Chương trình các Trung tâm cách tân ở Nhật
Thứ Năm, 13 Tháng Ba 2014 11:14 SA
Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản giai đoạn 2005-2010 định nghĩa cách tân như “sự đổi mới để hoà hợp các khám phá khoa học và phát minh công nghệ, và thúc đẩy chúng để tạo ra các giá trị mới cho xã hội và kinh tế”, đồng thời khẳng định KH&CN chính là nền tảng của cách tân.
Những kế hoạch về khoa học và công nghệ
Tiếp nối những kế hoạch trước, trong vòng 20 năm qua nước Nhật đã xây dựng bốn Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ (Science and Technology Basic Plans) cho các giai đoạn 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015. Các kế hoạch này được công bố rộng rãi và gần đây có trên trang Web (http://www.mext.go.jp/) của MEXT (Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ).
Mỗi năm MEXT đều công bố sách trắng (white paper) về chính sách và nhiệm vụ của khoa học và công nghệ, nhấn mạnh khía cạnh trọng tâm và các nội dungđể thực hiện trong năm. Chẳng hạn trọng tâm 5 năm vừa qua là:
2009 - Hướng tới nền khoa học và công nghệ cách tân của Nhật Bản trong thời kỳ quá độ toàn cầu
2010 - Những ranh giới mới cần mở rộng bởi các nguồn nhân lực chất lượng cao
2011 - Khoa học và công nghệ cần được tạo ra và thúc đẩy gắn với xã hội
2012 - Hướng tới một xã hội ổn định và dễ phục hồi - Những bài học sau động đất lớn
2013 - Khoa học và công nghệ như nền tảng của cách tân.
Nếu đọc sách trắng của những năm này, có thể thấy hai từ xuất hiện rất thường xuyên là “xã hội” (society) và “cách tân” (innovation). Từ “xã hội” cho thấy sự phát triển của khoa học và công nghệ được yêu cầu phải gắnvới sự phát triển của xã hội. Từ “cách tân” cho thấyđây là yếu tố dẫn dắt sự phát triển của nước Nhật.
Cách tân là gì?
Từ “cách tân” được Joseph Schumpeter -một trong những người ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 trong kinh tế học- định nghĩa lần đầu trong cuốn sách “Lý thuyết về phát triển kinh tế” của ôngxuất bản năm 1911. Schumpeter cho rằng các yếu tố nội tại như cách tân trong kinh tế đóng vai trò chủ đạo hơn các yếu tốbên ngoài như tăng trưởng dân số hay biến đổi khí hậu. Ôngxem cách tân là việc tạo ra các thứ mới hoặc tạo ra các thứ đã có bằng các phương pháp mới. Schumpeter chỉ ra các thí dụ của cách tân như (1) phát triển các sản phẩm mới bởi hoạt động sáng tạo, (2) đưa ra các phương pháp sản xuất mới, (3) nuôi dưỡng các thị trường mới, (4) tạo ra các nguồn lực mới, (5) đổi mới tổ chức. Schumpeter còn đưa ratrong kinh tế khái niệm “sáng tạo thay thế” (creative destruction), tức việc các doanh nhân từ bỏ các giá trị đang có để tạo ra giá trị mới, vàcho rằng đây chínhlà cội nguồn của sự tăng trưởng kinh tế.
Khái niệm “cách tân” đã được định nghĩa và bàn luận ở rất nhiều sách báo và tài liệu suốt cả trăm năm qua, là yếu tố dẫn dắt sựphát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hoá và khi khoa học và công nghệ phát triển vũ bão. Không nhằm vào bàn luận khái niệm “cách tân”, ta có thể hiểu giản dị nhưng đúng bản chất rằngcách tân chính là“tạo ra cái mớiđể đổi mới” hoặc “đổi mới bằng cách tạo ra cái mới”. Việc tạo ra Facebook cho con người chia sẻ các liên hệ toàn cầu, hay bản phối khí của Nguyên Lê cho bài hát “Chiếc khăn piêu” của Doãn Nho viết 50 năm trước và cách hát của Tùng Dương ... là những thí dụ về cách tân.
Cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa sáng tạo (creation) và cách tân (innovation).Sáng tạo liên quan tới việc làm ra những thứ mới, có thể là những kiệt tác, nhưng không nhất thiết những thứ này tạo ra sự thay đổi. Cách tân cũng về việc làm ra những thứ mới, nhưng đấy là thứ mới có thể tạo ra thay đổi lớn theo hướng tốt lên. Một nghệ nhân gốm sứ có thể sáng tạo ra nhiều kiệt tác riêng biệt có giá trị rất cao, nhưng một sự cách tân trong nghề gốm sứ có thể phải liên quan đến cách làm ra được những đồ gốm sứ kiểu mới rất trong và mỏng hoặc những màu men đẹp và lạ, và do vậy tạo ra một dòng sản phẩm mới hấp dẫn cho nghề này.
Nhìn nhận vai trò của khoa học và công nghệ trong cách tân
Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản giai đoạn 2005-2010 đã phân tích rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo tính thịnh vượng bền vững của nền kinh tế và cuộc sống của người dân nhờ và khẳng định khoa học và công nghệ như nền tảng của cách tân. Kế hoạch này cũng nêu rõ những nội dungđể thực hiện cách tân đất nước trong nhiều lĩnh vực của kinh tế và xã hội nhằm đạt được sự vượt trội trong cạnh tranh công nghiệp và giải quyết những vấn đề xã hội. Bản kế hoạch này định nghĩa cách tân như “sự đổi mới để hoà hợpcác khám phá khoa học và phát minh công nghệ, và thúc đẩy chúng để tạo ra các giá trị mới cho xã hội và kinh tế”.
Làm sao để khoa học và công nghệ thành nền tảng của cách tân?
Trả lời câu hỏi này hoàn toàn không đơn giản. Một trong những cách làm là tạo ra các “cú hích” của phát triển khoa học và công nghệ, nghĩa là trước hết phải cách tân chính việc tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm vượt qua những rào cản về cơ chế, tổ chức và xác định được tốt nhất các nội dung nghiên cứu phải làm.
Trong thập kỷ trước nước Nhật đã thực hiện chương trình về các Trung tâm Xuất sắc (COE, Center of Excellence) và trong thập kỷ này nước Nhật bắt đầu chương trình mới về các Trung tâm Cách tân (COI, Center of Innovation).
Chương trình các Trung tâm Xuất sắc ở Nhậtlà một hoạt động cách tân việctổ chức đề tài khoa học và công nghệ. Các đề tài nghiên cứu lớn theo cách truyền thống thường được tổ chức như sau: để nghiên cứu một việc A người ta tập hợp những người làm nghiên cứu giỏi về A từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước trong một đề tài. Đây là cách tốt để tạo ra kết quả cho A nhưng hạn chế ở chỗ không giúp tạo được những “cú hích” để tăng sức mạnh và sức cạnh tranh chung cho các cơ sở khoa học. Một Trung tâm Xuất sắc ở một đại học hay cơ sở nghiên cứu khi được MEXT tuyển chọn là một đề tài khoa học lớn do các nhà khoa học ở chính cơ sởđó cùng liên kết thực hiện với sự tài trợ của nhà nước.
Chương trình các Trung tâm Cách tân(COI) của Nhật có tên “Chương trình Khởi nghiệp vàCách tân Triệt để dựa vào Khoa học và Công nghệ” (Center of Innovation: Science and Technology-based Radical Innovation and Entrepreneurship Program) viết tắt là COI-STREAM.Chương trình COI-STREAM nhằm thúc đẩy các hợp tác mang tính cách tân giữa công nghiệp và đại học để xác định và thực hiện những mục tiêu mà mỗi thành phần riêng rẽsẽ không thể thực hiên được.COI-STREAMtuyển chọn và tài trợ một số COI tiến hành nghiên cứu các vấn đề có thách thức và rủi ro cao nhưng với kỳ vọng trong vòng 10 năm sẽ cókết quả ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội.
COI-STREAM được tiến hành như sau. Vào tháng 4.2013, MEXT lập ra một Hội đồng Quản trị các COI gồm năm thành viên từ công nghiệp và hai từ giới hàn lâm. Có bốn thước đo cho việc thiết lập các COI, một là tầm nhìn(vision) về xã hội trong 10 năm tới từ những đặc điểm xã hiệ nhiện tại, hai là những vấn đề (issue) xã hội cần giải quyết, ba là lộ trình (agenda) về những nghiên cứu có ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội, và bốn là những mục tiêu (subject) nghiên cứu cụ thể. Từ những ý tưởng được đề xuất về tầm nhìn, Hội đồng Quản trị các COI đã chọn ra ba tầm nhìn chủ đạo: (1) Đảm bảo sức khoẻ con người trong một xã hội đang già hoá, (2) Thiết lập một môi trường sống chất lượng cao, (3) Xây dựng một xã hội bền vững. Hội đồng Quản trị các COI lập ra ba “Nhóm đánh giá Tầm nhìn” cho ba tầm nhìn kể trên, mỗi nhóm ba người.
Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8 năm 2013 có 190 đăng ký đề án lập COI và 12 đề án đã được chọn. Mỗi năm mỗi COI này được cấp cho tới 10 triệu USD cho R&D và 1 triệu USD cho quản lý, trong giai đoạn nhiều nhất là 9 năm.Tổng kinh phí của COI-STREAM trong năm tài chính 2013 là 108 triệu USD.
Nguyên tắc cơ bản là các COI phải được thực hiện trên sự kết hợp Công nghiệp-Đại học dưới “cùng một mái nhà” (xây dựng cơ sở nghiên cứu mới) với kinh phí được tài trợ từ Chính phủ. Chương trình COI-STREAM khá phức tạp. Ngoài 12 COI kể trên, MEXT còn chọn:
• 11 COI-S (COI-Satellites) là các COI vệ tinh của một số trong 12 COI và được chia kinh phí từ các COI này;
• 14 COI-T (COI-Trials) là các đề án chưa được chọn đợt đầu nhưng có triển vọng, được nhận kinh phí cho tới 1 triệu USD/năm trong vòng hai năm cho R&D để chuẩn bị và tiếp tục đăng ký;
• 5 COI-T Satellites (COI-T-S) được chọn và chia kinh phí với một số COI-T;
• 2 COI A-STEPS (COI-AS). A-STEP là chương trình chuyển giao công nghệ do Tổ chức Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) quản lý từ năm 2011, và MEXT chọn 2 COI-AS tài trợ trong khuôn khổ của chương trình A-STEP.
Thấy gì từ câu chuyện cách tân xứ họ
Thứ nhất, COI-STREAM là một cách tân trong quản lý và thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ hướng đếnnhững vấn đề thiết yếu của xã hội. Đấy là những điều đang được xã hội Nhật Bản quan tâm hàng đầu như sự già hoá dân số, mất phương hướng của tuổi trẻ, thảm hoạ thiên nhiên... Chương trình nàycòn được giải thích như sau. Với một tổng kinh phí cho khoa học và công nghệ cố định, MEXT đã giảm phần kinh phí R&D cơ bản cấp đều hằng năm cho mỗi giáo sư đại học. Phần kinh phí từ việc cắt giảm này được dùng để lập ra các COI, là nơi giới nghiên cứu của đại học và doanh nghiệp cần phải tìm cách gắn kết để thực hiện những nghiên cứu cótác động đến kinh tế và xã hội. Việc cách tân trong quản lý này làm cho các cơ quan khoa học và người nghiên cứu khoa học phải năng động hơn và phải hướng nghiên cứu mình đến những đề tài có ý nghĩa hơn (theo các tiêu chí về tầm nhìn, vấn đề, lộ trình, mục tiêu kể trên), nôm na là phải cách tân chính bản thân mình.
Thứ hai, là mọi việc định làm, cách làm và kinh phí của COI-STREAM đều minh bạch và công khai. Nếu không cónhững thông tin công khai này thì bài này không thể viết được.
Mùa Xuân đến và ta nghĩ gì về chuyện cách tân của đất nước?
---
* Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản
Các tin khác