Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 16
Truy cập: 4.452.417

Những vấn đề về thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí

Thứ Sáu, 06 Tháng Bảy 2012 2:24 CH

ThS. Cấn Anh Tuấn Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường/BQP PSG.TS. Hoàng Xuân Cơ ThS. Phạm Thị Việt Anh, ThS. Phạm Thị Thu Hà Đại học Khoa học Tự nhiên/Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo TCMT 09/2011
Some issues oi air pollution damage and compensation
Msc. Cấn Anh Tuấn
Department of Science, Technology and Environment – Ministry of Defense
Assoc. Prof Dr. Hoàng Xuân Cơ
Msc Phạm Thị Việt Anh, Msc Phạm Thị Thu Hà
Natural Science College – Hanoi National University
In Viet Nam, compensations for air pollution damage are regulated in the Law on Environmental Protection 2005 and Civil Law 2005. However, to realise these regulations, it is necessary to conduct research. In this paper, we discuss some issues of compensations for industrial air pollution damage in Viet Nam and in other conuntries. Proposals on improving regulations and scientific bases for determining air pollution damage in Viet Nam.
​ Ô nhiễm không khí gây ra những tác động đối với sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Hậu quả của sự ô nhiễm này dẫn đến xung đột lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân và phát sinh tranh chấp môi trường, vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm và đưa ra những chế định luật pháp. Ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói chung và thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí nói riêng đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005, Bộ Luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, để có thể áp dụng trong thực tiễn, cần có những nghiên cứu cụ thể hơn cả về mặt lý luận và pháp lý. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về tình hình nghiên cứu xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ nguồn công nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý và cơ sở khoa học trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam.
1. Tình hình nghiên cứu xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới
1.1. Quy định pháp luật về xác định thiệt hại và bồi thường do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới
Nghiên cứu các điều ước quốc tế về môi trường cho thấy, những vấn đề về xác định thiệt hại, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng đã được đề cập khá nhiều. Chẳng hạn, Tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển năm 1992, Công ước Geneva về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa (1979), Hiệp định ASEAN về kiểm soát khói mù xuyên biên giới năm 2002. Trong phạm vi khu vực, như ở châu Âu: Nghị viện và Hội đồng châu Âu cũng đã ban hành văn bản xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các nước trong cộng động châu Âu về bảo vệ chất lượng môi trường không khí, chẳng hạn Chỉ thị số 2004/35/CE về trách nhiệm đối với việc phòng chống và khắc phục thiệt hại môi trường đã thiết lập một khuôn khổ trách nhiệm pháp lý trong việc ngăn chặn, khắc phục thiệt hại về môi trường dựa trên nguyên tắc gây ô nhiễm, trả tiền.
Trong phạm vi quốc gia, các nước có những quy định pháp luật về bảo vệ chất lượng môi trường không khí, về xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí. Theo đó, các nước có thể chia ra thành hai nhóm:
Nhóm các nước có quy định pháp luật riêng về BVMT không khí
Nhiều quốc gia trên thế giới có quy định pháp luật riêng về bảo vệ chất lượng không khí thể hiện ở là luật, bộ luật hoặc đạo luật. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, Luật về Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm khí quyển năm 2000 của Trung Quốc có quy định doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm không khí thì có thể bị phạt đến mức 50% tổn thất trực tiếp kinh tế nhưng tối đa không quá 500 nghìn nhân dân tệ (Điều 61). Nếu hành vi gây ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại nặng về tài sản công hoặc tư hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người và cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự của Trung Quốc. Các nước khác thuộc nhóm này gồm có Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Nga, Philipin, Hàn Quốc…
Nhóm các quốc gia có quy định pháp luật BVMT không khí nằm chung trong hệ thông pháp luật về BVMT
Có những quốc gia có đặc điểm kinh tế – xã hội, môi trường hoặc nhiều lý do khác, pháp luật BVMT không khí nằm chung trong hệ thống pháp luật về BVMT. Chẳng hạn, ở Bulgaria, Đạo luật BVMT (2002) điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến BVMT cho các thế hệ hiện tại và tương lai và bảo vệ sức khỏe con người. Đạo luật này xác định các nguyên tắc về phát triển bền vững; phòng chống và giảm rủi ro cho sức khỏe con người; người gây ô nhiễm chi trả cho thiệt hại gây ra cho môi trường. Quy định những yêu cầu về bảo vệ chất lượng không khí vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, sinh vật, tài sản thiên nhiên và văn hóa; ngăn ngừa và khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do biến đổi chất lượng không khí, suy giảm tầng ôzôn và biến đổi khí hậu. Các nước khác thuộc nhóm này gồm Canada, Thái Lan, Serbia, Việt Nam…
Như vậy, cho dù có Bộ luật, luật, đạo luật riêng về BVMT không khí hay Luật BVMT (gồm các lĩnh vực môi trường đất, nước, không khí…), pháp luật của các quốc gia đều có những quy định về bảo vệ chất lượng môi trường không khí nhằm bảo vệ sức khỏe con người và phúc lợi công cộng thông qua các quy định về quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí, quy định về tiêu chuẩn chất lượng không khí, quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí. Đối với lĩnh vực bồi thường thiệt hại, mỗi nước khác nhau có cách tiếp cận về vấn đề này có những điểm khác nhau. Sự khác biệt này được thể hiện thông qua những quy định về trình tự, thủ tục xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí trong quá trình giải quyết các tranh chấp môi trường.
1.2. Xác định thiệt hại do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới
Nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, thiệt hại do ô nhiễm không khí phát sinh từ nguồn công nghiệp thường được xác định theo những cách thức dưới đây:
Một là, xác định thiệt hại thông qua đánh giá tổn thất do ô nhiễm không khí phát sinh từ nguồn công nghiệp gây ra. Việc đánh giá này được thực hiện bởi tòa án hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường không khí. Trường hợp không thể định lượng được chính xác những tổn thất thì thiệt hại sẽ được tính toán thông qua chi phí để xử lý nguồn gây ô nhiễm, chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm, phục hồi môi trường và những lợi nhuận mà những nguôi làm hại môi trường có được. Ở New Zealand, tòa án căn cứ vào các yêu tố bao gồm cả những chi phí phát sinh trong quá trình phục hồi những thiệt hại đối với môi trường để xác định khoản bồi thường hoặc tiền phạt. Những cách tính này được sử dụng phổ biến ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Hai là, xác định thiệt hại theo phương thức quy ra một khoản tiền cố định hoặc quy định giới hạn mức bồi thường. Pháp luật về BVMT không khí của một số nước như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hungary, Mông cổ… quy định mức bồi thường thiệt hại đối với một số loài động vật, thực vật. Chẳng hạn ở Trung Quốc, Luật về Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm khí quyển năm 2000 quy định, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm không khí thì có thể bị phạt đến mức 50% tổn thất trực tiếp kinh tế nhưng tối đa không quá 500 nghìn nhân dân tệ (Điều 61); ở Hungary, người vi phạm có thể phải trả gấp 10 lần giá trị của những động thực vật đang được bảo vệ đặc biệt bị hủy hoại.
Ba là, xác định thiệt hại bằng phương pháp Koch: Chi phí bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng bao gồm: chi phí giá mua thay thế cây mới; chi phí trồng và chăm sóc ban đầu; chi phí phòng chống cho cây khỏi nguy cơ chết; chi phí chăm sóc thường xuyên; tiền lãi từ những số tiền chi phí nêu trên theo quy tắc kế toán. Phương pháp này cũng được sử dụng rộng rãi tại CHLB Đức, Bỉ để việc xác định những tổn thất được bồi hoàn đối với cây cối bị hủy hoại.
2. Thực trạng xác đinh thiêt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam
2.1. Quy định pháp luật Việt Nam về xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp
Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm các nước có quy định pháp luật BVMT không khí nằm chung trong hệ thống pháp luật về BVMT. Luật BVMT năm 2005 có quy định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra (Điều 130). Không khí được xác định là một thành phần của môi trường, do vậy thiệt hại bởi do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bao gồm hai nhóm sau đây:
Thiệt hại đối với môi trường tự nhiên do ô nhiễm không khí
Thiệt hại đối với môi trường tự nhiên do ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp thể hiện bởi sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường có liên quan đến khí thải công nghiệp. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy ra khi giá trị các thông số trong môi trường vượt quá giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Hậu quả tiếp theo của sự ô nhiễm không khí từ nguồn công nghiệp đó là gây ra ảnh hưởng đến môi trường nước, đất, hệ sinh thái, gia tăng hiệu ứng nhà kính, mưa axít, biến đổi khí hậu…. gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội.
Thiệt hại vệ sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ nguồn công nghiệp được thể hiện qua các chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe (giảm thời gian và năng suất lao động). Thiệt hại về tài sản được biểu hiện qua những tổn thất về cây trồng, vật nuôi, suy giảm chất lượng công trình xây dựng, độ bền của vật liệu, chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp gây nên. Thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua sự tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường không khí.
Về mặt pháp lý, Luật BVMT năm 2005 (Điều 131) có quy định việc tính toán thiệt hại về môi trường, được thực hiện theo những cách thức như tính toán chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường; tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại; thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan. Đồng thời quy định một số nguyên tắc chung trong việc xác định phạm vi, giới hạn thiệt hại, xác định các thành phần môi trường bị suy giảm.
2.2. Thực trạng xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam
Trong thực tế, chúng ta mới chỉ đúc rút được một số kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường không khí gây nên như vụ việc của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (1998) ở Hải Dương, vụ việc của Công ty TNHH Kim loại màu Thái Nguyên (2006) ở tỉnh Thái Nguyên, vụ việc của Công ty CP xi măng Vinaconex Lương Sơn ở Hòa Bình (năm 2005-2006), vụ việc của một số chủ lò gạch ở huyện Thường Tín, ứng Hòa, Hà Nội (2009), vụ việc Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai (năm 2010 – 2011), vụ việc của Nhà máy gạch tuynel Việt Long (2008) ở Lai Châu.
Xem xét thực tế giải quyết tranh chấp môi trường đối với các vụ việc nói trên cho thấy, cơ sở của việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường chủ yếu dựa vào đơn thư khiếu tố của người dân đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại. Nội dung chủ yếu là giải quyết bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân. Đối với những tổn hại gây ra cho môi trường không khí chủ yếu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách yêu cầu chấm dứt hành vi gây ô nhiễm.
Việc xác định mức độ thiệt hại được thực hiện bởi cơ quan quản lý môi trường, UBND các tỉnh và người bị thiệt hại phối hợp thực hiện thông qua việc ước tính tổn thất về hoa màu và sức khỏe người dân. Trong một số rất ít trường hợp, có sử dụng đến cơ quan chuyên môn nghiên cứu về môi trường để phối hợp xác định mức độ thiệt hại. Sau đó bên bị thiệt hại yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường. Đối với bên gây thiệt hại, họ thường nêu ra các lý do như cần xác định phạm vi, mức độ thiệt hại một cách cụ thể, chi tiết. Khi vấn đề thiệt hại chưa được xác định rõ thì bên gây hại thường dùng cụm từ hỗ trợ thay cho cụm từ bồi thường.
Hầu hết, các vụ việc được giải quyết trên cơ sở hòa giải và bên gây ra thiệt hại bồi thường cho bên thiệt hại, khi giao tiền có sự chứng kiến của cơ quan quản lý môi trường và chính quyền địa phương. Trong đó, bên nhận đền bù làm cam kết không khiếu nại nữa thông qua biên bản thỏa thuận giữa các bên trước sự chứng kiến của cơ quan quản lý môi trường hoặc chính quyền địa phương.
3. Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý và cơ sở khoa học trong việc xác định thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam
Từ những nghiên cứu về mặt lý luận, thực tiễn và pháp lý, chúng tôi nhận thấv trong quá trình giải quyết tranh chấp môi trường ở nước ta, việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí pháp sinh từ nguồn công nghiệp cần quan tâm một số vấn đề:
Hoàn thiện quy định pháp luật về xác định thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ nguồn công nghiệp. Hiện tại, Luật BVTM năm 2005 chỉ mới có quy định 3 mức độ ô nhiễm môi trường (Điều 92), đó là có ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Đến nay, ở nước ta vẫn chưa có văn bản pháp lý nào để phân định mức độ thiệt hại đối với môi trường nói chung và môi trường không khí do hoạt động sản xuất công nghiệp. Mức độ ô nhiễm được xác định trên cơ sở số lần hàm lượng hoặc nồng độ chất gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí. Dựa vào cách thức phân loại mức độ ô nhiễm nói trên, cần có văn bản quy định pháp lý đối với cách thức phân loại mức độ thiệt hại do ô nhiễm không khí từ nguồn công nghiệp theo những mức độ trên, đó là có thiệt hại, thiệt hại nghiêm trọng và thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng để làm cơ sở tính toán, xác định mức độ bồi thường thiệt hại cho các đối tượng trong quá trình giải quyết tranh chấp môi trường.
Việc xác định mức độ ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp cần sử dụng kết hợp cả phương pháp khảo sát, đo đạc trực tiếp ngoài hiện trường, kết họp với việc sử dụng các mô hình và các chương trình phần mền tính toán. Trên cơ sở đó có thể xác định được mức độ thiệt hại một cách có định lượng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý đối với các kết quả đánh giá thiệt hại, cần ban hành văn bản pháp lý quy định về thủ tục và quy trình đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước ta theo các phương pháp và công cụ được ưu tiên hoặc khuyến khích lựa chọn. Trong đó, các chủ nguồn thải khí độc hại cần được đăng ký với cơ quan quản lý môi trường theo một quy định pháp lý bắt buộc.
Lựa chọn cách thức xác định thiệt hại do ô nhiêm môi trường không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước ta cần tiếp cận những nguyên tắc phù hợp với khả năng thực hiện trong giai đoạn cụ thể và vụ việc cụ thể (khả năng có được các công cụ tính toán, máy móc thiết bị, thông tin, dữ liệu về môi trường không khí). Những cách thức xác định thiệt hại trong lĩnh vực này cần được lựa chọn bao gồm: Một là, xác định thiệt hại thông qua việc tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp; Hai là, xác định thiệt hại thông qua việc tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất, nước và hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu trước khi bị tác động của ô nhiễm không khí; Ba là, xác định thiệt hại thông qua việc xác định sự suy giảm năng suất cây trồng, vật nuôi so với năng suất trung bình thu hoạch gây ra bởi hậu quả của ô nhiễm không khí do sản xuất công nghiệp; Bon là, xác định thiệt hại thông qua tính toán những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra; Năm là, xác định thiệt hại thông qua tính toán các chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe (giảm thời gian và năng suất lao động) có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất công nghiệp.
Sử dụng các công cụ và các chương trình phần mền tính toán xấc định phạm vi và giới hạn bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Khi tính toán xác định phạm vi ô nhiễm môi trường không khí từ nguồn công nghiệp, chúng ta cần sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau, chẳng hạn như đo đạc trực tiếp ngoài hiện trường kết hợp với các mô hình, chương trình phần mền tính toán để có kết quả hợp lý nhất.
Trong tính toán, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí, với khả năng cho phép của các mô hình và phần mền tính toán, chúng ta có thể phân chia ra nhiều mức độ khác nhau theo các thang cấp độ theo các cấp độ. Vì vậy, tùy thuộc vào yêu cầu của các chủ thể trong giải quyết tranh chấp có thể xác định mức độ bồi thường thiệt hại theo 3 mức nói trên hoặc nhiều mức độ khác nhau. Trên cơ sở kết quả tính toán và đánh giá kết hợp với sử dụng các công cụ GIS và phương pháp lập bản đồ, chúng ta có thể xác định được các khu vực/vùng bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm trọng, có thiệt hại và không bị thiệt hại.
Trong thực tế cho thấy, một hành vi làm ô nhiễm môi trường không khí có thể gây thiệt hại cho các đối tượng khác nhau ở mỗi khu vực, vùng. Khi đó, cần thiết sử dụng hệ số vùng, khu vực trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xác định thiệt hại đối với các vùng, khu vực có đặc điểm môi trường và hệ sinh thái khác nhau nhưng có cùng mức độ ô nhiễm không khí.
Phân định thiệt hại và bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiêm môi trường không khí. Trong giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí, có những trường hợp nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp cùng gây ra ô nhiễm không khí dẫn đến thiệt hại. Luật BVMT năm 2005 có quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Trong trường hợp không xác định chính xác được mức độ gây ra cho môi trường của từng đối tượng thì mức bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 616).
Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng trong áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, cần thiết sử dụng các phương pháp tính toán để xác định mức độ đóng góp của các nguồn thải công nghiệp gây ô nhiễm không khí. Khi đó sẽ khuyến khích được các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư, cải tạo, sửa chữa công trình BVMT để xử lý triệt để các nguồn gây ra ô nhiễm không khí.
Két luận và khuyến nghị
Xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam là vấn đề mới. Việc nghiên cứu tiếp cận với kinh nghiệm của các nước đi trước trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Ở nước ta, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của lý luận, thực tiễn và pháp lý, khả năng về máy móc, trang thiết bị chuyên môn và trong từng vụ việc cụ thể, việc tính toán xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp có thể dựa vào những căn cứ và cách thức như: chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp; chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất, nước và hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu trước khi bị tác động của ô nhiễm không khí; xác định sự suy giảm năng suất cây trồng, vật nuôi so với năng suất trung bình thu hoạch gây ra bởi hậu quả của ô nhiễm không khí do sản xuất công nghiệp; chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra; chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cần thiết có những nghiên cứu ứng dụng các mô hình toán học, các phần mền tính toán, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xác định đối tượng, múc độ tác động, kết hợp với sử dụng các công cụ GIS và phương pháp lập bản đồ để có thể xác định được phạm vi các khu vực/vùng bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm trọng, có thiệt hại và không bị thiệt hại giúp cho cơ quan quản lý môi trường, chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp có thể tiếp cận nguyên tắc bảo đảm toàn bộ và kịp thời trong quá trình giải quyết các tranh chấp môi trường.
Cùng với việc đẩy mạnh những nghiên cứu về lý luận, thực tiễn, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất là rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, những văn bản dưới luật cần sớm được ban hành để cụ thể hóa các quy định về nội dung thiệt hại, cách thức xác định thiệt hại, quy trình đánh giá thiệt hại, nội dung trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất để các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng một cách thuận tiện, nhanh chóng, bảo đảm cho quá trình giải quyết bồi thường thiệt hại được thuận lợi, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể và bảo vệ chất lượng môi trường không khí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Luật Dân sự năm 2005, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2007, 2010.
3. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
4. Phạm Ngọc Hồ, Hoàng Xuân Cơ, 2000. Đánh giá tác động môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Department of Environment & Natural Resources of Philippine: Clean Air Act, 1999.
6. Ministry of Environmental Protection of the People’s Republic of China: Law ôn the Prevention and Control of Atmospheric Pollution, 2000.
7. Ministry of the Environment Government of Japan: Air Pollution Control Law, 1996.
8. Minister of the Environment, Government of Canada: Canada Environmental Protection Act, 1999.
9. Ministry of Environment and Spatial Planning, Government of the Republic of Serbia: Law on Environmental Protection, 1991.
10. Ministry of Environment and Water, Republic of Bulgaria: Law of the Purity of Atmospheric Air, 1996.
11. Ministry of Natural Resources and Environment, Goverment of Thailand: The National Environmental Quality Act, 1992.
12. Ministry of Natural Resources and Environmental Protection of the Russian Federation: Air Code of the Russian Federation 1997, 2011.
13. Ministry of the Environment and Forests, Government of India: The Air (prevention and control of pollution) Act, 1982.
14. Noel de Nevers: Air pollution control engineering, McGrew- HUI, Inc, Phỉlỉppe Sands, 1995.
15. Principles of International Environmental Law (Volume 1), Frameworks Standarts and Implementatỉon, Manchester University Press, UK, 2000.
16. The European Parliament and oỷthe Council: Directive 2004/35/CE of 21 April 2004 on environmental liability with regard to the prevention and remedying of environmentaỉ damage.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim