Hình ảnh Thông tin cần biết Thống kê truy cập
Online: 22
Truy cập: 4.452.369
|
Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động đến lợi ích doanh nghiệpThứ Sáu, 06 Tháng Bảy 2012 2:15 CHP/s: Bài viết này bao gồm những phân tích rất hợp lý về doanh nghiệp Việt Nam, đặc thù của vấn đề ONMT do doanh nghiệp gây ra và các tác động của việc xử lý ONMT tới lợi ích của doanh nghiệp. Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ nghị định 64/2003/NĐ-CP về xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu tới các doanh nghiệp này khi bị di dời. Đây chắc hẳn là một bài viết rất tốt và hữu ích cho mọi người xét trên cả khía cạnh doanh nghiệp và khía cạnh nhà bảo vệ môi trường, thực thi luật. Luật gia Tô Hoài Nam Tổng thư ký hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tạp chí môi trường số 10 1. Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, trên cả nước có trên 350.000 doanh nghiệp có Đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) chiếm 97%. DNN&V là khu vực phát triển kinh tế rất nhanh, năng động của nền kinh tế. Năm 2001, trung bình 964 người dân có một doanh nghiệp được thành lập thì năm 2008 là 243 người. Khu vực này đã đóng góp trên 40% GDP và chiếm trên 50% tổng số lao động trong các doanh nghiệp và có vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực về kinh tế, sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thì vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và xử lý các doanh nghiệp gây ÔNMT đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Từ góc nhìn của từ tổ chức đại diện cho cộng đồng DNN&V, chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng gây ÔNMT trong đó có đặc thù của DNN&V. Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập và phát triển mạnh mẽ từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000, nền tảng ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) và sự hiểu biết về pháp luật BVMT còn nhiều hạn chế và mờ nhạt. Thứ hai, đội ngũ cán bộ, nhân lực làm công tác vệ sinh môi trường và an toàn lao động trong các doanh nghiệp vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết các DNN&V không có cán bộ chuyên trách về an toàn – vệ sinh lao động, không thuê chuyên gia tư vấn về vệ sinh môi trường để hỗ trợ thường xuyên cho doanh nghiệp. Thứ ba, các DNN&V đa phần là doanh nghiệp dân doanh, phát triển một cách tự phát, được hình thành tại các vùng, miền (nông thôn, làng nghề, thành thị), quy hoạch còn hạn chế, vì vậy, khi đi vào sản xuất – kinh doanh rất dễ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh. Thứ tư, trên 90% các DNN&V hiện nay đang sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu. Tuy tình trạng gây ÔNMT của từng doanh nghiệp không cao nhưng lại diễn ra trên diện rộng, đa dạng về thành phần và tích tụ cao. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp lại nằm xen kẽ giữa các khu dân cư nên việc giải quyết ô nhiễm rất phức tạp và tốn kém. Thứ năm, các DNN&V luôn trong tình trạng thiếu vốn, năng lực tài chính hạn chế, do đó, không có điều kiện để đầu tư trang, thiết bị công nghệ xử lý, BVMT hiện đại. Mặt khác, các rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng trong quá trình lập quy hoạch xin thuê đất để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực gây ÔNMT cũng làm ảnh hưởng đến việc xử lý, giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm. Có thể nói, mặc dù hoạt động của các DNN&V góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước nhưng hiện khâu yếu nhất của loại hình doanh nghiệp này là năng lực đổi mới công nghệ. Đặc thù ÔNMT do các DNN&V gây ra biểu hiện ở hầu hết các lĩnh vực, thành phần môi trường như: nước thải sản xuất chưa qua xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ, chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định, xả tràn ra môi trường hoặc thấm vào lòng đất; khí thải xử lý chưa đạt TCCP; chất thải rắn chưa được thu gom, quản lý theo đúng quy định; tiếng ồn quá giới hạn cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và người dân xung quanh… Bên cạnh đó, mùi hôi thối, bụi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Việc chạy theo công nghệ rẻ (cũ) đòi hỏi phải sử dụng nhiều năng lượng đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến không ít DNN&V nảy sinh tư tưởng “hy sinh” lợi ích về môi trường nên việc đầu tư xử lý ô nhiễm chủ yếu là để đối phó với cơ quan chức năng, chưa trở thành ý thức tự giác của doanh nghiệp. 2. Thực tiễn xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng và những tác động đến doanh nghiệp Để đảm bảo sức khỏe nhân dân và đời sống xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-TTg (Quyết định 64) về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, theo đó, cần tập trung xử lý ngay các “điểm nóng”, bức xúc nhất về môi trường ở những khu đô thị đông dân và những vùng ô nhiễm nặng, góp phần BVMT, sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm… Trên thực tế, quá trình triển khai Quyết định 64 đã huy động một lực lượng đông đảo tham gia vào việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, tạo được lực đẩy quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội đối với vấn đề BVMT; Công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm được đẩy mạnh, đồng thời hạn chế tốc độ gia tăng các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 201 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm (ÔNTĐ) được cấp chứng nhận, 124 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý ÔNTĐ đang chờ quyết định và 114 cơ sở đang tiến hành các biện pháp XLÔNTĐ. Một số khó khăn của doanh nghiệp trong XLÔN Về vốn: Đây là vấn đề nan giải nhất của các doanh nghiệp và các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng bởi doanh nghiệp không có tiền để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đảm bảo TCMT. Các cơ sở cũng không có kinh phí để mua các thiết bị xử lý hay vốn để tiến hành di dời hoặc xây nhà xưởng trong khi việc tiếp cận các nguồn tài chính gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ví dụ, Công ty VISSAN đã có kế hoạch di dời bộ phận giết mổ gây ô nhiễm về khu công nghiệp Tân Tạo từ năm 2003 với kinh phí dự kiến khoảng 50 tỷ đồng nhưng do Công ty đang gặp khó khăn về vốn nên cho đến nay, Công ty chưa thể tiến hành di dời. Khó khăn về công nghệ: Hiện nay, trên thế giới có nhiều công nghệ xử lý ÔNMT hiện đại nhưng không phù hợp với điều kiện Việt Nam do giá quá cao, không phù hợp với năng lực tài chính của các cơ sở gây ô nhiễm. Một số ô nhiễm khó xử lý như: ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, làng nghề… rất cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước. Mặt khác, nhiều Sở TN&MT chưa có Trung tâm Quan trắc môi trường hoặc không có đầy đủ thiết bị để quan trắc nên công tác giám sát ô nhiễm gặp nhiều khó khăn. Về mặt bằng di dời cơ sở sản xuất: Vấn đề đất đai là một khó khăn và trở ngại lớn của các tỉnh, TP lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh) thì việc di dời những cơ sở ÔNMT là vô cùng phức tạp do quỹ đất còn ít. Bên cạnh đó là việc chậm chễ trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, cơ chế hỗ trợ đền bù đối với vị trí đất cũ, việc phê duyệt quy hoạch, chính sách hỗ trợ di dời… Một số địa phương đã xảy ra hiện tượng dân cư khu vực doanh nghiệp di dời đến phản đối không cho doanh nghiệp hoạt động vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của họ đã làm không ít doanh nghiệp gặp tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khó khăn về việc làm: Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ở những cơ sở gây ô nhiễm phải đóng cửa hay những cơ sở đang di dời cũng là vấn đề xã hội hết sức bức xúc và không đơn giản. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải tập trung xử lý những đơn hàng bị hủy bỏ, xử lý những vấn đề về thanh toán nợ ngân hàng nên việc đầu tư thời gian và tài chính để giải quyết các vấn đề ÔNMT gần như bỏ ngỏ. Giảm tăng trưởng kinh tế Khi các cơ sở bị đặt vấn đề ngừng sản xuất thì lập tức sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hầu hết các địa phương ngại “đụng chạm” đến vấn đề xử lý cơ sở ô nhiễm vì tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 3. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến lợi ích doanh nghiệp khi xử lý các cơ sở gây ôNMT nghiêm trọng Vấn đề BVMT đang ngày càng được nhiều quốc gia coi như một điều kiện không thể thiếu trong hoạt động giao lưu thương mại hiện nay. Việc xử lý nghiêm túc và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm sẽ có tác dụng rất lớn cho cộng đồng và cho chính cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, để giảm thiểu các tác động tiêu cực dến doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và phát triển bền vững là một vấn đề cần được quan tâm thích đáng, đồng bộ và có giải pháp cụ thể. Trước hết, phải phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trước lợi ích cộng đồng và lợi ích của chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định, muốn thâm nhập thị trường quốc tế buộc phải áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng các công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng đầu vào đáp ứng được các yêu cầu về BVMT. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình trên các thị trường trong nước và quốc tế. Để phát triển doanh nghiệp theo hướng thân thiện môi trường, giải pháp cấp bách là Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về môi trường, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch. Nhà nước cũng cần có những đề án tổng thể trong nhiều năm về xử lý môi trường trong từng lĩnh vực cụ thể như: xử lý chất thải y tế, chất thải rắn và nước thải. Cần có những quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng cho từng khu vực theo hướng coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo, trong đó đặc biệt coi trọng việc áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thích hợp trong sản xuất và xử lý ÔNMT. Mặt khác, việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT phải có lộ trình phù hợp trên cơ sở phân loại cụ thể từng đối tượng doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm để có phương án xử lý và bước đi thích hợp. Đối với những cơ sở phải di dời ngay, cơ sở có phương án xử lý, khắc phục, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc đồng bộ giữa các khâu: lập quy hoạch, phê duyệt phương án di dời, các giải pháp, công cụ hỗ trợ về tài chính, chế độ khuyến khích áp dụng công nghệ sạch… Có như vậy mới không đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đóng cửa hoặc đình đốn sản xuất khi bị xử lý các vấn đề về môi trường. Bên cạnh đó, hình thành các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, xử lý ÔNMT, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, tài trợ cho việc xử lý ÔNMT. Có chính sách thu hút các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài có những đóng góp giải pháp khoa học công nghệ cho vấn đề xử lý ÔNMT. Đồng thời, các Hiệp hội, tổ chức chuyên ngành về BVMT phải gắn kết chặt chẽ với các Hiệp hội của doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội DNN&V Việt Nam để thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề môi trường, tạo ra động cơ thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch hơn, đặc biệt là cung cấp cho doanh nghiệp các chuyên gia, cố vấn về môi trường nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý chất thải, phòng, chống ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và bảo tồn thiên nhiên. Tài liệu tham khảo 1. Số liệu Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2009 – 2010 2. Số liệu của Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2009 – 2010
Các tin khác
|
Map
Tư vấn trực tuyến
khám phá
Quảng cáo
|