Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 14
Truy cập: 4.451.860

Nghiên cứu thực hành quản lý chất thải y tế và công nghệ xử lý tại Việt Nam

Thứ Hai, 17 Tháng Chín 2012 10:17 SA

TS. Ngô Kim Chi - Viện Hóa học các Hợp chất Thiên nhiên; Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam TCMT 07/2012

 
14/9/2012 3:13:23 PM
 
​           Quản lý chất thải y tế (CTYT) được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch BVMT tại Việt Nam. Bộ Y tế đã ban hành quy chế Quản lý CTYT của Việt Nam theo hướng dẫn của Tố chức Y tế thế giới (WHO). Tuy vậy, thực hành vấn đề quản lý này vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy chế ban hành. Nghiên cứu này phân tích thực hành quản lý CTYT tại Việt Nam về khía cạnh quản lý, công nghệ, sự tham gia của các bên liên quan và nguồn kinh phí nhằm giúp cải tiến các quy trình giám sát trong chuỗi các hoạt động quản lý CTYT tại Việt Nam.

I. Mở đầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trong năm 2002, có khoảng 21 triệu bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B (HBV), 2 triệu bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan c (HCV) và ít nhất 260.000 người nhiễm HIV từ nguồn các ống tiêm bị ô nhiễm [1,2]. Cũng trong năm 2002, WHO đã tiến hành đánh giá trên 22 quốc gia đang phát triển cho thấy, tỷ lệ cơ sở y tế không sử dụng các phương pháp xử lý chất thải thích hợp khoảng từ 18% đến 64% [2]. Nếu CTYT không được quản lý tái sử dụng trực tiếp sẽ gây nguy hiểm cho nhân viên y tế, nhân viên thu gom và cộng đồng. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, một người bị tiêm từ kim tiêm của những bệnh nhân có nguy cơ cao lây nhiễm HBC, HCV, HIV có nguy cơ tương ứng là 30%; 1,8% và 0,3% [2]. Nghiên cứu này phân tích thực trạng và thông qua đó đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng quản lý CTYT.
 
II. Giải quyết vấn đề
Có 172 bệnh viện (BV) của 5 thành phố: Hà Nội (61 BV), Hải Phòng (17 BV), Huế (23 BV), Đà Nẵng (20 BV) và TP. Hồ Chí Minh (51 BV) được chọn điều tra. CTYT được phân thành 5 loại: Chất thải lây nhiễm gồm chất thải sắc nhọn (loại A), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B), chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C) và chất thải giải phẫu (loại D); Chất thải hóa học nguy hại gồm dược phẩm quá hạn, chất hóa học nguy hại dạng rắn, chất gây độc tế bào và chất thải chứa kim loại nặng; Chất thải phóng xạ gồm bình chứa áp suất; Chất thải thông thường. Điều tra khảo sát được thực hiện với sự giúp đỡ của các Sở y tế địa phương và các BV. Thời gian khảo sát từ tháng 5 đến tháng 10/2010.
 
III. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1 Thành phần CTYT
Tính trung bình, lượng chất thải phóng xạ chiếm lượng nhỏ 0,38%, chỉ có ở các cơ sở y tế có các khoa chuyên biệt. Lượng xả bình áp hàng ngày cũng nhỏ và không xả thường xuyên là 0,01%, chất thải sinh chất thải lây nhiễm là 18,39%, chất thải nguy hại chiếm 2,67%, rác thải sinh hoạt 78.6%. TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ chất thải lây nhiễm cao đến 22,12%, lượng chất thải phóng xạ là 0,59%, chất thải nguy hại 4,76%, rác sinh hoạt 72,54% thể hiện ở bảng 2. Tỷ lệ chất thải lây nhiễm trung bình là 22%, chất thải nguy hại 1%, chất thải sinh hoạt 69%, các chất thải khác 8% tại Thái Lan [1] nơi tiêu chí phân loại gần tương tự Việt Nam.

3.2   Phân loại và dụng cụ thu gom lưu chứa
100% BV đã tiến hành phân loại CTYT. Hầu hết, các BV đã chú trọng đến phân loại và cô lập vật sắc nhọn (loại A), sử dụng các thùng chứa, hộp đựng vật sắc nhọn. Có 30,1% BV sử dụng hộp theo quy định, 49,7% tận dụng các chai nhựa, hộp kim loại, 3,7% dùng hộp carton, 16,4% dùng các loại hộp. Có 1,7% BV không sử dụng túi chứa rác lây nhiễm màu sắc theo quy định, 80,2% BV dùng thùng nhựa có bánh xe, xe đẩy tay để vận chuyển, số BV còn lại (20,8%) sử dụng các công cụ khác (xô, thùng, túi) dụng cụ xách tay.
3.3  Lượng thải của từng loại CTYT
Kết quả bảng 1 cho thấy, CTYT lây nhiễm loại (A, B, C, D) phát thải trung bình là 0,259 kg/giường kế hoạch/ngày. Chất thải hóa chất nguy hại và chất thải sinh hoạt trung bình tương ứng là 0,105 và 1,104 kg/giường kế hoạch/ngày. Nhận diện và thực hành phân loại có ảnh hưởng đến lượng thải hàng ngày. Nhiều BV không phân loại riêng các nhóm thải A, B, C, D để có thể áp dụng các biện pháp thích hợp. Rất ít BV (<35%) phân loại, theo dõi riêng lượng thải loại A và B. Vật sắc nhọn thường được phân loại riêng nhưng sau đó lại nhập chung với chất thải lây nhiễm khác. Nhiều đơn vị chỉ ghi chất thải lây nhiễm (đưa đi đốt) và chất thải sinh hoạt thông thường.

3.4 Lưu chứa, xử lý CTYT
Quy chế khuyến khích sử dụng các điều kiện an toàn cho nơi lưu chứa rác. Điều tra cho thấy, chỉ có 38,3% cơ sở có điều hòa/thông gió giữ nhiệt độ mát và thoáng, 26,2% không có, 18,0% dùng chung phòng với mục đích khác, 17,4% không có phòng lưu trữ CTYT, tập trung tại một chỗ chờ xử lý.
Xử lý vật sắc nhọn loại A: Không có xử lý chuyên biệt nào cho vật sắc nhọn ngoài phân loại, cô lập riêng - đốt.
Xử lý vật không sắc nhọn loại B: Tại các thành phố chính của Việt Nam đã có dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế tập trung đặt xa trung tâm. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ đốt hay lò đốt chiếm trên 90%.
Xử lý chất thải loại C: Có 82,3% BV chọn xử lý chung với CTYT là đưa đi đốt. Có rất ít BV khử trùng (hấp) trước khi thải (4,9%), khử trùng hóa chất (4,3%), trung hòa (0,6%). Với CTYT lây nhiễm cao từ phòng thí nghiệm, việc khử trùng tại chỗ bằng cách thích hợp như sử dụng hóa chất khử trùng, đun sôi, hấp khô, hấp ướt trước khi chuyển chất thải ra ngoài là quan trọng.
Xử lý chất thải loại D: Có 4,8% BV đốt chất thải giải phẫu tại BV, 92,3% sử dụng dịch vụ của nhà thầu, 1,2% lấp bằng các hố trộn xi măng.
Dược phẩm hết hạn: Được xử lý thông qua hợp đồng với công ty thu gom chất thải (65,4%), BV đốt tại chỗ (3,7%), trả lại nhà cung cấp (14,8%), xử lý bằng cách trung hòa (6,2%), và sử dụng giải pháp khác nhau theo quy định hướng dẫn (9,9%).
Xử lý hóa chất nguy hại: 65,7% BV không biết phương cách xử lý hóa chất nguy hại và dựa vào nhà thầu đốt rác y tế; 16,6% BV sử dụng hố chôn để cô lập, đóng rắn các hóa chất nguy hại khi trộn với xi măng tại các hố chôn, đốt tại chỗ 1,8%; Trả về nhà cung cấp 13,6%; 1,2% trung hòa, trơ hóa hóa chất nguy hại.
Xử lý các chất gây độc tế bào: Phần lớn các BV ký hợp đồng thu gom (88,8%) như CTYT lây nhiễm. Đốt tại cơ sở chiếm 6,4% và xử lý hóa chất 4,8%.
Xử lý chất thải chứa kim loại nặng: Chỉ có 5,9% BV đóng rắn chất thải nguy hại chứa kim loại nặng với bê tông, trung hòa - trơ hóa (2,9%) và 83,1% đốt (đưa lẫn vào rác y tế đi đốt) đốt chất thải lẫn kim loại nặng là rất nguy hiểm. Rất ít BV biết cách trơ hóa chất thải kim loại nặng hoặc trả lại cho các nhà cung cấp (8,1%).
Xử lý chất phóng xạ: Tuy lượng phát sinh nhỏ nhưng hiểu biết về xử lý loại này không nhiều. Các BV ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tự khai có lượng thải 0,5 - 5kg chất thải có chứa phóng xạ/ngày chủ yếu từ phòng tia X, các bộ phận y học hạt nhân, tuy nhiên vẫn còn lượng nhỏ BV họ sử dụng phương pháp đốt.
Xử lý bình áp: hình thức trả lại đơn vị cung cấp là cách thức hay nhất để xử lý các bình áp.
Xử lý chất thải sinh hoạt: 97,1 % BV sử dụng dịch vụ chung, 2,9% BV xử lý thiêu đốt tại chỗ.
Lò đất CTYT và các lựa chọn: Hà Nội đốt rác tập trung cho các BV ở trung tâm thủ đô, các BV huyện ở khu vực Hà Nội mở rộng có lò đốt công suất nhỏ và hoạt động hay có sự cố. Có (3/12) lò đốt báo cáo hỏng. Tại Huế có một lò đốt Hoval (25kg/h) của BV Đa khoa Huế xử lý theo mẻ, 16h giờ làm việc/ngày hoạt động như lò đốt cho cụm BV tại TP. Huế. BV huyện sử dụng lò đốt thô sơ (BV Phong Điền và Hương Trà). Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đốt rác. Thông số kỹ thuật công nghệ của lò đốt trong địa bàn khảo sát tổng kết ở bảng 3 với đầu tư tối thiểu cho xử lý khí. Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi về vốn, cho phép đầu tư xử lý chất thải và thử nghiệm công nghệ mới theo hướng thân thiện môi trường hơn đốt. Tuy nhiên chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành để ra quyết định lựa chọn công nghệ mới. Phí xử lý CTYT lây nhiễm tại Hà Nội là 9000 đ/kg, phí này cao hơn 10 - 15% ở TP. Hồ Chí Minh. Một nhân viên thu gom chất thải ở BV phụ trách thu gom, chuyển giao xử lý chất thải khoảng 643,5kg chất thải /ngày/công nhân.

Một số địa phương bắt đầu thử nghiệm các loại hình công nghệ xử lý mới như hấp ướt vi sóng. BV huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng đầu tư thiết bị hấp autoclave 7kg/h, công suất trung bình là 3h/ngày. Tại TP. Hồ Chí Minh, BV Quận 11 được trang bị thiết bị hấp khử trùng công suất nhỏ hoạt động 8h/ngày. BV Lao và Bệnh phổi - TP. Hồ Chí Minh hiện đang lắp đặt thiết bị micro xử lý CTYT của Cty T.D. Thành phố Đà Nẵng đang lắp và đưa vào sử dụng 2 thiết bị vi sóng để xử lý chất thải tại BV C và BV C17.
3.5 Nhận thức quản lý CTYT và đội ngũ quản lý CTYT
Nhận thức quản lý CTYT: Tuyên truyền về CTYT hiệu quả (12,86%), giữ thông tin liên lạc định kỳ (15,55%), hội thảo về quản lý CTYT (15,93%), tập huấn (trong, ngoài) là 16,7%, còn lại là biện pháp thuộc về tổ chức thực hiện và cụ thể hóa bằng sổ tay hướng dẫn thực hành (19,39% và 17,66%).
Đội ngũ quản lý CTYT: Cơ sở y tế lập Ban quản lý CTYT, Giám đốc BV là người đứng đầu để đảm bảo việc lập kế hoạch quản lý CTYT, phân bổ trách nhiệm kèm nhiệm vụ rõ ràng từng người.
IV. Kết luận và khuyến nghị
CTYT là một hỗn hợp không đồng nhất, khó quản lý. Nhưng vấn đề sẽ đơn giản hóa và khối lượng chất thải sẽ giảm đáng kể nếu phân loại tốt và lập kế hoạch tốt với nguồn kinh phí chuyên biệt để quản lý, giám sát thích hợp CTYT từ lãnh đạo các khoa, phòng và ban giám đốc. Các nguyên tắc chính của quản lý là: Giảm thiểu, kiểm soát, phân loại tốt, xử lý thích hợp.
Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý CTYT lây nhiễm một cách tổng thể gồm: Hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý về quản lý CTYT; Phân rõ vai trò và trách nhiệm, Báo cáo định kỳ; Tuân thủ các bước phân loại, xử lý, cô lập, cắt nhỏ, khử trùng, lưu trữ, vận chuyển và xử lý cuối và áp dụng các biện pháp xử lý cho từng loại chất thải; Quan tâm đến môi trường; Đề phòng rủi ro và áp dụng an toàn nghề nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.A.PAnanth etal. (2010). Healthcare waste management in Asia. Waste Man-agement30 (2010), tr. 154-161.
2.http://www.who.org
3.Thủ tướng Chính phủ (2012). Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến 2025 (QĐ170/QĐ-TTg ngày 8/2/2012).
4. Bộ Y tế (2012). Quy chế quản lý CTYT (QĐ47/QĐ-BYT).

 

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim