|
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp các bon thấp. |
Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hướng tới phát triển bền vững, vì vậy, nghiên cứu và phát triển công nghiệp các bon thấp chính là con đường phù hợp với lộ trình tăng trưởng xanh mà Chính phủ đưa ra vào tháng 6/2012.
Năng lượng gió
Với hơn 3.200 km bờ biển và thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió khá tốt. Năm 2001, Ngân hàng Thế giới (WB) khởi xướng đề án xây dựng bản đồ năng lượng gió cho 4 quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Trong nghiên cứu này, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất. Hơn 39% lãnh thổ Việt Nam có tốc độ lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m, tương đương với 513 GW. Hơn 8% lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt. Theo Đề án "Quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện" của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió của Việt Nam vào khoảng 1.785 MW.
Năng lượng sinh khối
Việt Nam có nhiều loại sinh khối có thể sử dụng một cách hiệu quả để làm năng lượng và sản xuất điện. Các loại sinh khối chính của Việt Nam gồm: củi gỗ; phế thải từ cây nông nghiệp; chất thải chăn nuôi; rác thải đô thị và các loại chất hữu cơ khác. Nguồn sinh khối hiện vẫn chiếm tỷ lệ trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn quốc. Các lĩnh vực sử dụng năng lượng sinh khối hiện nay như sử dụng gia đình 76%, còn lại khoảng 34% là cho nhu cầu khác của công nghiệp/tiểu thủ công nghiệp.
Thủy điện nhỏ
Theo đánh giá của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, tổng tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ Việt Nam tương đương khoảng 1.600 - 2.000 MW công suất lắp đặt (tính với các trạm có công suất lắp đặt N <10 MW/trạm), chiếm 7 - 10% tổng trữ năng nguồn thủy điện. Theo quy mô công suất lắp đặt, loại thủy điện nhỏ có công suất lắp đặt từ 100 - 1.000 kW/trạm gồm 500 trạm, với tổng công suất lắp đặt 1.400 - 1.800 MW (chiếm 87-90% tổng công suất nguồn thủy điện nhỏ). Loại thủy điện nhỏ có công suất trạm từ 5 - 00 kW/trạm có 2.500 địa điểm, có tổng công suất lắp đặt khoảng 100 - 150 MW (chiếm 5-7% trữ năng TĐN). Loại thủy điện cực nhỏ có công suất < 5 kW/tổ máy có khoảng 1.000.000 địa điểm, với tổng công suất lắp đặt 50 - 100 MW (chiếm 2-5% ). Theo kết quả phân ngưỡng công suất TĐN của Bộ Công Thương, tiềm năng kỹ thuật TĐN ở Việt Nam với các gam công suất từ 0,1MW - 30MW có khoảng trên 1.050 nhà máy.
Năng lượng mặt trời
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa giữa vĩ độ 80N và 240N, do đó có nguồn năng lượng mặt trời khá dồi dào và thuận tiện cho việc ứng dụng. Cường độ bức xạ bình quân năm là 1.346,8 - 2153,5 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình năm là 1.600 - 2.720 h/năm. Tuy nhiên, lượng bức xạ mặt trời trên mặt đất tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Giữa các địa phương nước ta có chênh lệch đáng kể về bức xạ mặt trời. Cường độ bức xạ ở phía Nam thường cao hơn phía Bắc.
Địa nhiệt
Những vùng có tiềm năng địa nhiệt lớn là Tây Bắc, Đông Bắc, đặc biệt là khu vực miền trung như Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định), Tu-Bông, Đảnh Thạnh (Khánh Hòa)... Đây là những địa điểm tiềm năng cho các dự án điện địa nhiệt.
Theo kết quả nghiên cứu của Đề án "Đánh giá tài nguyên địa nhiệt làm cơ sở thiết kế và khai thác sử dụng thử nghiệm vào mục đích năng lượng ở một số vùng triển vọng" do Tổng cục Địa chất thực hiện năm 1983, đã tổng hợp được tài liệu của các nguồn nước nóng trong toàn quốc, đánh giá tiềm năng địa nhiệt và phân vùng triển vọng ứng dụng nguồn năng lượng này. Theo số liệu thống kê đến năm 2000, ở Việt Nam đã phát hiện 269 nguồn nước nóng, trong đó có 140 nguồn nước ấm, 84 nguồn nước nóng vừa, 41 nguồn nước rất nóng và 4 nguồn nước quá nóng. Các nguồn địa nhiệt phân bố có mật độ khác nhau theo vùng địa lý nhiều nhất ở miền Trung Việt Nam.
Thủy triều
Các nghiên cứu về thủy triều ở Việt Nam cho thấy tiềm năng năng lượng thủy triều của Việt Nam không lớn như các nước khác. Có một số địa điểm thuận lợi, song biên độ giao động sóng nhỏ (chỉ khoảng 1m) và chế độ thủy triều yếu. Trữ lượng thủy triều của Việt Nam ước 1,6 tỷ kWh/năm, tập trung chủ yếu ở bờ biển Quảng Ninh (khoảng 1,3 tỷ kWh/năm). Theo tính toán, từ nay đến 2025, năng lượng thủy triều chưa đưa được vào khai thác ở Việt Nam.
Phát triển điện hạt nhân
Điện nguyên tử đang được đánh giá là nguồn phát thải ít cacbon nhất. Việt Nam đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Việt Nam, một trong hàng loạt nhà nhà máy điện nguyên tử sẽ ra đời từ nay đến 2030.
Theo định hướng phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện). Ngoài ra, cho đến nay chúng ta đã quy hoạch 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đặt tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 - 6 tổ máy điện hạt nhân.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ thu giữ cacbon (CCS)
Công nghệ thu giữ cacbon (CCS) là quá trình thu hồi cacbon dioxide từ nguồn thải lớn của công nghiệp thải ra môi trường, và sau đó vận chuyển và lưu giữ tại các bể chứa nằm sâu trong lòng đất. Các ngành công nghiệp thải nhiều cacbon như điện than, điện khí và một số ngành công nghiệp khác là đối tượng của công nghệ thu giữ cacbon. Công nghệ thu cacbon trên thế giới hiện tiếp cận theo 3 hướng: Thu giữ sau đốt, thu giữ trước khi đốt và đốt bằng nhiên liệu chứa oxy. Các công nghệ hiện tại có thể thu giữ tới 85 - 90% lượng phát thải cacbon từ các nhà máy điện.
Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong triển khai và ứng dụng công nghệ thu giữ cacbon, do cơ cấu công nghiệp sử dụng than đang tăng nhanh. Hiện tại, Bộ Công Thương đang thực hiện dự án đánh giá tiềm năng này cùng ADB và một số trương trình dự án khác.
Theo Chuyên đề Môi trường công nghiệp