Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 2
Truy cập: 4.355.508

Kinh nghiệm xử lý chất thải mỏ trong ngành KTKS tại Mỹ bằng công nghệ thụ động

Thứ Ba, 03 Tháng Hai 2015 2:44 CH

Xử lý chất thải trong khai thác khoáng sản là vấn đề đang được quan tâm nghiên cứu rộng rãi tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Trong đó, Mỹ là quốc gia điển hình có ngành khai khoáng phát triển và đã có những nghiên cứu tương đối hoàn thiện về xử lý chất thải mỏ

Với đặc điểm của chất thải mỏ có khối lượng lớn, ô nhiễm đặc trưng bởi các chỉ tiêu kim loại nặng, một số mỏ có phát sinh dòng thải axit với các tác động lâu dài và khó xử lý; các nghiên cứu công nghệ đã dần hoàn thiện nhằm đáp ứng hiện trạng thực tế. Học hỏi kinh nghiệm về xử lý của các quốc gia phát triển là hướng đi nhanh, hợp lý nhằm rút ngắn con đường tìm ra giải pháp công nghệ thích hợp với Việt Nam. Bài viết dưới đây trình bày về các kinh nghiệm xử lý chất thải mỏ của Mỹ và thực tế công nghệ áp dụng tại một số mỏ khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

I. XỬ LÝ CHẤT THẢI MỎ BẰNG CÔNG NGHỆ THỤ ĐỘNG TẠI MỸ

1.1.Hệ thống tạo kiềm trong điều kiện thiếu khí (ALDs)

        Mô tả công nghệ: Hệ thống được tạo ra bằng cách đưa đá vôi vào trong các đường ống đã rút hết oxy. Nước thải mỏ sau đó được dẫn vào các đường ống. Tại các đường ống, kiềm được giải phóng. Sau đó, dòng nước thải mỏ đi qua đá vôi được đưa qua hệ thống sục khí, ao hoặc đất ngập nước hiếu khí. Tại đó, các kim loại nặng sẽ bị oxy hóa, kết tủa và được loại bỏ. Đá vôi là nguyên liệu với chi phí thấp để tạo kiềm. Tuy nhiên, để sử dụng đá vôi hiệu quả thì phải được sử dụng trong điều kiện môi trường thích hợp.

Hình 1. Hệ thống ALD [1]

        ALD có thể được sử dụng để xử lý dòng thải mỏ có mức độ ô nhiễm rộng. Theo  EPA, thời gian tiếp xúc với đá vôi cần thiết khoảng 15h.  Lượng đá vôi sử dụnglà 2.800kg đá vôi/dòng thải 1lít/phút. Một hệ thống ALD hiệu quả được thiết kết với các thông số về kích thước và khối lượng dựa trên tốc độ dòng thải mỏ.

        ALD thích hợp với nước thải mỏ có nồng độ sắt III, DO và nhôm thấp. Trong trường hợp nồng độ của bất kỳ một trong 3 thông số trên cao sẽ tạo thành lớp vỏ bọc đá vôi gây cản trở quá trình giải phóng kiềm. Sắt và nhôm hydroxit hình thành có thể làm tắc nghẽn các lỗ rỗng và làm giảm diện tích bề mặt phản ứng của đá vôi. Thêm vào đó, nước thải có nồng độ sunfat>1500mg/l thì việc sử dụng đá vôi có thể dẫn đến sự hình thành kết tủa thạch cao gây tắc nghẽn hệ thống. Trong trường hợp ALD thiết kế đúng kỹ thuật và dòng thải đảm bảo điều kiện trên thì hệ thống ALD có tuổi thọ từ 25 đến 30 năm.

        Ứng dụng: tại các mỏ than Howe Bridge 1, Howe Bridge 2, Morrison, Filson, Schnepp, Rem-R, Rem-L nằm phía Tây tiểu bang Pennsylvania Mỹ; mỏ Elklick nằm phía Tây Bắc tiểu bang Maryland Mỹ; Mỏ đồng, chì, kẽm Valzinco thuộc tiểu bang Virginia; mỏ đồng thuộc tiểu bang Tennesse;  mỏ than Hartshorn thuộc tiểu bang Oklahoma; mỏ than thuộc tiểu bang Ohio; mỏ than Tecumseh huộc tiểu bang Indiana; mỏ than thuộc tiểu bang Alabama…

1.2. Hệ thống tạo kiềm(SAPS)

        Mô tả công nghệ: Hệ thống tạo kiềm(hồ tạo kiềm) là hệ thống kết hợp giữa hệ thống ALD và một lớp chất hữu cơ thấm nước phủ phía trên nhằm tạo ra môi trường kị khí. Nước chảy vào từ một phía của hồ, chảy qua lớp chất hữu cơ. Sau đó dòng nước chảy xuống dưới lớp đá vôi bên dưới. Tại đó, kiềm được giải phóng và làm tăng pH của nước, dẫn đến sự kết tủa của nhôm, đồng và sắt. Các kim loại kết tủa theo dòng thải được dẫn và thu hồi tại hồ lắng hạ lưu.

Hình 2: Hệ thống SAPS [1]

        Hệ thống SAPS xử lý axit và có thể giảm thiểu nồng độ của Al, Cu và Fe.  Theo EPA[1] thì hệ thống SAPS bao gồm lớp nước có chiều cao từ 1 đến 3 m phủ trên lớp vật liệu hữu cơ. Lớp vật liệu hữu cơ tối thiểu có chiều dày từ 50-60cm; dòng thải chảy qua lớp hữu cơ nên thiết kế cho chảy chậm.  Phía dưới lớp hữu cơ là lớp đá vôi có chiều dày từ 0,5 đến 1m.

        Về cơ bản, hệ thống SAPS giống hệ thống ALD. Tuy nhiên hệ thống SAPS cải tiến thêm lớp chất hữu cơ do đó kích thích sự phát triển của các vi khuẩn tiêu thụ sunfat và sắt. Do đó, hệ thống giúp ngăn cản sự hình thành kết tủa sắt sunfat gây tắc nghẽn hệ thống. Lớp hữu cơ đã góp phần làm giảm sắt và sunfat khi đi qua lớp hữu cơ. Tuy nhiên, sự hình thành các kết tủa nhôm và sắt hydroxit có thể gây tăc nghẽn các lỗ rỗng. Do đó, để tối ưu hóa hiệu quả xử lý cần thiết kế nhiều đường ống hơn. Thêm vào đó, người sử dụng, cần bảo dưỡng hệ thống thường xuyên để ngăn chặn quá trình tắc nghẽn. Theo Demchak và nnk, đề nghị bổ sung vật liệu hữu cơ sau 2-3 năm hoạt động. Giám sát thường xuyên dòng chảy và áp lực dòng thải lên hệ thống. Nồng độ oxy của dòng vào cũng là yếu tố cần quan tâm, do đó hệ thống SAPS thiết kế cũng phức tạp hơn so với hệ thống ALD.

        Ứng dụng: tại các mỏ Howe Bridge, Schnepp Road, REM, Buckeye, Greendale, Mỹ

1.3. Hệ thống xử lý thụ động Aluminator©

        Mô tả công nghệ: Hệ thống Aluminator© được cải tiến từ hệ thống tạo kiềm(SAPS) để xử lý nước thải mỏ. Hệ thống Aluminator© có cấu tạo tương tự SAPS, tạo kiềm và giữ nhôm. Các tính năng thiết kế bổ sung của hệ thống Aluminator© cho phép xả nước thải ra khỏi hệ thống thường xuyên để hạn chế sự tích tụ của kết tủa nhôm, tăng hiệu quả xử lý. Nước sau xử lý được thu bởi hệ thống đường ống đục lỗ trong lớp đá vôi. Các hệ thống ống được tính toán thiết kế để phù hợp với tổng lượng dòng thải và nồng độ của nhôm tích lũy. Các van trong hệ thống có thể được mở để xả thải một cách dễ dàng.

Hình 3. Hệ thống Aluminator©

        Hệ thống Aluminator© sẽ thu hồi các kim loại nặng trong nhôm hydroxit. Hệ thống Aluminator© hoạt động trong điều kiện nồng độ sắt và oxy cao; kéo theo pH tăng do đó sẽ giữ lại Al trong hệ thống xử lý. Hệ thống Aluminator© có thể sử dụng để xử lý nước thải với các tốc độ dòng thải khác nhau, xử lý nhôm trong dòng thải. Thêm vào đó Aluminator© còn có thể xử lý axit và sắt. Hệ thống Aluminator© đòi hỏi ít thời gian để bảo trì hơn. Để đảm bảo hiệu quả xử lý, cần định kỳ loại bỏ nhôm kết tủa từ lớp đá vôi. Hệ thống không hiệu quả đối với dòng thải có nồng độ nhôm và pH thấp.

Ứng dụng: khu vực Buckeye Reclamation Landfill tiểu bang Ohio; Little Mill Creek tiểu bang Pennsylvania.

1.4. Xử lý sinh học/ Đất ngập nước

        Mô tả công nghệ: Vùng đất ngập nước được xây dựng có thể là các vùng đất ngập nước hiếu khí, các dòng chảy kị khí và hồ ngập nước, dòng chảy dọc. Vùng đất ngập nước được thiết kế, xây dựng để xử lý các chất ô nhiễm trong thời gian dài. Các chất ô nhiễm được xử lý thông qua sự hấp thu bởi thực vật, bay hơi và giữ lại trong sinh khối. Các vi sinh vật trong đất, nước loại bỏ các kim loại hòa tan và các kim loại kết tủa từ dòng thải axit. Ưu thế của hệ thống này là vốn đầu tư, chi phí hoạt động và bảo trì thấp.

        Công nghệ này có thể xử lý sunfat và các kim loại sắt, mangan, asen, nhôm, đồng, kẽm, cacdimi, selen, niken và chì. Đất ngập nước có thể xử lý dòng thải mỏ trong khoảng pH rộng như nước thải axit, trung tính và kiềm.

        Vùng đất ngập nước được xây dựng có dòng chảy trên mặt hoặc dưới mặt nước. Hệ thống dòng thải chảy qua hệ thống bao gồm lớp dạng hạt như sỏi hoặc cát, trên mặt có trồng các cây thủy sinh tương tự như đầm lầy.

Hình 4. Dòng chảy dọc và ngang đi qua vùng đất ngập nước

Hình 5. Cấu trúc đất ngập nước

        Khi thiết kế vùng đất ngập nước cần để ý đến các yếu tố bao gồm các quá trình sinh hóa, tốc độ tải, thời gian lưu, độ dốc, chất nền, thảm thực vật, kiểm soát trầm tích, tính mùa vụ, yêu cầu pháp lý v.v. Nếu nước thải có tính kiềm có thể sục khí để đẩy nhanh quá trình oxy hóa kim loại đối với vùng đất ngập nước hiếu khí. Đối với nước thải có tính axit cần tiền xử lý bằng phương pháp ALD hoặc tiền xử lý khác…Nếu nước quá chua hoặc chứa quá nhiều sắt, nhôm và oxy hòa tan thì đất ngập nước có thể làm tăng tính kiềm.

        Tuy nhiên, đất ngập nước cũng có một số hạn chế nhất định: (1) diện tích chiếm đất nhiều, (2) cần cung cấp nước liên tục để duy trì vùng đất ngập nước, (3) dòng thải axit cần tiền xử lý trước khi áp dụng phương pháp này, (4) giải phóng các chất ô nhiễm khi dòng chảy mạnh hoặc thực vật phân hủy, nếu pH thay đổi, quá trình giải hấp xảy ra.

        Tính mùa vụ của địa phương là một yếu tố quan trọng khi áp dụng đất ngập nước, đặc biệt là ở nhưng nơi có biến động khí hậu lớn. Vào mùa lạnh hiệu quả xử lý của các vùng đất ngập nước giảm. So với các công nghệ xử lý chủ động thì đất ngập nước mang lại hiệu quả xử lý thấp hơn do các kết tủa chậm hình thành. Vùng đất ngập nước hiếu khí thích hợp với xử lý sắt hơn mangan và hiệu quả đạt được khi tốc độ dòng chảy nhỏ.

        Ứng dụng: mỏ Đồng ở tiểu bang Tennessee, đất ngập nước hiệu quả trong xử lý axit và hầu hết các kim loại nặng, ngoại trừ Mn. Để giảm nồng độ Mn, đã bổ sung hai cell hiếu khí vào hệ thống đất ngập nước và bổ sung một filter lọc.

1.5. Phản ứng sinh hóa(BCRs)

        Mô tả công nghệ: Thiết bị phản ứng sinh hóa(BCRs) sử dụng các vi sinh vật để loại bỏ các chất ô nhiễm từ nước thải. BCRs có thể được thiết kế theo nhiều hình thức khác nhau dạng mở, đóng, hoặc dạng mương rãnh giữa dòng thải và nước bề mặt. BCRs có thể xử lý trong phạm vi dòng thải rộng, có thể hoạt động một cách bị động hoặc chủ động.  BCRs bao gồm các vi khuẩn giảm sunfat hoạt động trong điều kiện kị khí. Các kim loại kết tủa dưới dạng muối sunfit và được loại bỏ khỏi nước thải.

        BCRs giúp tăng pH, loại bỏ sunfat và các kim loại như kẽm, chì, đồng, cadimi, coban và niken từ nước thải. Bên cạnh đó BCRs cũng giúp loại bỏ các á kim như asen, crom, selen, tali và uranium.

        BCRs là hệ thống hoạt động chủ động hoặc thụ động. Hệ thống BCRs chủ động bao gồm một nguồn chất lỏng hữu cơ bên ngoài và các bể hoặc các khu sinh thái được chia cắt. Hệ thống BCRs thụ động sử dụng một dòng đơn giản chạy qua thiết bị với một lớp chất rắn hoạt động cung cấp cacbon cho vi khuẩn – đóng vai trò chất nền cho vi khuẩn và kết tủa kim loại sunfit. Trong hệ thống bị động, nước chảy qua hỗn hợp phản ứng rắn chứa trong một ao hoặc bể bao gồm nguồn cacbon hữu cơ, nguồn vi khuẩn, một lớp chất rắn xốp, nguồn nito và chất trung hòa.

        BCRs thụ động được thiết kế với dòng chảy từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Hiệu quả của hệ thống phụ thuộc vào hoạt động của vi khuẩn, trong đó chủ yếu được điều khiển bởi hệ thống. Các chất hữu cơ được lấy nguồn từ địa phương và thường trộn thêm đá vôi để tăng khả năng trung hòa và sỏi để tăng khả năng thấm. Việc lựa chọn loại chất hữu cơ dựa trên hiệu quả xử lý và chi phí. Nguồn cacbon hữu cơ bao gồm ethanol, phân bón và các mảnh gỗ, xương cá, chitin v.v. BCR thành công cao hơn với hệ thống bao gồm nhiều chất ô nhiễm đối lập với nguồn cacbon hữu cơ đơn lẻ.

        Trước khi áp dụng BCRs cần điều chỉnh lưu lượng dòng chảy và điều chỉnh pH. Thời gian tiếp xúc tối thiểu từ 8 đến 48h. Nói chung, hệ thống BCRs không cần bảo trì nhiều, hiệu suất xử lý có thể giảm do chất nền bị tắc nghẽn. Cải thiện bằng cách bổ sung sỏi vào hỗn hợp để tạo cấu trúc xốp tránh bị nén chặt.

        Thiết kế BCRs dựa trên các thông số cụ thể về đặc điểm của dòng vào như pH, lưu lượng, nhiệt độ, nồng độ các kim loại và không gian sẵn có của hệ thống. Nhìn chung, hệ thống BCR sâu từ 3-4 feet; nếu thời tiết lạnh độ sâu có thể tăng lên. Ngoài ra, trong thời gian lạnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến hiệu suất xử lý- đây là yếu tố cần được xem xét. Hệ thống cần phải xa khu vực đông dân cư do các vấn đề liên quan đến mùi và màu của nước thải.

        Ứng dụng: một phần khu mỏ Tenmile Creek Superfund – Hiệu quả xử lý 95% kimloại và giảm nồng độ axit. Nếu bổ sung sỏi có thể loại bỏ 98% Se. Ứng dụng tại mỏ ở Colorado hiệu quả xử lý loại bỏ 98-99% các kimloại nặng Cd, cu, Pb, Zn. Tuy nhiên nước thải đầu ra vẫn chưa đạt TCCP, nồng độ Cd, Pb và Zn vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép.

1.6. Công nghệ sinh thái (cánh đồng tưới)

        Mô tả công nghệ: cánh đồng tưới sử dụng thực vật để xử lý các chất ô nhiễm trong môi trường. Cơ chế của cánh đồng tưới là chiết xuất các chất ô nhiễm từ đất hoặc nước; điều chỉnh nguồn cung cấp nước cho nước ngầm, kiểm soát dòng chảy, xói lở và xâm nhiễm bằng lớp phủ thực vật. Cơ chế để loại bỏ các chất nhiễm bẩn bằng công nghệ sinh thái là sự tích lũy các chất ô nhiễm trong các mô thực vật bằng cách lựa chọn các cây trồng phù hợp.

        Công nghệ này có thể xử lý các kim loại như crôm, và các hạt nhân phóng xạ như uranium, cesi, và strontri. Công nghệ sinh thái cũng được sử dụng để kiểm soát dòng chảy, xói lở và xâm nhiễm.

        Các khu mỏ trải rộng với nồng độ các chất ô nhiễm từ thấp đến trung bình là phù hợp để áp dụng công nghệ sinh thái. Cây trồng quang hợp qua lá cây để tự cung cấp các chất dinh dưỡng; do đó công nghệ này được gọi là công nghệ bền vững. Mặt khác, cây xanh còn giúp cải thiện chất lượng không khí và cô lập các khí nhà kính. Tại các khu vực áp dụng công nghệ sinh thái sẽ tạo ra môi trường sống cho các loài động thực vật. Có sáu cơ chế của công nghệ sinh thái cơ bản giúp làm sạch nước thải mỏ bao gồm: hấp thụ, phân giải vùng rễ, cố định, tách chiết, phân hủy và bay hơi.

        Trong thời gian đầu khi áp dụng công nghệ cần chú ý chăm sóc lớp phủ thực vật bổ sung đất, tưới và kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại. Chìa khóa cho công nghệ xử lý sinh thái là đảm bảo sự tiếp xúc của vùng rễ với các chất ô nhiễm. Do đó, công nghệ này thích hợp với các khu mỏ có diện tích rộng, độ sâu chất ô nhiễm thấp. Bên cạnh đó công nghệ này có thế phát sinh bụi, chất hữu cơ bay hơi, tiềm ẩn rủi ro cần được đánh giá. Kiểm soát sâu bệnh, ký sinh trùng và nguồn nước tưới cho thực vật là các yếu tố cần xem xét khi áp dụng công nghệ này.Tuy nhiên, việc lựa chọn các cây trồng thích hợp sẽ khắc phục được những nhược điểm này.Công nghệ này cũng đòi hỏi nhiều diện tích chiếm đất hơn so với áp dụng các công nghệ khác. Công nghệ sinh thái cũng bị hạn chế bởi tính mùa vụ của cây trồng. Thời gian xử lý cũng yêu cầu nhiều hơn so với các công nghệ khác. Nồng độ các chất ô nhiễm cao cũng là yếu tố hạn chế sự tăng trưởng của thực vật do đó giới hạn áp phạm vi áp dụng công nghệ đối với các khu mỏ khác nhau.

1.7. Rào chắn hoạt tính thấm nước (PRB)

        Mô tả công nghệ: PRB bao gồm một khu xử lý thấm nước có chứa nguyên liệu hoạt tính được đặt chắn dòng nước thải. Vật liệu hoạt tính bao gồm ZVI, đá vôi, hợp chất compost, zeolit, than hoạt tính và apatit. Khi thiết kế và hoạt động đúng cách PRB có thể tập trung và lưu giữ các chất ô nhiễm hiệu quả. Chi phì bảo trì hệ thống ít, thường bảo trì sau 10 năm hoạt động. Công nghệ PRB được xây dựng dưới hai hình thức cơ bản: Hệ thống phễu và cửa; các rào chắn hoạt tính liên tiếp. Các công nghệ mới để đặt các rào chắn bao gồm phun bùn, nứt vỡ thủy lực, điều chỉnh trục tâm. PRB có thể đặt tạm thời hoặc cố định. PRB được cài đặt dưới dạng các rãnh liên tục chôn lấp bên dưới. Các rãnh vuông góc và ngăn cách với nước ngầm.

Hình 6. Công nghệ PRB[1]

        Công nghệ áp dụng xử lý hiệu quả các thành phần khác nhau bao gồm cả các hạt nhân phóng xạ, kim loại và các anion. Các kim loại như crom, niken, chì, uranium, tecneti, sắt, mangan, selen, đồng, coban, cacdimi và kẽm. Các anion bao gồm sunfat, nitrat, phosphat.

            Hệ thống phễu và cửa PRB sử dụng các bức tường không thấm nước như là kênh dẫn đường cho các chất ô nhiễm đi theo các cửa dẫn về các chất phản ứng. Ngược lại các rào chắn hoạt tính liên tiếp cắt ngang đường dẫn dòng thải. Do đó, hệ thống phễu và cửa tác động tới dòng nước ngầm nhiều hơn so với hệ thống các rào chắn PRB liên tục. Trong cả hai thiết kế, cần đặt các rào chắn PRB cót tính thầm ngang bằng hoặc lớn hơn so với tầng nước ngầm để tránh sự di chuyển của dòng nước quanh khu vực rào chắn hoạt tính.

        ZVI là vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất để làm PRB. Khi áp dụng công nghệ PRB cần quan tâm tới các đặc tính về diện tích bề mặt, cấu trúc và chi phí lắp đặt. Dựa trên các đặc tính đó để xem khả năng lắp đặt PRB theo các công nghệ khác nhau như trình bày phía trên. Xem xét về các thông số như vận tốc, hướng dòng chảy nước ngầm, nồng độ chất gây ô nhiễm để đạt được hiệu quả cần thiết. Tuy nhiên, hiệu suất có thể giảm do quá trình tắc nghẽn, do đó cần loại bỏ các kết tủa trong quá trình bảo trì hệ thống. Thông thường, thời gian bảo trì kéo dài từ 10-15 năm.

        Nhìn chung, công nghệ PRB đòi hỏi thời gian hoạt động mất vài năm hoặc vài chục năm do đó đòi hỏi quá trình quản lý lâu dài.

        Ứng dụng: quặng đuôi uranium ở Durango ở bang Colorado; hồ quặng đuôi Moticello Mill ở Utah.

II. XỬ LÝ CHẤT THẢI MỎ TẠI VIỆT NAM

Trong thời gian qua, ngành mỏ tại Việt Nam đã có nhưng nghiên cứu về đặc trưng các nguồn thải và các giải pháp xử lý chất thải mỏ. Trong đó, các nghiên cứu bước đầu về đặc trưng các nguồn thải được thực hiện tương đối rộng rãi bằng phương pháp thực địa, lấy mẫu, đo đạc và phân tích trong phòng thí nghiệm. Nhận định chung là nước thải mỏ thường bị ô nhiễm các kim loại nặng, một số mỏ có dòng thải mang tính axit. Công nghệ xử lý chủ yếu hiện nay là lưu giữ các quặng đuôi thải trong các hồ chứa, sau đó đi qua các hồ lắng trước khi thải ra ngoài môi trường. Với các mỏ có phát sinh dòng thải axit thì bổ sung vôi để tăng pH và tăng khả năng kết tủa của các kim loại nặng. Thông thường, sữa vôi được bổ sung chủ động vào các bể phản ứng trước khi qua bể lắng và thải ra ngoài môi trường. Theo Nguyễn Quốc Thịnh và Bùi Thanh Hoàng[4] nước thải mỏ than được xử lý chủ yếu theo hai hướng: (1) trung hòa + keo tụ + lắng; (2) trung hòa + keo tụ + lắng + lọc. 

Công nghệ xử lý áp dụng tại mỏ than Khe Tam[1]: kết hợp chất keo tụ polime và bể lắng ngang, khi nước có tính axit và hàm lượng Fe, Mn cao sẽ bổ sung thêm sữa vôi và chất oxy hóa. Nước sau khi áp dụng công nghệ lọc áp lực sẽ được tái sử dụng. Trong công nghệ này sữa vôi được bổ sung vào bể khuấy trộn tăng cường oxy.

Công nghệ xử lý áp dụng tại mỏ than Hà Lầm[2]: trung hòa bằng sữa vôi. Vôi đưa vào vào tôi vôi  tạo thành sữa vôi. Sữa vôi được bơm định lượng vào bể phản ứng. Sau phản ứng trung hòa, sử dụng polime tại ngăn tiếp theo để tăng cường quá trình kết tủa. Cuối cùng nước thải qua bể lắng trước khi thải ra môi trường.

Công nghệ xử lý áp dụng tại mỏ than Đèo Nai [3]: đầm sinh học kết hợp với mương đá vôi yếm khí với chiều dài ước tính khoảng 1500m xử lý nước thải mỏ. Mỏ cũng đã mời chuyên gia về đầm sinh học và mương đá vôi yếm khí từ Trường Đại học Tây Virginia của Mỹ về tư vấn.

 

Phương Thảo

Nguồn:

 1. Bùi Thanh Hoàng và Lê Văn Hảo, Xử lý nước thải mỏ than Khe Tam – Công ty than Dương Huy từ cửa lò +38,1 và cửa lò giếng +40. Tạp chí Khoa học công nghệ mỏ số 1-2/2010.

2.  Nguyễn Thế Hưng, Công trình xử lý nước thải mỏ bơm từ trạm -51 Công ty than Hà Lầm với mục đích bảo vệ môi trường. Hội thảo Khoa học kỹ thuật mỏ toàn quốc lần thứ XVI-năm 2004.

3. Bùi Thanh Hoàng, Đề xuất sử dụng chân bãi thải Nam Đèo Nai để xây dựng hệ thống đầm sinh học kết hợp với mương đá vôi yếm khí để xử lý nước thải mỏ than Đèo Nai – Cọc Sáu. Tạp chí Khoa học công nghệ mỏ số 8-2007.

4. Nguyễn Quốc Thịnh và Bùi Thanh Hoàng, Một số nhận xét, đánh giá thực trạng công nghệ xử lý nước thải mỏ than và đề xuất phương phướng hoàn thiện, phát triển.

5.  Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Reference guide to Treatment Technologies for Mining – Influenced Water. March 2014.

 

 


 

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim