Không để tiền “nằm chết” trong ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường
Thứ Tư, 24 Tháng Mười Hai 2014 8:23 SA
Các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2014 đang được khẩn trương lấy ý kiến và hoàn thiện. Xung quanh nội dung về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hiện đang vẫn còn nhiều ý kiến. Ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã trao đổi với báo chí về những nội dung còn ý kiến này…
PV: Ông đánh giá thế nào về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT?
Ông Trần Miên: Về cơ bản, tôi đồng tình với nội dung của các quy định trong phần này. Tuy nhiên, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường có vấn đề đã được góp ý nhiều lần nhưng chưa được chú trọng. Hiện nay, theo quy định, các doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thác khoáng sản, sau khi kết thúc khai thác phải thực hiện cải tạo lại môi trường. Đây là một việc làm đúng, là nghĩa vụ và trách nhiệm của DN trong khai thác khoáng sản mà cả thế giới đều làm để trả lại cho cộng đồng môi trường sinh thái. Từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các DN khai thác, kinh doanh khoáng sản đã tự giác thực hiện và thành nền nếp, rất quy củ.
Nhưng xung quanh quy định này còn có những bất hợp lý. Thứ nhất, đó là đối với việc cải tạo môi trường, DN phải chịu gánh nặng tài chính khi 2 lần phải lo tiền: Ký Quỹ với số tiền bằng tổng chi phí thực hiện các công trình cải tạo môi trường theo đề án đã được phê duyệt là số tiền không phải nhỏ. Mặt khác, tiền ký quỹ chỉ được rút về sau khi được xác nhận đã hoàn thành đề án cải tạo môi trường nghĩa là “nằm chết” trong quỹ trong khi muốn hoàn thành đề án cải tạo môi trường thì DN phải lo một khoản tiền thứ 2 để thực hiện các công trình này - đây là một gánh nặng.
Trong khi đó, khoản ký quỹ này không được phép đầu tư, cho vay, sử dụng với mục đích khác nên vô hình trung, Sở TN&MT chỉ là người giữ hộ một khoản tiền lớn không sinh lời, còn DN phải gánh chịu mọi thiệt thòi từ việc tiền ký quỹ “nằm chết” trong quỹ suốt thời gian chờ DN hoàn thành đề án cải tạo môi trường. Thông thường, DN phải vay tiền để ký quỹ bằng vốn thương mại nhưng khi được hoàn trả thì lại trả theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng tại thời điểm hoàn trả. Phần chênh lệch lãi suất này DN phải hạch toán vào đâu đó là vấn đề đặt ra? DN lại phải hạch toán vào chi phí mà việc này nếu không cẩn thận sẽ khó qua “cửa” kiểm toán hằng năm.
Thứ hai là việc sử dụng nguồn tiền ký quỹ cũng là bất hợp lý vì để một nguồn tiền lớn “nằm chết” trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn như nước ta hiện nay là thiệt thòi cho nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế nói chung và bản thân DN nói riêng.
Tôi cũng lưu ý là ngay cả việc rút tiền ký quỹ ra đối với DN cũng không dễ vì việc xác nhận hoàn thành đề án cải tạo môi trường không đơn giản. Một khoản tiền ký quỹ suốt một đời của mỏ 30 năm, thậm chí 50 năm mà trong thời gian đó, xã hội đã có rất nhiều biến chuyển, kể cả về khoa học kỹ thuật. Các đề án cải tạo môi trường được phê duyệt, nhưng sau này có thể được áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn hoặc áp dụng những cây trồng sinh lời hơn, phù hợp với môi trường hơn, nhưng lại không đúng với nội dung đề án đã phê duyệt. Việc này dẫn đến DN có được công nhận là hoàn thành cải tạo môi trường theo đề án đã được duyệt để được rút tiền ký quỹ hay không là câu chuyện khó, vì chỉ một tí thôi không hoàn thành theo đề án thì không thể rút tiền.
Hai bất cập này phải được “cởi” để DN tự giác, tự nguyện thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường mà không bị thiệt thòi và cộng đồng vì thế cũng được hưởng lợi từ những công trình cải tạo môi trường đúng ý nghĩa. Từ thực tế này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định mở hơn là cho ký vào quỹ hoặc vào một tổ chức tín dụng. Dự thảo Nghị định mở việc này là tiến bộ, nhưng theo tôi nên bỏ hẳn quy định ký vào quỹ BVMT kể cả ở Trung ương và cấp tỉnh vì việc này chỉ là giữ tiền hộ. DN ký quỹ vào một tổ chức tín dụng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn, tránh phải giải quyết phần chênh lệch giữa lãi suất đi vay để ký quỹ và lãi suất hoàn trả.
PV: Theo ông, mức ký quỹ như thế nào là phù hợp?
Ông Trần Miên: Quy định mức ký bằng tổng chi phí thực hiện các công trình cải tạo môi trường là phù hợp. Phương pháp ký theo quy định hiện nay không phải thực hiện một lần (trừ trường hợp mỏ hoạt động dưới 3 năm thì phải ký một lần) còn được ký nhiều lần theo giai đoạn, có tính đến yếu tố trượt giá. Kinh nghiệm của chúng tôi trong thẩm định các đề án cải tạo môi trường cho thấy, nếu tính đủ cả yếu tố trượt giá thì thông thường khoản tiền ký quỹ phải gấp đôi tổng chi phí phải bỏ ra - đây là một vấn đề.
Tôi đã đề xuất với Bộ TN&MT phương án ký quỹ theo tiến độ thực hiện các hạng mục của đề án cải tạo môi trường chứ không phải ký quỹ trải đều hằng năm như hiện nay. Việc ký quỹ tiến hành trước khi thực hiện hạng mục cải tạo môi trường một năm và kiểm tra luôn yếu tố kỹ thuật và dự toán của hạng mục tại thời điểm ký quỹ, như vậy sẽ không phải lo vấn đề trượt giá. Và khi DN hoàn thành, được rút ngay tiền về, nghĩa là thời gian tiền nằm trong quỹ sẽ rút ngắn đi, số lượng tiền ký quỹ cũng giảm đi, không tạo áp lực một khoản tài chính lớn, tức thời đối với DN. DN luôn có tiền để quay vòng sản xuất.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại?
Ông Trần Miên: Mô hình này quá mới với Việt Nam. Ở nhiều nước, ý thức mua bảo hiểm cho các hoạt động của mình rất cao, còn ở Việt Nam thì thường làm qua quýt, chống đối. Vấn đề mua bảo hiểm thực chất là cần thiết, như tham gia giao thông, mua bảo hiểm để đề phòng nếu gây ra tai nạn, sự cố. Với môi trường cũng vậy, vận chuyển hóa chất độc, hại, nguy hiểm nhỡ xảy ra sự cố thì ai là người đền bù, khắc phục? mua bảo hiểm là tốt nhất. Tuy nhiên, ở nước ta bây giờ khép cứng ngay thì khó thực hiện vì DN cũng cần thời gian để chuẩn bị về tài chính và nâng cao nhận thức về trách nhiệm và lợi ích mua bảo hiểm. Theo tôi, cần có lộ trình và làm công tác tư tưởng trước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: (Theo QĐND)
Các tin khác