Hình ảnh Thông tin cần biết Thống kê truy cập
Online: 11
Truy cập: 4.451.938
|
Môi trường và phát triển bền vững trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt NamThứ Hai, 02 Tháng Bảy 2012 11:19 SAPGS. TS. Nguyễn Danh Sơn Viện Khoa học xã hội Việt Nam Chuyên đề bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn Viện Khoa học xã hội Việt Nam Chuyên đề bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 04/10/2011 Thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong 10 năm qua (2001 -2010), Việt Nam đã đạt được nhũng thành quả to lớn và quan trọng. Tuy vậy, trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) thì bức tranh “bền vững” lại chưa theo kịp với lĩnh vực kinh tế – xã hội, thậm chí có nơi bị rơi vào tình trạng không bền vững về tài nguyên (bị cạn kiệt) và môi trường (bị suy thoái, ô nhiễm nặng) kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho việc tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế -xã hội, nhìn từ giác độ TN&MT, đất nước đang đứng trước những vấn đề trong phát triển theo hướng bền vững như sau:
Nền kinh tế tăng trưởng về quy mô nhưng chất lượng tăng trưởng không tăng tương xứng, do vậy tính bền vững của nền kinh tế còn thấp. Sự tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua và có lẽ trong một vài năm tới được đánh giá là còn phải dựa trên cơ sở của vốn, lao động giản đơn và tài nguyên thiên nhiên của đất nước, hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần do tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của các nguồn lực này, nhất là nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần suy giảm, cạn kiệt.Các tiến bộ xã hội tuy được tăng cường, nhưng chưa đều và rộng khắp, thậm chí có những lĩnh vực, khu vực còn tụt hậu. Tình trạng chưa đều, chưa rộng khắp và tụt hậu chủ yếu diễn ra ở nông thôn và vùng sâu, xa nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sự gia tăng dân số, sức ép về việc làm, xóa đói giảm nghèo còn bấp bênh ở khu vực nông thôn, làm tăng sự phụ thuộc nhiều hơn của đại bộ phận dân cư còn nghèo này vào khai thác tự nhiên cho sinh kế.
Tính bền vững về TN&MT còn thấp, không theo kịp, tương ứng với lĩnh vực kinh tế – xã hội, thậm chí có nơi tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo, bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, chất lượng môi trường bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính bền vững về kinh tế – xã hội. Nếu như sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đã được các nhà kinh tế trong và ngoài nước cảnh báo Việt Nam về “cái bẫy thu nhập trung bình” thì về TN&MT các nhà nghiên cứu cũng đang có những cảnh báo về “lời nguyền tài nguyên”. Lời cảnh báo này là hoàn toàn có lý, vì một số tài nguyên quan trọng phục vụ cho việc tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu lớn nhưng đang ngày càng cạn kiệt. Trong danh mục và cơ cấu xuất khẩu của đất nước nhiều năm qua, khoáng sản thô và nguyên liệu sơ chế chiếm một vị trí hàng đầu. Năm 2007, xuất khẩu dầu mỏ và than đá chiếm tới 31,2% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu. Nếu tính cả xuất khẩu các loại khoáng sản khác thì tỷ lệ đóng góp của tài nguyên thiên nhiên trong tổng giá trị xuất khẩu còn cao hơn nhiều. Khi tài nguyên thiên nhiên bắt đầu bị cạn kiệt (hay đang trong nguy cơ cạn kiệt) các nhà quản lý mới tính đến chuyện ứng phó bằng cách chuyển đổi cơ cấu từ khai thác tài nguyên và xuất khẩu để tạo nguồn vốn cho phát triển sang tăng cường chế biến và chế biến sâu những lại vấp phải trở ngại không dễ vượt qua về trình độ, nhân lực và công nghệ. Các nguồn thu lớn từ khai thác và xuất khẩu tài nguyên trước đây đã không được đầu tư trở lại tương xứng cho nguồn vốn con người và bảo vệ môi trường (BVMT) ở những nơi khai thác nên nay (khi tài nguyên bị cạn kiệt) không chỉ bị mất hoặc giảm dần nguồn thu mà còn có nguy cơ chậm chuyển sang hoạt động kinh tế khác để thay thế cũng như khắc phục các hệ quả tiêu cực về môi trường được tích lũy. Ở nước ta, nhìn chung trong nhiều thập kỷ qua, sự tăng trưởng và phát triển kinh tế vẫn còn theo mô hình chiều rộng, dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực chất lượng thấp, bất cập trong quản lý tài nguyên, môi trường nên đã dẫn đến hệ quả là tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức, nhiều nơi đang cạn kiệt và môi trường ở những nơi khai thác bị ô nhiễm, suy thoái nặng. Về vấn đề môi trường trong khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, phải kể đến vấn đề chất thải (bao gồm cả chất thải rắn và nước thải), đặc biệt là khoáng sản than. Trong nhiều năm qua, chất thải từ khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản không chỉ là vấn đề môi trường “nóng” mà còn là vấn đề phát triển cũng không kém phần “nóng” đối với quản lý xã hội (các tệ nạn xã hội, các tai nạn lao động…) ở nhiều địa phương có mỏ khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản kim loại quý hiếm (vàng) hay có giá (lợi nhuận) cao tuy không thuộc loại quý, hiếm (kẽm, thiếc …). Tài nguyên khoáng sản của nước ta phân bố rải rác ở nhiều địa phương với trữ lượng hiện được điều tra đánh giá là thuộc loại trung bình và nhỏ (trừ than đá tập trung chủ yếu ở vùng than tỉnh Quảng Ninh) nên những yếu kém, bất cập trong quản lý khai thác và sử dụng khoáng sản đã làm gia tăng thêm tình trạng suy giảm và ô nhiễm môi trường, chủ yếu là vấn đề chất thải. Hiện tại, chưa có thống kê chính thức nào về lượng chất thải rắn đã thải ra môi trường và tích tụ trong suốt lịch sử hơn một thế kỷ khai thác các vùng than trong cả nước, kể cả bể than khai thác lớn nhất ở Quảng Ninh. Công việc này lại càng khó khăn hơn bởi bên cạnh hoạt động khai thác than mang tính chất công nghiệp, tập trung còn có các hoạt động khai thác tự phát, phân tán, nhỏ lẻ khá phổ biến và gây nhiều bức xúc trong công tác quản lý của nhà nước mà trong ngôn từ dân dã thường gọi là “khai thác thổ phỉ”. Tuy vậy, nếu dựa vào sản lượng khai thác được xác định chính thức để thực hiện trong kế hoạch, quy hoạch (vài chục triệu tấn mỗi năm) và hệ số đất bóc trung bình trong khai thác than trước đây (khoảng 3,0 – 5,0) và hiện nay (khoảng 7,0 – 8,0), có thể ước tính mang tính chất tham khảo về lượng chất thải rắn từ khai thác than ở nước ta cũng phải tới một vài trăm triệu tấn mỗi năm. Trong chế biến và tuyển quặng than, chất thải rắn từ hoạt động chế biến, tuyển quặng chủ yếu là quặng đuôi4. Trong thành phần quặng đuôi, ngoài các chất rắn, còn chứa các hóa chất dùng trong tuyển khoáng và các kim loại khác chứa trong quặng. Quặng đuôi thông thường được thải ra các hồ chứa, được thiết kế để phục vụ cho các mục đích tập trung và lưu giữ các chất thải rắn cũng như nước công nghệ đã bị ô nhiễm. Tuy nhiên, có những hồ chứa chất lượng kém, hoặc bảo trì không tốt (ở một số nơi thậm chí còn bị khô cạn) làm cho vật liệu thải thoát ra vùng đất và nước xung quanh gây ô nhiễm. Đá thải hoặc quặng đuôi chứa nhiều sunfua có thể gây ra hiện tượng dòng thải axít. Hiện tượng AMD là do quặng sunfua oxi hóa giải phóng axit sulíuric và do đó hòa tan các ion kim loại. Điển hình là dòng thải axit được hình thành ở các đường vào mỏ bị bỏ hoang hay noi chứa quặng đuôi và đá thải. Đá thải sunfua có thể chứa một lượng các kim loại đủ lớn để gây ra vấn đề nghiêm trọng trong hàng thập kỷ thậm chí một thế kỷ. Do chưa có hệ thống quan trắc và kiểm toán chất thải tại các mỏ than, nên chưa có số liệu chính xác về khối lượng các chất thải rắn dưới dạng quặng đuôi tích tụ trong quá trình chế biến và tuyển quặng từ trước tới nay nhưng sự tích tụ nhiều năm với sự tác động tiêu cực lâu dài đối với môi trường của loại chất thải này cần được lưu ý và sớm có giải pháp xử lý. Đối với các khoáng sản được khai thác quy mô nhỏ, cũng gặp phải không ít vấn đề môi trường tương tự từ chất thải, nhất là nước thải và từ các thay đổi môi sinh. Ngoài ra, do các mỏ nhỏ thường nằm ở vùng xa và công tác quản lý còn nhiều bất cập nên ở hầu hết các nơi khai thác khoáng sản sau khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) thì việc hoàn thổ, phục hồi môi trường, cảnh quan hoặc cải tạo những vùng đất bị ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ thường không được thực hiện và để lại những hệ quả xấu cho môi trường sinh thái. MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH BVMT TRONG KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN GẮN VỚI THỰC HIỆN YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÁT NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2020 Thực trạng và hệ quả đối với môi trường nêu ở trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là những yếu kém, bất cập trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản. Các bất cập này đã được mổ xẻ, phân tích khá nhiều và toàn diện trong thời gian qua và cuối cùng dẫn tới những chỉnh sửa, bổ sung Luật Khoáng sản mới được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Luật Khoáng sản sửa đổi lần này đã đạt được các mục tiêu: giải quyết cơ bản các vấn đề gây nhiều bức xúc và tranh luận trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua; bãi bỏ các quy định bất cập; bổ sung các quy định mới phù hợp hơn vói thực tiễn. Tuy vậy, vẫn có nhiều việc phải làm sau khi Luật Khoáng sản sửa đổi được ban hành và trên lĩnh vực BVMT trong khai thác tài nguyên khoáng sản, có 2 vấn đề nổi bật mà bài viết này muốn đề cập là chất thải và phục hồi môi trường sau khai thác. Quản lý chất thải trong khai thác tài nguyên khoáng sản Chất thải trong khai thác tài nguyên khoáng sản cũng là chất thải thải ra môi trường và cần được quản lý, xử lý theo những nguyên tắc chung, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (mà trong lý luận và thực tiễn được gọi tắt theo tiếng Anh là 3R). Trong thòi gian qua, các chính sách và cơ chế quản lý TN&MT nói chung và đối với chất thải nói riêng ở nước ta đã có những đổi mới, hoàn thiện và đem lại những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tuy vậy, cũng còn những vấn đề cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả về tư duy, cách tiếp cận và hoạch định chính sách, cơ chế quản lý. Tư duy, cách tiếp cận coi chất thải cũng là tài nguyên được xác định cả trong lý thuyết lẫn trong áp dụng thực tiễn quản lý khoáng sản ở nhiều nước. Tuy vậy, ở nước ta còn chưa có một định hướng rõ ràng thể hiện tư duy, cách tiếp cận coi chất thải là tài nguyên. Cách tiếp cận quản lý chất thải hiện nay, trong đó có chất thải từ khai thác khoáng sản, chủ yếu là theo tiếp cận “cuối đường ống”, tức là tập trung chủ yếu vào lượng thải, lưu giữ chất thải hơn là vào giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Cho đến nay, chất thải rắn từ khai thác khoáng sản thường được lun trữ ở bãi thải để sau khi kết thúc khai thác xử lý theo phương án phục hồi môi trường với nguồn tài chính đã ký quỹ trước theo luật định nhưng việc thực thi còn rất khiêm tốn. Đó là đối với các mỏ khoáng sản khai thác lớn và trung bình, còn đối với các mỏ nhỏ thì bức tranh phục hồi, xử lý chất thải còn tồi tệ hơn, đặc biệt là các mỏ khoáng sản được khai thác không có phép. Nước thải từ khai thác khoáng sản cũng tương tự, hầu như rất ít được xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Có thể thấy, chất thải từ khai thác khoáng sản dường như được coi là “thứ bỏ đi”, thậm chí còn không hoặc ít được xử lý cả ở “cuối đường ống”. Quan niệm này lại được hỗ trợ bởi tư duy kinh tế đơn thuần, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, không hoặc ít chú ý tới mục tiêu môi trường ở nhiều địa phương có khai thác khoáng sản. Để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần thay đổi tư duy về quản lý chất thải, coi chất thải nói chung và chất thải từ khai thác khoáng sản nói riêng là một nguồn tài nguyên có giá trị (bao gồm giá trị sử dụng và giá trị thị trường). Tư duy (hay cách đặt vấn đề) như vậy sẽ là cơ sở cho việc lượng giá chất thải để đánh thuế phát thải (tương tự như thuế kinh doanh, chứ không phải là phí xử lý, chôn lấp như hiện nay). Phát thải càng nhiều thuế phải nộp càng lớn sẽ buộc các chủ thể (khai thác, sử dụng tài nguyên) giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải trước khi thải bỏ trở lại môi trường. Việc lượng giá chất thải cũng sẽ là một cơ sở quan trọng cho việc tạo dựng và phát triển một thị trường trao đổi (mua bán) chất thải, trong đó chất thải được coi là hàng hóa như các hàng hóa thông thường khác trên thị trường, và có các quy định quản lý của Nhà nước đối với thị trường này. Đối với tài nguyên khoáng sản thì tư duy này giúp “giải tỏa” sự tích tụ chất thải lớn hiện nay cũng như các vấn đề môi trường “nóng”, cấp bách như là những hệ lũy của nhiều năm bởi tư duy quản lý coi chất thải như là “thứ bỏ đi”. Về hoạch định chính sách, cơ chế quản lý từ hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản cũng phản ánh tư duy, cách tiếp cận đã nêu ở trên. Bên cạnh các quy định về cơ chế chính sách quản lý chất thải nói chung cho đến nay vẫn hướng nhiều vào thu gom, chôn lấp mà ít tái sử dụng, tái chế thì đối với chất thải từ hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản còn chưa hoặc ít có định hướng cụ thể vào tái sử dụng và xử lý. Tình trạng tồn đọng, lưu cữu hàng chục năm chất thải rắn từ khai thác than ở Quảng Ninh là một minh chứng. Tình trạng này cũng tồn tại ở hầu hết các địa phương có khai thác khoáng sản, thậm chí ngay cả những biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tại nguồn (giảm hệ số phát thải) cũng rất ít được thực hiện. Công nghệ khai thác lạc hậu, thủ công; còn công nghệ tái sử dụng, xử lý lại hầu như vắng bóng. Kết quả là hệ số phát thải chất thải rắn trong khai thác khoáng sản ngày càng lớn. Hệ số đất bóc trong các mỏ than lộ thiên của nước ta rất cao, từ 6-10 m3/tấn. Đối với nước thải, tuy có những quy định về xử lý gắn với trả phí BVMT, nhưng sự bất cập trong thực thi các quy định cũng đã làm cho bức tranh ô nhiễm môi trường do nước thải từ các hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng trở nên nặng nề. Việc tăng cường quản lý đối với chất thải từ khai thác khoáng sản đòi hỏi tư duy, cách tiếp cận mới. Đồng thời, chính sách, cơ chế quản lý cần được điều chỉnh lại theo 2 hướng: một là, hướng mạnh hơn, nhiều hơn vào phòng ngừa, giảm thiểu phát thải tại nguồn; hai là, tạo lập thị trường cho loại hàng hóa “chất thải”. Lý do là các quy định chính sách, cơ chế hiện hành còn mang đậm tính chất của tiếp cận quản lý “cuối đường ống”; và chất thải từ khai thác khoáng sản hiện vẫn còn được coi là thứ bỏ đi, đang được lưu giữ tập trung tại các bãi thải hoặc phân tán tự do ngoài môi trường. Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải tại nguồn, bên cạnh các giải pháp chung cần được tăng cường và hoàn thiện, cần nghiên cứu áp dụng loại thuế đánh vào phát thải chất thải rắn từ khai thác khoáng sản (như đã nêu ở trên). Hiện tại còn chưa có khoản thu mang tính chất phí hay thuế rõ rệt nào đối với loại chất thải rắn từ khai thác khoáng sản, tuy rằng xét về bản chất thì nó thuộc loại chất thải công nghiệp (vì hoạt động khai thác khoáng sản là một dạng hoạt động công nghiệp). Luật Thuế BVMT (được Quốc Hội ban hành cuối năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012) quy định thu thuế BVMT đối với một số đối tượng chịu thuế, trong đó có 1 loại khoáng sản duy nhất phải chịu thuế này là than đá, nhưng lại là than đá thương phẩm (hàng hóa), cụ thể là than nâu, than antraxít, than mỡ và than khác (Điều 3). Thuế tài nguyên theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi, ban hành năm 1998) cũng quy định thu thuế đối với tài nguyên là thương phẩm (Điều 4). Thị trường cho loại hàng hóa “chất thải” từ khai thác khoáng sản phải là một bộ phận trong thị trường chung, trong đó có thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường mà Chính phủ đang chủ trương xây dựng và phát triển. Để tạo dựng và phát triển thị trường (và bộ phận thị trường) này, trước hết phải có chính sách tạo “cung”, “cầu” cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho các quan hệ cung – cầu, quan hệ thị trường đối với loại hàng hóa này. Các vấn đề này sẽ đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và sức lực, nhưng cần thiết phải xúc tiến ngay và nhiều hơn. Chủ trương “hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng” đã được xác định trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và Định hướng đến năm 2020. Hiện tại, Bộ Công Thương đang xúc tiến xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, trong đó có tính đến tạo dựng “sân chơi” cho các hàng hóa, dịch vụ môi trường. Để thực hiện chủ trương này, cần tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp tái chế chất thải không chỉ sớm hình thành mà còn phát triển một cách nhanh chóng, góp phần tích cực vào không chỉ mục tiêu môi trường mà cả mục tiêu kinh tế – xã hội theo định hướng phát triển bền vững đất nước. Phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Sau 3 năm thực hiện Quyết định này, có thể thấy cả những mặt tích cực và những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 cũng nhận định, đánh giá khái quát về công tác quản lý môi trường, trong đó riêng đối với việc thực thi các quy định quản lý về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg vẫn còn tồn tại, hạn chế là “chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính tiền ký quỹ môi trường; công thúc tính chi phí cải tạo, phục hồi môi trường còn chung chung, khó hiểu, chưa cụ thể nên khó thực hiện”. Nhận định này là thực tế và cũng đã được nhìn thấy trước với cảnh báo rằng cần cụ thể hóa thành hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với sự đa dạng của địa bàn và môi trường tự nhiên có hoạt động khai thác khoáng sản. Trong một bài viết ngay sau khi Quyết định số71/2008/QĐ-TTg đuợc ban hành (đã đăng trên Tạp chí Bảo vệ Môi trường, số 8/2008) với tiêu đề “Phát huy công cụ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta” tác giả bài viết cũng đã lưu ý về sử dụng ký quỹ như một công cụ kinh tế gắn với một số công việc cần được thực hiện. Dưới đây xin được trích lại nguyên văn các lưu ý này như là gợi ý cụ thể hóa chính sách mà người viết bài này thấy hiện vẫn còn nguyên giá trị: Về thực chất, ký quỹ là đặt trước một khoản tiền nhất định tại một nơi quy định cho mục tiêu xác định. Khoản tiền này phải được tính toán sao cho có thể đảm bảo bù đắp được các chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Yêu cầu này đòi hỏi một là, lường trước các tác động và bao quát đầy đủ các chi phí có liên quan tới việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tuy rằng, yêu cầu về cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản và các hạng mục chi phí phục vụ cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản được nêu khá cụ thể tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo Quyết định, nhưng thực tế là rất đa dạng, do vậy, việc đánh giá tác động môi trường đối với từng dự án khai thác khoáng sản là rất quan trọng, có thể coi là cơ sở quan trọng nhất để xác định số tiền ký quỹ. Theo quy định, khoản tiền ký quỹ được tính toán căn cứ vào quy mô khai thác, tác động xấu đối với môi trường, đặc thù của vùng mỏ sau khai thác, chi phí cần thiết để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Cũng theo quy định, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải lập và được phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Như vậy, chất lượng Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt là điều cần được quan tâm trước tiên trong tổ chức thực hiện ký quỹ theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg. Cần có hướng dẫn cụ thể cho việc lập và thẩm định để phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản (*) . Hai là, các dự án khai thác khoáng sản thường được thực hiện trong nhiều năm, thậm chí kéo dài tới một vài chục năm, do vậy việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản cũng sẽ được tiến hành sau một thời gian dài nhất định. Điều này đặt ra yêu cầu đối với cơ sở (căn cứ) cho việc tính toán các khoản chi phí để cải tạo, phục hồi môi trường sao cho sát với thực tế. Cụ thể, cần rà soát để điều chỉnh và nếu cần thì ban hành mới các định mức chi phí có liên quan cũng như quy định về hệ số trượt giá áp dụng cho việc ký quỹ. Tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về tính toán tổng dự toán cải tạo, phục hồi môi trường có lưu ý rằng các chi phí nêu tại Phụ lục được tính theo định mức của các ngành tương ứng tại các địa phương có hoạt động khai thác mỏ và khi tính toán từng khoản chi phí này cần áp dụng hệ số trượt giá theo quy định của từng loại hình hoạt động. Thực tế hiện nay là có sự thiếu hụt lớn về các định mức như vậy, cả về số lượng định mức, cả về sự phù hợp của các định mức đã có cũng như về hệ số trượt giá. Điều này sẽ liên quan tới lưu ý về khoản tiền ký quỹ nêu dưới đây. Việc sử dụng khoản tiền ký quỹ cũng cần được chú ý về những thay đổi thường xảy ra trong bối cảnh thay đổi của thị trường, nhất là những biến động của giá cả (nguyên, nhiên vật liệu, tiền công…). Theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg, khoản tiền ký quỹ được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và được tính từ thời điểm ký quỹ (Điều 10). Với đa số các dự án khai thác khoáng sản thường có thời gian khai thác từ vài ba năm cho tới vài chục năm và trong bối cảnh biến động của thị trường và giá cả (lạm phát) ở nước ta có thể nhìn thấy trước là nhiều (do nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế quốc tế) và khó dự báo chính xác cũng như khó chủ động kiềm chế hay hạn chế (do năng lực dự báo và quản lý còn hạn chế) thì có thể tiên lượng rằng khoản tiền đã ký quỹ cộng thêm phần lãi suất không kỳ hạn (thường không nhiều vì theo cơ chế tiền gửi không kỳ hạn) khi rút ra sẽ có khoảng chênh lệch không nhỏ so với những thay đổi của chi phí thực tế cho cải tạo, phục hồi môi trường (khoảng chênh lệch này có thể ước tính bằng tổng tỷ lệ lạm phát trong thòi gian từ lúc ký quỹ cho đến lúc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường một phần hay toàn bộ). Đây có thể sẽ là khó khăn cho tổ chức cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản giống như trường hợp đang xảy ra hiện nay đối với các dự án xây dựng bị đình trệ hoặc hạ thấp chất lượng công trình do thiếu kinh phí thực hiện. Theo quy định hiện hành, các quỹ môi trường ở nước ta thường mang tính chất công ích, không kinh doanh, nên khó có thể có phương án tìm kiếm lợi nhuận từ khoản tiền đã nhận ký quỹ như trường hợp ký quỹ tại ngân hàng. Lời giải cho khó khăn này phải chăng cũng có thể tìm từ chính đặc thù của các quỹ môi trường ?!. Cụ thể là tạo điều kiện hỗ trợ từ các quỹ đã nhận ký quỹ cho các dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho khoản chênh lệch giữa khoản tiền đã ký quỹ và khoản thực tế phải chi phí cho cải tạo, phục hồi môi trường tại thòi điểm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Điều này cũng phù hợp với chức năng của các quỹ môi trường (Trung ương và địa phương) hiện hành. Lẽ đương nhiên, việc hỗ trợ này cũng phải tuân thủ yêu cầu và thủ tục quy định về tài trợ từ quỹ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu “Điều tra, đánh giá và đề xuất chính sách quản lý chất thải rắn trong khai thác và sử dụng khoáng sản theo hướng bền vững Vùng kinh tế trọng điềm Bắc Bộ”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (Viện KHXH VN), Chủ nhiệm Đê tài: PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn, H. tháng 10/2009. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Môi trường, Báo cáo Điều tra, nghiên cứu xây dựng cơ chế kỹ quỹ phục hôi môi trường trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, tháng 12/2006. 3. Phạm Khôi Nguyên, Luật Khoáng sản sửa đồi – Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, Tạp chí Cộng sản, số 3 (219) năm 2011. 4. Bộ TN&MT, Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 – Tổng quan môi trường Việt Nam 5. Nguyền Danh Sơn, Phát huy công cụ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta, Tạp chí Bảo vệ môi trường, số 8/2008. * Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận Dự án cải tạo phục hồi môi truờng và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2010 – Tạp chí Môi trường.
Các tin khác
|
Map
Tư vấn trực tuyến
khám phá
Quảng cáo
|