây ỳ, chậm tiến độ xử lý theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Về công nghệ, tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác thẩm định, giới thiệu, quảng bá các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Về tuyên truyền, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và bản thân từng cơ sở; tổ chức công bố công khai thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật, qua đó tạo sức ép của dư luận, buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một số đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể trong tài liệu gửi tới Hội nghị. Ở đây, tôi xin phép chỉ nhấn mạnh tới một số điểm quan trọng sau:

Một là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình ban hành Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi điều lệ tổ chức và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nhằm tạo cơ chế thông thoáng, giúp các cơ sở dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay này. Các quỹ bảo vệ môi trường địa phương cũng cần phải được sửa đổi, phù hợp theo hướng mới này để hỗ trợ hiệu quả cho các cơ sở tại địa phương. Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu sửa đổi khoản 3, Điều 22, Nghị định số 80/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo hướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thẩm định, đánh giá công nghệ môi trường; cho phép Bộ tiến hành xây dựng và trình phê duyệt Đề án hỗ trợ chuyển giao công nghệ môi trường.

Hai là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hoặc đang có chủ trương xây dựng, đề xuất việc lồng ghép, bố trí vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phương án và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển trong năm 2011 và các năm tiếp theo cho các dự án xử lý ô nhiễm triệt để theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg.

Ba là, Bộ Tài chính tiến hành đánh giá hiệu quả của một số cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính cho công tác xử lý ô nhiễm triệt để; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, đề xuất tăng dần nguồn chi này, đồng thời cơ cấu lại cách phân bổ nhằm đáp ứng được nhu cầu của công tác bảo vệ môi trường.

Bốn là, các Bộ: Công Thương, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Quốc phòng cần chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở thuộc ngành, có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định.

Năm là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, khẩn trương và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; bảo đảm đủ kinh phí cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường cũng như kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm đối với cơ sở thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Kính thưa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,

Thưa toàn thể Hội nghị

Mặc dù còn có một số tồn tại, hạn chế, song Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nước ta trong thời gian đã và đang dần đi đúng hướng, các giải pháp triển khai đã bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta tiến hành tổng rà soát, đánh giá, phân loại, mở rộng phạm vi, đối tượng, lập một Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới đến năm 2020. Phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiến hành xử lý kiên quyết, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, bảo đảm sau năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bản Kế hoạch mới sẽ khắc phục những tồn tại hạn chế của Quyết định số 64 hiện nay là: sẽ quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; cụ thể hóa các nguyên tắc xử lý, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của cơ sở trong việc thực hiện xử lý ô nhiễm; chỉ rõ nguồn lực để thực hiện.

Để đạt được mục tiêu quyết tâm nói trên, việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện đồng bộ bốn nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử lý nghiêm nhằm tránh tình trạng các cơ sở “cố tình” được vào danh sách cần phải xử lý triệt để để được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ hai, Nhà nước tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ (về đất đai, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn, việc làm) để cơ sở thực hiện xử lý triệt để.

Thứ ba, thực hiện đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, riêng cơ sở hoạt động phục vụ mục đích công ích sẽ được xem xét, hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg.

Thứ tư, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể: Phân định rõ trách nhiệm của Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp.

Nội dung của Kế hoạch sẽ là danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để đến năm 2020 với đầy đủ các thông tin có liên quan như: Tên, địa chỉ, loại hình hoạt động, cơ quan quản lý trực tiếp; Hiện trạng về hệ thống xử lý chất thải; Các hoạt động/bộ phận có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các thông số có liên quan về chất thải; Cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện xử lý triệt để của cơ sở; cơ quan phối hợp; Các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Nghị định số 117 kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả; Thời gian hoàn thành xử lý triệt để kèm theo lộ trình cụ thể để hoàn thành công tác xử lý triệt để; Hình thức xử lý, cưỡng chế thực hiện nếu cơ sở không hoàn thành xử lý triệt để theo đúng tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để kịp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào cuối tháng 11 năm 2011, các Bộ, ngành và địa phương phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả trong công tác lập Kế hoạch với lộ trình cụ thể như sau:

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ sớm sửa đổi và hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư quy định tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ban hành trước tháng 8 năm 2011; phối hợp, hỗ trợ một số địa phương trọng điểm triển khai Thông tư quy định tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoàn thành trước tháng 10 năm 2011; tổng hợp Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 trên phạm vi toàn quốc, hoàn thành trước 15/10/2011; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch trước 30/11/2011.

Về phía Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cần có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trực thuộc ngành, hoàn thành trước tháng 10/2011; tổ chức lập danh mục các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý của mình, hoàn thành trước 05/10/2011; gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp Kế hoạch trước 10/10/2011.

Các Bộ: Y tế, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, cần tích cực phối hợp tham gia vào hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trực thuộc ngành.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế bảo đảm kinh phí cho các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch đúng tiến độ trong năm 2011.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hoàn thành trước tháng 10/2011; tổ chức lập danh mục các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý của mình, hoàn thành trước 05/10/2011; gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp Kế hoạch trước 10/10/2011. Đặc biệt, cần bảo đảm kịp thời, đủ nguồn kinh phí cho việc xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020 của địa phương.

Trên đây là toàn bộ nội dung báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2010 và định hướng xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin kính chúc sức khỏe Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và toàn thể quý vị đại biểu tham gia Hội nghị tại các đầu cầu trực tuyến. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim