Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 15
Truy cập: 4.354.817

NHỮNG ĐIỂM NÓNG MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC MỎ Ở VIỆT NAM

Thứ Hai, 02 Tháng Bảy 2012 10:39 SA

Hội nghị khoa học kĩ thuật mỏ quốc tế – 2010

Công nghiệp mỏ tiên tiến vì sự phát triển bền vững

PGS.TS. Hồ Sỹ Giao

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam

TS. Mai Thế Toản

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tóm tắt: Khai thác mỏ trong quá khứ và hiện tại đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước, tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng như trình độ dân trí cho một số cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của nó không tránh khỏi gây ra những tổn thất về môi trường ở mức độ khác nhau. Bài báo nên lên những đặc điểm về các dạng phá hoại môi trường điển hình khi khai thác các mỏ khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên ở Việt Nam và kiến nghị những biện pháp khắc phục, đặc biệt là nhận thức của con người.

1. Mở đầu

Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay, ngành khai khoáng có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngoài dầu thô và khí tự nhiên, các khoáng sản rắn là nhu cầu không thể thiếu cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân.

Điều kiện địa chất Việt Nam phức tạp tạo nên một nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng nhưng cũng manh mún. Theo thống kê, trên lãnh thổ Việt Nam đã phát hiện được trên 50 trong số 66 loại khoáng sản phổ biến nhất trong vỏ trái đất với khoảng hơn 5.000 mỏ và điểm quặng, được chia thành các nhóm nguyên liệu khoáng theo mức độ triển vọng như sau:

-          Triển vọng khá: VLXD, than, apatít, bauxít, titan, đất hiếm,…;

-          Triển vọng: vàng, chì – kẽm, thiếc, vonfram, sắt, đồng, antimon, fluorít, cát thuỷ tinh,…;

-          Triển vọng kém hơn: cao lanh, graphít, mangan, barít, niken, fenspat, điatomit, bentônít,…

Đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản nước ta là trữ lượng không lớn, phân bố rải rác, có điều kiện địa chất và địa chất thuỷ văn phức tạp. Phần lớn các mỏ đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về giao thông vận tải, xa bến cảng, xa nơi tiêu thụ, cơ sở vật chất hạ tầng thấp,…

Các khoáng sản được khai thác chủ yếu là than, quặng sắt, titan, đồng; đá cát sỏi làm vật liệu xây dựng; nguyên liệu hoá chất, công nghiệp như apatit, pyrit,… Số lượng mỏ đang được khai thác một số khoáng sản chủ yếu bao gồm: than (53), than bùn (21), sắt (22), thiếc (12), vàng (11), mangan (10), chì kẽm (8), titan (17), đá vật liệu xây dựng thông thường (433), đá xi măng (37), đá ốp lát (27), đá phụ gia xi măng (5), sét gạch ngói (88), cát, sỏi xây dựng (81), sét xi măng (13), đôlômít (8), cao lanh (14),…

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của cả nước, các hoạt động khoáng sản đã và đang góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước (xuất khẩu dầu thô; khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, các công trình cơ sở hạ tầng; công nghiệp cơ khí, luyện kim; chất đốt phục vụ sản xuất điện năng; phân hoá học, sinh học, hữu cơ tổng hợp phục vụ nông nghiệp v.v…). Ngành công nghiệp khai thác mỏ đã và đang càng ngày chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam (Bảng 1).

Bảng 1-  Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế các năm (tỷ đồng)

Lĩnh vực 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 395809,2 476350,0 620067,7 808958,3 991249,4 1203749,1 1469272,3
Công nghiệp mỏ 52238,6 61362,4 84040,1 103815,2 110949,0 123716,0 141635,8
Chiếm tỷ lệ, % 13,2 12,9 13,6 12,8 11,2 10,3 9,6

Nguồn: www.moit.gov.vn

Cùng với đóng góp trung bình 11,9% GDP hàng năm, hoạt động khai khoáng đã bảo đảm việc làm cho hàng trăm nghìn công nhân (năm 2006 là 180.155 người), đóng góp vào cải thiện nền kinh tế của nhiều vùng nhất là những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Quá trình khai thác mỏ phục vụ cho lợi ích của mình, con người đã trực tiếp làm thay đổi môi trường xung quanh, các hoạt động của khai thác than, quặng, phi quặng và vật liệu xây dựng như: xây dựng mỏ, khai thác, đổ thải, thoát nước,… đã phá vỡ cân bằng của điều kiện tự nhiên, gây ra sự ô nhiễm nặng nề đối với môi trường và ngày càng trở nên vấn đề cấp bách mang tính xã hội và chính trị của cộng đồng.

 
   

Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong  hoạt động khai khoáng, Nhà nước theo từng thời kỳ đã ban hành hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và có hiệu lực thị hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với một số nhóm chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) đối với từng dự án cụ thể theo phụ lục của nghị định 21/2008/NĐ-CP. Đây là cách tiếp cận rất mới về môi trường đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Ở đây, các vấn đề về môi trường được xem xét ngay từ khâu ban hành chính sách vĩ mô cho đến từng dự án đầu tư cụ thể. Để triển khai bảo đảm sự phát triển bền vững cho tương lai của ngành mỏ và giải quyết vấn đề môi trường của nó, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, chiến lược cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về: ĐTM tổng hợp cho nhiều dự án khai thác trong một vùng lãnh thổ; ĐTM tích lũy cho nhiều dự án khai thác mỏ được thực hiện theo các giai đoạn khác nhau; ĐMC đối với các quy hoạch, kế hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản cho vùng, lãnh thổ;

2. Những điểm nóng về môi trường trong hoạt động khai thác mỏ

Đối với các mỏ than: Vấn đề bức xúc nhất đối với các mỏ khai thác than về góc độ bảo vệ môi trường là đất đá thải. Với tốc độ tăng trưởng của sản lượng than trong thời gian qua trung bình hàng năm là 15% (năm 2005 là 34,9 triệu tấn, năm 2006 là 40 triệu tấn,…), theo đó, sản lượng đất đá thải hàng năm của các mỏ lộ thiên cũng không ngừng tăng lên (thí dụ, khối lượng đất bóc của TKV năm 2005 là 165 triệu m3, năm 2006 là 182,6 triệu m3,…). Chỉ riêng 5 mỏ lớn là Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Tu, Núi Béo đã có khối lượng đất đá thải từ 21 ¸ 30 triệu m3/năm. Ngoài ra còn có 15 mỏ lộ thiên vừa và nhỏ, công suất năm từ 100.000 tấn đến 700.000 tấn than nguyên khai và một số điểm khai thác lộ vỉa có sản lượng hàng năm dưới 100.000 tấn /năm với khối lượng đất đá thải từ  1 ¸ 5 triệu m3/năm. Tổng khối lượng đất đá thải của các mỏ than lộ thiên QN còn lại sau năm 2010 giới thiệu ở Bảng 2.

Bảng 2-  Tổng khối lượng đất đá đổ thải của các mỏ lộ thiên (đơn vị tính 106m3)

Khu vực Tổng số 2005-2010 1011-2015 2016-2020 Sau 2020
Tổng số 3.921,722 824,438 751,412 704,416 1.641,456
Cẩm Phả 2.901,779 544,153 552,612 556,049 1.248,965
Hòn Gai 428,697 198,030 136,0 88,817 5,850

Tại vùng Hòn Gai – Cẩm Phả, khai thác than tác động trực tiếp đến một vùng rộng khoảng 5750 ha. Trong đó các mỏ lộ thiên chiếm 1008 ha, các mỏ hầm lò chiếm khoảng 2300 ha, các công trình phụ trợ chiếm diện tích khoảng 1550 ha. Diện tích các bãi thải đất đá không ngừng tăng nhanh. Hiện tại nay tại diện tích bãi thải khu vực Cẩm Phả là gần 900 ha, khu Hòn Gai là 750ha. Nhiều bãi thải có chiều cao tầng thải tới 100 ¸200m như bãi thải mỏ Núi Béo, Đèo Nai và Cọc Sáu. Các bãi thải đã tạo nên những đồi cao như ở Cọc Sáu cao 280 m, Nam Đèo Nai- 200 m, Đông Cao Sơn- 250 m, Đông Bắc Bàng Nâu- 150 m, Núi Béo- 240 m v.v.

Tác động chủ yếu của đất đá thải là gây ra sạt lở đất và bồi lấp hạ nguồn. Về mùa mưa các bãi thải cao bị xói mòn mạnh do động năng của nước mưa chảy tràn trên các sườn dốc bãi thải, tạo thành các khe rãnh hoặc hố sâu rộng từ 2¸5m, đất đá và bùn thải bị cuốn trôi theo nước mưa và di chuyển xuống phía hạ lưu gây bồi lấp các dòng chảy, sông suối, đất đai canh tác,…Trong thời gian trước năm 1998, sự bồi lấp đất đá của các bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Cọc Sáu đã xoá sổ 200ha đất trồng rau hoa mầu, làng mạc, nhà cửa chạy dọc phía bắc đường 18 cũ từ thị xã Cẩm Phả ra tới Cọc Sáu.

Hiện tượng bồi lấp cũng xẩy ra trầm trọng đối với suối Lộ  Phong – Hà Tu, sông Diễn Vọng, suối khu Nam Đèo Nai, Cọc Sáu và sông Mông Dương. Chiều sâu của sông Mông Dương về phía hạ lưu chỉ còn 0,5 ¸ 0,6m. Dọc bờ biển khu vực Cọc Sáu hình thành các gò bồi lắng lớn có đường kính tới 60 ¸ 70m với tốc độ phát triển tới 20 ¸ 25m/năm. Đất đá thải bị xói mòn gây bồi lắng các cửa sông Diễn Vọng về phía eo Cửa Lục, làm ảnh hưởng đến hoạt động Cảng Cái Lân. Trước năm 1998, sông Diễn Vọng với chiều dài 20km, hàng năm cung cấp 360 triệu m3 nước cho thành phố Hạ Long nhưng đến nay trữ lượng nước của nguồn này còn không đáng kể, nên đã phải thay thế bằng nguồn nước khác lấy từ hồ Cao Vân thuộc huyện Hoành Bồ.

Theo kết quả đo đạc và tính toán trực tiếp cho thấy lượng đất trung bình bị xói mòn khỏi các bãi thải khoảng 2.960 tấn/ha/năm và tổng lượng đất đá đ­ược đẩy xuống chân các bãi thải theo xói mòn khe rãnh khoảng 259.012  tấn/năm, t­ương đư­ơng 22,22% tổng lượng xói mòn trên diện tích lưu vực vịnh Cửa Lục.

Đất đá thải cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về sự phát thải bụi từ các mỏ trong khu vực gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở khu dân cư đô thị vùng than. Đây đang là vấn đề nhức nhối, vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Trên các mỏ than thường có mặt với hàm lượng cao các nguyên tố Sc, Ti, Cr, Mn, Zn, Sr, Zr, Ba. Các khoáng vật sulphua có trong than cũng có chứa Zn, Cd, Hg, Mo, Se, Sb, Cu, As, Pb. Các nguyên tố này làm cho bụi mỏ trở nên độc hại khi hít thở dài ngày.

Ngoài ra, đất đá thải còn có tác động làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ cảnh quan khu vực. Thành phố Hạ Long với vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, cần được bảo vệ tồn và phát huy giá trị, tuy nhiên với các bãi thải cao vượt cả các dãy đồi tự nhiên, đã làm cảnh quan môi trường bị biến đổi theo hướng xấu đi, như các bãi thải dọc đường 337 (các đoạn phường Hà Khánh, Hà Trung 336); dọc theo đường 18A đoạn phường Hà Phong; các bãi thải nam Đèo Nai, nam Cọc Sáu, đoạn dọc đường 18A gần Cửa Ông…

Đối với các mỏ kim loại: Trừ một số mỏ sắt có sản lượng lớn như Thạch Khê, Quý Sa, Bảo Hà, đang ở giai đoạn đầu tư và xây dựng, các mỏ sắt còn lại tập trung tại khu vực Trại Cau – huyện Đồng Hỷ như mỏ Núi Quặng, Quang Trung, Chỏm Vung, Thác Lạc (đã được khai thác từ những năm 1958 đến nay) chưa quan tâm đúng mực trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều đáng đề cập là tại các mỏ khai thác với quy mô nhỏ, mang tính chất địa phương, việc đánh giá tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường hầu như không được chú ý tới.

Tình trạng môi trường đất tại các khu vực Châu Cường, Bản Poòng, Thung Lũng I, Khê Đổ, Châu Tiến,… (Quỳ Hợp- Nghệ An) cũng đã gây hậu quả làm thu hẹp diện tích đất canh tác, làm giảm chất lượng đất của nhân dân địa phương.

Tại các mỏ thiếc, quặng đuôi thường chứa arsenopyrit (1-2%), chalcopyrit (1%) và pyrit (10- 15%). Các khoáng vật sulfua này bị ôxy hoá tạo ra dòng thải axit mỏ và dung dịch giàu kim loại. Sự lan toả của As và sự ôxy hoá các kim loại độc hại như Cu, Cd từ các dòng rỉ từ dòng thải axit mỏ qua các đống thải cũng không hề được chú ý. Có nơi nước thải từ mỏ và xưởng tuyển được thải trực tiếp ra cánh đồng lúa với hàm lượng As gấp 30 lần nước bình thường.

Ở mỏ thiếc Quỳ Hợp, dòng thải của nhà máy được thải trực tiếp ra một con suối nhỏ gần đó. Hàm lượng As trong chất thải rắn rất cao (355 mg/kg) so với hàm lượng được coi là không ô nhiễm trên thế giới (5- 20mg/kg).

Các mỏ khai thác quặng thiếc đều là các mỏ đa kim chứa các kim loại như: Fe, Au, Ag, Cu, Ti, W, Mo , Zn, Pb, Ga, Ta, Nb, In … Khai thác thiếc ngoài những yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường như tạo bụi, tiếng ồn, đào bới, vùi lấp phá hoại cảnh quan, nó còn ảnh hưởng rất xấu đến môi trường nước, thảm thực động vật và sức khoẻ con người do trong quặng đa khoáng có chứa các nguyên tố rất độc hại như asen, chì, molipđen… và đặc biệt để phân kim vàng, một kim loại màu quý hiếm có hầu hết trong quặng đa kim chứa thiếc, tại các khu khai thác, người ta đã sử dụng phương pháp xianua, sản phẩm nước thải của phương pháp này ra môi trường có thuỷ ngân, là một chất vô cùng độc hại và nguy hiểm, đã gây ra các vụ ô nhiễm, nhiễm độc ở sông Cầu – Thái Nguyên, ở Bồng Miêu- Quảng Nam…

Tại Cromit Cổ Định, nguồn nước trong khu vực trước khi khai thác có 4 suối nhỏ, chảy từ núi Na Sơn đổ vào sông Lê, với tổng lưu lượng xấp xỉ 100 l/s; hệ thống các ao hồ nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích mặt nước khoảng 80 ha. Sau 40 năm khai thác, 4 suối đã biến mất, bên cạnh đó lại xuất hiện một số hồ lớn như Cổ Định, Hoà Yên, hồ bãi thải quặng đuôi, vì vậy tổng diện tích mặt nước đã tăng đến 200 ha. Khai thác quặng crômit Cổ Định đã làm tăng lượng nước mặt. Nước mặt vùng mỏ có tính axit, khoáng chất, cặn lắng, chất thải cứng và các hợp chất hữu cơ, dầu mỡ,… làm ô nhiễm nguồn nước, huỷ hoại thảm động thực vật và cây trồng. Trên các mỏ khai thác quặng crôm thường chứa nhiều kim loại độc hại đi kèm và có cả crizotilasbet.

Các mỏ vàng sa khoáng đều có nguồn gốc aluvi, aluvi – proluvi. Phương thức  khai thác chủ yếu là thủ công, tuyển trọng lực và sau đó cô lập vàng bằng thủy ngân. Các máy nghiền, tuyển quặng phần lớn sử dụng động cơ diezen tạo ra tiếng ồn và một lượng lớn khói dầu và khí CO. một ví dụ điển hình là tại mỏ G18 Phước Sơn Quảng Nam, được khai thác với quy mô lớn. 100% thiết bị máy móc sử dụng động cơ điezen. Bằng cảm quan ban đầu, tất cả các khu vực chế biến quặng và cây cối xung quanh đã bị phủ đen bởi khói dầu. Qua đo đạc trực tiếp tại chỗ, hàm lượng khí CO tại khu vực này đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 8 lần. Khói bụi và khí thải có khả năng gây nguy hiểm trực tiếp tới súc khỏe của công nhân. Ngoài khói bụi và khí thải, chất độc thủy ngân và cyanure vẫn được tất cả các mỏ sử dụng trong công đoạn phân kim vàng. Nước có chứa dung dịch cyanure hoặc thủy ngân được xả thẳng ra các dòng chảy tự nhiên vào các sông suối. Các điểm khai thác vàng miền Trung phần lớn nằm tại thượng nguồn các con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho toàn bộ khu dân cư đồng bằng thấp ven biển. Vì vậy , nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm độc cho con người và hệ động thực vật do hoạt động khai thác vàng tại miền Trung là rất cao và có khả năng ảnh hưởng trên diện rộng.

Dự án Tổ hợp bauxit – nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ là hai dự án lớn, bắt đầu triển khai hoạt động. Quá trình khai thác-chế biến bauxit cần sử dụng một khối lượng nước khá lớn trong khâu tuyển rửa quặng và tách chiết alumin. Với công suất 600.000 tấn alumin/năm của một tổ hợp khai thác-chế biến thì cần khoảng 14.106 m3/năm nước cho nhà máy tuyển khoáng và 3.106 m3/năm nước cho nhà máy chế biến alumin, trong đó nước sử dụng tuần hoàn là 30%, do vậy mỗi tổ hợp mỗi năm cần tới 12.106 m3 nước. Mặc dù phần lớn khoáng sàng bauxit Tây Nguyên phân bố trên triền Tây Nam Trường Sơn, thuộc lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, bao gồm nhiều suối và hồ lớn nhỏ, có lưu lượng lớn. Khu vực Tân Rai có suối Dagna với lưu lượng dòng chảy theo mùa tư 5-10 m3/s và 2 phụ lưu là suối Danos và suối Datala. Tuy nhiên, nếu tính đầy đủ cho toàn bộ Dự án (6 tổ hợp) thì nhu cầu tiêu thụ nước hàng năm lên tới (150-170).106 m3 nước, có nghĩa là khi xây dựng thêm 3 nhà máy nữa ở Đăk Nông thì dự trữ nước của khu vực này sẽ ở trạng thái báo động.

Bên cạnh đó, quá trình khai thác-chế biến bauxit sẽ phát thải vào môi trường một khối lượng lớn bùn thải quặng đuôi sau tuyển, bùn đỏ và bùn oxalat từ khâu rửa bã cuối cùng của dây chuyền công nghệ. Nếu Dự án đi vào hoạt động và đạt sản lượng alumin theo bản Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 7,2÷8,3 tr.t/năm (năm 2015) thì khối lượng chất thải năm cao nhất của dự án (bao gồm của tất cả các mỏ và 6 nhà máy) vào khoảng [2]:

- Khối lượng bùn thải quặng đuôi sau tuyển: 20 ÷ 23 tr.tấn/năm (quy khô).

- Khối lượng bùn đỏ: 9,92 ÷ 11,44 tr.tấn/năm.

- Khối lượng bùn oxalat: 0,346 ÷ 0,398 tr.tấn/năm.

Thành phần chủ yếu của bùn thải quặng đuôi bao gồm oxyt nhôm, oxyt sắt, oxyt silic, .. và bùn sét. Thành phần chủ yếu của bùn đỏ bao gồm hematit (Fe2O3), natrisilico aluminat, canxi titanat, nhôm ngậm nước (Al2O3.3H2O). Thành phần chủ yếu của bùn oxalate bao gồm Al2O3 -13,3%, CaO -31,3% và Na2C2O4-10,6%, còn lại 45% là các tạp chất khác.

Khối lượng bùn thải quặng đuôi tuy lớn nhưng không độc hại và được lưu giữ trong các hồ lắng gần xưởng tuyển. Về bùn đỏ và bùn oxalate, theo sơ đồ công nghệ, chúng được khống chế trong các hồ lắng gần nhà máy chế biến alumin, đáy hồ lắng được gia cố bằng các vật liệu chống thấm (đất sét, vải địa kỹ thuật và vải nhựa PVC hoặc HDPE) để ngăn không cho nước mang theo các chất độc hại có trong bùn đỏ và bùn oxalate thẩm thấu ra ngoài làm ô nhiễm môi trưòng đất và nước ngầm khu vực. Theo tài liệu địa chất công trình thì phần lớn bề mặt địa hình Tây Nguyên nói chung và Đăk Nông nói riêng, dưới lớp đất trồng (dày 0,5÷0,6 m) là một lớp sét và á sét khá dày, có nơi tới 6÷28m, có hệ số thấm rất nhỏ, chỉ K = 10-4 ÷10-8 cm/s,  dưới lớp sét là một lớp các đá sét kết, bột kết và cát kết có chiều dày 15÷40m. Mặt khác, khi đưa vào vận hành, thành phần của bùn lắng trong hồ chứa nhiều vật liệu mịn, các hạt mịn này có tác dụng làm giảm nhanh hệ số thấm của đất đá lòng hồ, do vậy có thể nói việc các chất thải độc hại trong bùn thải theo nước thẩm thấu ra ngoài hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần lưu ý là phải có những giải pháp hữu hiệu đề phòng sự cố nước mưa chảy tràn như xây dựng hệ thống mương rãnh ngăn nước quanh hồ chứa, hồ chứa phải có dung lượng dự phòng đủ cho vũ lượng tại chỗ của trận mưa lớn nhất, sử dụng hồ chứa dự trữ đề phòng khi mưa lớn, … Mưa ở vùng Tây Nguyên thường tập trung theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 10. Lượng nước mưa trung bình hàng năm là 2339 mm, tháng 8 có vũ lượng lớn nhất- khoảng 500÷550 mm. Mưa lớn có thể gây lũ lớn, lũ quét, làm cho bùn thải từ hồ chứa tràn ra ngoài, mang theo các chất thải độc hại.

Dự án Sắt Thạch Khê đang thời kỳ xây dựng mỏ, năm 2011 sẽ đưa vào sản xuất. Những tiềm ẩn về sự cố môi trường đã được các nhà khoa học cảnh báo. Khó khăn lớn nhất là vấn đề tháo khô và thoát nước mỏ. Theo tính toán của các chuyên gia địa chất thuỷ văn thì mỗi ngày có tới 3.171.804 m3 nước chảy vào mỏ (bao gồm 1.759.555 m3 nước mặt và 1.412.249 m3 nước ngầm), gấp khoảng 120 lần so với lượng nước đổ vào mỏ than Cọc Sáu (mỏ có khối lượng thoát nước lớn nhất của TKV hiện nay) hàng năm. Sự cố môi trường có thể xảy ra trong trường hợp này là mưa lớn và kéo dài nhiều ngày, trạm bơm đáy mỏ và các giếng khoan hút nước không hoạt động được hoặc họat động không có hiệu quả làm ngập lụt đáy mỏ. Sự cố mất điện lưới cũng có thể xẩy tình trạng tương tự. Sự ngập lụt đáy mỏ sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại – phá huỷ toàn bộ thiết bị, máy móc và công trình khai thác mà việc phục hồi lại là rất khó khăn và tốn kém. Sự xuất hiện của các mối liên kết thuỷ lực giữa các tầng nước ngầm với các bồn chứa nước, các vùng đất đá tơi vụn ngậm nước, các hang động cacstơ,…làm tiềm ẩn các nguy cơ bục nước, có thể gây ngập lụt cục bộ hoặc toàn diện dẫn đến các thiệt hại về người và của, đặc biệt cần hết sức đề phòng sự bục nước do có mối liên kết thuỷ lực giữa các đối tượng trên với biển, nếu để sự cố đó xẩy ra thì bất khả kháng, vì không thể có sức mạnh nào khuất phục được dòng cao áp hàng trăm atmôsphe của nước biển ở độ sâu 200 ÷ 300 m trên lỗ bục lúc đó.

Sự cộng hưởng của 3 yếu tố là nước ngầm, nước biển và lớp đất đá phủ đệ tứ mềm yếu (chủ yếu là cát, cuội sỏi, sét pha cát, cao lanh) dày 26 ¸ 227 m phía trên sẽ tạo cơ hội trương nở, trôi rũa đất đá bờ mỏ, thẩm thấu mạnh nước ngầm, nước biển, dẫn đến sạt lở cục bộ, sạt lở khu vực, thậm chí sạt lở cả đoạn bờ mỏ, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến đoạn bờ mỏ phía đầu đông bắc khai trường, nơi chỉ cách mép nước biển có 500 m.

Một sự cố khác cũng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc để có biện pháp phòng tránh, đó là hiện tượng nước biển dâng cao do bão. Năm 1990, những cơn sóng cao hàng 3 ¸ 5 m đã đổ bộ vào vùng này, tàn phá một số làng mạc ven biển, làm thiệt hại nhiều người và của. Dự án sắt Thạch Khê sẽ tồn tại không dưới 50 năm, trong khi chúng ta chưa có một nghiên cứu nào về tần suất xuất hiện của hiện tượng này.

Trong điều kiện địa chất, địa chất thuỷ văn phức tạp, đất đá mềm yếu, thời tiết khí hậu xấu, bờ mỏ cao và có thời gian xuất lộ lâu thì việc giữ ổn định bờ mỏ cũng là một thách thức. Kinh nghiệm thực tế trên nhiều mỏ lộ thiên trong nước cho thấy, ổn định bờ mỏ là một vấn đề phức tạp, khó giải quyết. Bởi vậy sự cố trượt lở bờ mỏ Thạch Khê không phải là không đủ điều kiện cấu thành khi đưa mỏ vào hoạt động, đặc biệt ở 26 ¸ 227 m lớp đất yếu trên cùng của bờ.

Trong quá trình khai thác, một số tầng phía trên (khoảng 7 ¸ 8 tầng) của mỏ Thạch Khê có nền tầng rất yếu, chủ yếu là cát, sét pha cát và các đá phong hoá khác. Người ta đã dự kiến phương án gia cố nền tầng bằng cách rải một lớp đá dăm dày 1 m trên bề mặt để cho thiết bị xúc bóc và vận chuyển hoạt động dễ dàng. Tuy nhiên khả năng trôi trượt, sạt lở nền tầng ở đây không phải là không thể xẩy ra, nhất là khi sử dụng các loại thiết bị cỡ lớn. Việc sạt lở nền tầng không chỉ gây ách tắc giao thông, phá vỡ kế hoạch sản xuất, tốn kém chi phí để khắc phục mà còn có thể làm vùi lấp phương tiện thiết bị và người ở các tầng phía dưới.

Trong khoáng sàng sắt Thạch Khê có chứa xen kẽ những ổ quặng sunphua (pyrit), khối lượng này (hơn 12 triệu tấn) sẽ được tập trung vào bãi cất giữ để sau này sử dụng. Sự có mặt của suphua trong khu mỏ sẽ làm xuất hiện nguy cơ hình thành dòng thải axít do quá trình thẩm thấu nước mưa, nước mặt và nước ngầm qua thân quặng, bãi thải, kho chứa,…đe doạ đến tính đa dạng sinh học trên cạn, dưới nước (biển) của khu vực.

Một vấn đề môi trường quan trọng nữa cũng cần được đề cập tới khi dự án đưa vào hoạt động. Trong khoáng sàng sắt Thạch Khê tồn tại 4 tầng nước ngầm có mối liên hệ thuỷ lực với nước mặt thông qua lớp phủ neogen và đệ tứ tơi xốp với hệ số thấm cao. Do vậy, trong quá trình bơm thoát nước ngầm của mỏ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên nước mặt. Chỉ tính riêng tổng lượng nước ngầm bơm từ các lỗ khoan hạ thấp mực nước ở phía tây của khai trường (phía có ảnh hưởng trực tiếp tới việc cấp nước cho nông nghiệp và khu dân cư trong vùng) vào mương thoát nước là 6.610 m3/giờ. Điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho canh tác của bà con nông dân (?).

Tóm lại, đối với các mỏ lớn Bauxit Tây Nguyên và Sắt Thạch Khê thì vấn đề cơ bản là các tai biến môi trường có nguồn gốc từ nước, đối với các mỏ khai thác kim loại khác còn lại là tổn thất và lãng phí tài nguyên; tàn phá và làm suy giảm môi trường đất; làm ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là các mỏ có chứa các nguyên tố Cu, Zn, Pb, S,… Các hoạt động khai thác kim loại thường sinh ra bụi, nước thải với khối lượng lớn, gây ô nhiễm không khí và nước. Một vấn đề khác của ô nhiễm bụi là bụi từ các quá trình tuyển quặng (ví dụ như tuyển tinh quặng ilmenit, rutil và zircon từ cát biển). Nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy tuyển này đã mắc bệnh đường hô hấp do chỉ sử dụng các tư trang bảo hộ đơn giản trong khi môi trường làm việc rất bụi, đó là chưa kể đến nguy cơ về tia phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, hoạt động khai thác mỏ kim loại cũng huỷ hoại môi trường nước do bồi tụ đất đá thải. Các chất rắn lơ lửng không những làm ô nhiễm chất lượng nước mặt tại khu vực mỏ mà còn chứa nhiều kim loại nặng độc hại, thuỷ ngân và các hoá chất độc hại khác gây ảnh hưởng các vùng lần cận  và hạ du các con sông. Hiện nay, tại các mỏ khai thác quặng sulfua, nguy cơ tạo ra các dòng thải axit mỏ là không tránh khỏi nếu không có giải pháp xử lý triệt để.

Đối với các mỏ vật liệu xây dựng:

Đặc điểm ô nhiễm lớn nhất khi khai thác các khoáng sàng đá vật liệu xây dựng là làm thay đổi cảnh quan khu vực, đặc biệt là ở những vùng miền nhạy cảm với dịch vụ du lịch như Quảng Ninh, Ninh Bình, dọc sông Đồng Nai thuộc 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gây ảnh hưởng đến môi trường như: làm đục dòng nước, gây tiếng ồn, cản trở mất an toàn đôí với giao thông đường thuỷ, đặc biệt nếu khai thác gần bờ hoặc quá độ sâu vượt giới hạn cho phép sẽ làm thay đổi địa hình đáy sông, mất cân bằng trắc diện lòng sông, gây biến đổi dòng chảy và gây sạt lở bờ sông, nhất là bờ sông ở khu vực miền nam đều được cấu tạo bởi trầm tích bở rời: bột- sét- cát (đất yếu) dễ bị sạt lở.

3. Kết luận và kiến nghị

Bên cạnh những tác động tích cực như hàng năm đóng góp vào GDP gần hàng chục ngàn tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như trình độ dân trí cho một số cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa,… góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thì các tác động xấu của khai thác mỏ tới môi trường cũng rất đáng kể: chiếm dụng nhiều đất đai canh tác và trồng trọt dẫn đến thu hẹp thảm thực vật và làm thay đổi vi khí hậu; làm nhiễm bẩn đất, nước ngầm, nước mặt của khu vực; xả bụi và khí độc hại vào không khí; gây tổn thất tới tính đa dạng sinh học của hệ động thực vật; gây ra sự dịch động và biến dạng đất đá; làm xấu cảnh quan khu vực;…

Tóm lại, khai thác mỏ ở nước ta có quy mô nhỏ và trung bình so với một số mỏ lớn hoặc cực lớn ở một số nước trên thế giới. Tuy thế, không có nghĩa là những tác động đến môi trường đi kèm các hoạt động khai thác khoáng sản là không đáng kể. Ngược lại, do không có sự quan tâm đến môi trường một cách đúng mức từ lâu nay của nhiều đơn vị tham gia khai thác khoáng sản, các tác động do khai thác gây ra là khá trầm trọng. Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề môi trường tồn đọng do các hoạt động khai thác nhỏ và vừa để lại.

Các hoạt động khai thác khoáng sản sinh ra nhiều loại tác động xấu đến môi trường xung quanh nhưng có thể tóm tắt các tác động chính do ngành mỏ của nước ta sinh ra là: (i) Sử dụng chưa có hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; (ii) Tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; (iii) Tích tụ hoặc phát tán chất thải rắn làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ; làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất; (iv) Ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học; (v) Ảnh hưởng đến sức khoẻ và an toàn của cộng đồng.

Để hạn chế tối đa các tác động xấu của hoạt động khai thác mỏ tới môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên lòng đất, ngành mỏ cần thực hiện tốt hơn nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm cho các tư tưởng của các luật nêu trên đi vào thực tiễn cuộc sống, muốn thế cần triển khai đồng bộ các nhiệm  vụ sau đây:

* Nâng cao nhận thức, tuyên truyền và giáo dục về bảo vệ môi trường sâu rộng trong các doanh nghiệp khai thác mỏ.

* Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, động viên các tổ chức quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường kể cả phổ biến và tham vấn cộng đồng, đặc biệt đối với các vùng mỏ.

* Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho bảo vệ môi trường cho ngành khai khoáng; Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong lĩnh vực khai thác mỏ, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt là đấ đá thải; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường mỏ; Tăng cường năng lực công tác ĐMC, ĐTM của Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động khai thác khoáng sản (có thể đưa vào nội dung ĐMC, ĐTM).

* Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục trong các nhà trường , đặc biệt ở bậc đại học của các ngành có liên quan đến hoạt động khoáng sản, như một chuyên ngành về bảo vệ môi trường mỏ./.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim