Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 2
Truy cập: 4.353.209

Cộng đồng Việt – Lào chung sức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Thứ Ba, 18 Tháng Chín 2012 11:44 SA

GS.TSKH Đặng Huy Hùng; TS.Nguyễn Ngọc Sinh; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam TCMT 08/2012

 
Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu như nước Hông Hà Cửu Long
 
Đó là hai câu thơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát về tình hữu nghị giữa Việt Nam - Lào. Lịch sử đã gắn kết 2 đất nước, 2 dân tộc Việt - Lào cùng chung một chiến hào, một dòng sông "Mẹ" vĩ đại, đó là dòng sông Mê Kông hiền hòa xanh thắm, cùng dựa vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Núi tiếp núi, rừng nối rừng, sông liền sông với đa dạng sinh học (ĐDSH) hàng đầu thế giới.
Việt Nam và Lào đều lựa chọn con đường phát triển bền vững (PTBV). Cả 2 nước nhận thức rõ mối quan hệ giữa môi trường và phát triển. Trong Chiến lược BVMT quốc gia của Việt Nam nêu rõ: "Môi trường quốc gia liên quan đến môi trường khu vực và toàn cầu, vì vậy sự nghiệp BVMT của Việt Nam liên quan đến sự nghiệp BVMT trong khu vực và trên toàn thế giới... Cần ưu tiên mở rộng quan hệ quốc tế về BVMT trong phạm vi khu vực dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương. Đặc biệt, chú ý mở rộng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực BVMT với các nước láng giềng".
Theo số liệu thống kê tính đến hết quý 1/2012, đã có tổng cộng 212 dự án của Việt Nam được đầu tư vào Lào. Với tổng vốn đạt 3,45 tỷ USD, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Lào. Trong đó, hơn 1/2 số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào liên quan đến năng lượng, nông lâm nghiệp và khai khoáng là những lĩnh vực thuộc phạm trù môi trường. Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào luôn phải có ý thức trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật của cả Lào và Việt Nam về BVMT và PTBV, cũng như các công ước quốc tế liên quan mà hai nước đã ký kết. Những vấn đề môi trường của hai nước là những vấn đề chung mà các nhà đầu tư phải nắm bắt tương tự như những vấn đề kinh tế trong quá trình hoạt động của mình.
1. Những vấn nạn môi trường nghiêm trọng nhất mà Việt Nam và Lào đang cùng gánh chịu
Hiện nay, Việt Nam và Lào đang cùng phải gánh chịu những vấn nạn liên quan đến môi trường như rừng, đa dạng sinh học, khoáng sản, nguồn nước..., trong đó 3 vấn nạn nghiêm trọng nhất là:
Buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã xuyên biên giới
Đã có rất nhiều số liệu nói về nạn buôn bán vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và đặc biệt là động vật hoang dã qua biên giới Việt - Lào và các biên giới khác trong khu vực. Có số liệu ước tính cho rằng, riêng thị trường buôn bán động vật hoang dã đã lên tới 5 - 20 tỷ USD/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, riêng tại cửa khẩu Việt - Lào ở Đắc Lắc đã bắt giữ 142 vụ vận chuyển trái phép với 1700 m3 gỗ. Theo cơ quan cảnh sát quốc tế, số vụ việc được phát hiện chỉ chiếm không quá 10% tổng số (phần nổi của tảng băng chìm), cho thấy thế giới động thực vật hoang dã quanh ta đang bị tàn sát nghiêm trọng. Nhiều dự báo khoa học cho rằng, nếu không ngăn chặn được vấn nạn này, 42% các loài động thực vật hoang dã ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Lào, sẽ biến mất trong thế kỷ này, ít nhất cũng là 13%
Tham vọng khai thác thủy năng sông Mê Kông
Mê Kông là dòng sông "Mẹ" của cả Lào, Việt Nam và nhiều nước khác. Mê Kông có tiềm năng to lớn về thủy năng, thủy sản, giao thông... Theo Báo cáo của ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, sự gia tăng việc sử dụng nước trong lưu vực sông Mê Kông ngày càng đáng lo ngại. Cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện ở Vân Nam, thì Lào đã chính thức thông báo Kế hoạch xây dựng công trình thủy điện dòng chính Xayaburi, công trình đầu tiên trong chuỗi 11 công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Bên cạnh đó, Thái Lan và Campuchia cũng đang chuẩn bị xây dựng các công trình thủy điện trên địa giới hành chính của đất nước mình. Nếu tất cả các đập này được xây dựng sẽ dẫn tới một thảm họa an ninh sinh thái và an ninh con người. Đồng bằng sông Mê Kông là nơi cư trú của khoảng 20 triệu người và có hồ lớn là Tonle Sap, một trong những nguồn cung cấp thủy sản chính cho Campuchia. Nhìn từ khía cạnh nông nghiệp, việc cây dựng đập thủy điện sẽ tác động đến lượng chất màu tự nhiên theo dòng sông chảy xuống cũng như ảnh hưởng đến nguồn cá ở hồ Tonle Sap. Nguồn thủy sản của sông Mê Kông có thể sẽ bị tiêu diệt.
Mặt khác, việc xây dựng các đập thủy điện này sẽ lẫn đến nạn đói và mất mát về sinh kế của con người, hầu hết, người dân ở lưu vực sông Mê Kông dựa vào thủy sản làm nguồn cung cấp protein chính. Nguồn cá còn là một nguồn thu nhập bổ sung cho dân địa phương. Khi bị mất đi, nguồn lợi này rất khó thay thế và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng đói kém.
Báo động tuyệt chủng loài Sao la
Sao la là loài thú mới phát triển chỉ có ở Việt Nam và Lào. Đây là niềm tự hào của đa dạng sinh học dãy trường Sơn, biểu tượng độc đáo của công tác bảo tồn của Việt Nam và Lào.
Theo ước tính của các nhà khoa học, sau 20 năm kể từ khi được phát hiện năm 1992, số lượng cá thể sao la đã giảm từ 500 xuống còn 200, nghĩa là trung bình mỗi năm thế giới mất 15 cá thể trên tổng số. Sách đỏ Việt Nam 2007 đã nâng cấp sao la từ bậc Nguy cấp (EN) lên bậc Rất nguy cấp (CR). Đối với loài động vật này, số lượng 200 là số lượng bên bờ vực tuyệt chủng.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá, nguy cơ tuyệt chủng của sao la ở Trường Sơn tương tự như tê giác ở Đông Nam Á. Tê giác một sừng ở Việt Nam đã được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tuyên bố tuyệt chủng. Các đe dọa chính đối với các quần thể sao la ở Việt Nam và Lào là việc bẫy bắt và săn bắn động vật rừng hiện vẫn diễn ra phổ biến; Nạn buôn bán động vật hoang dã ngày càng gia tăng; Sinh cảnh bị suy thoái, phân mảnh và mất liên kết. Nguyên nhân sâu xa của những đe dọa trên là do công tác quản lý yếu kém, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn còn thấp và đời sống khó khăn của người dân ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa.
2. Chung sức BVMT hướng đến PTBV
Sự nghiệp BVMT và PTBV đất nước luôn đòi hỏi nỗ lực không ngừng của cả thế giới, mỗi quốc gia, từng địa phương, từng ngành và mỗi cá nhân. Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio+20 vừa qua tái khẳng định, PTBV là con đường duy nhất. Do vậy, BVMT, bảo vệ rừng và ĐDSH vùng hạ lưu sông Mê Kông sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phì nhiêu của hệ sinh thái nông - lâm nghiệp toàn phần ở duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long cũng như các cánh đồng lúa, vựa lúa lớn của Lào ở Champasak, Xavanakhét, Bolikhamsay, Sebanghai, Vientiam và các hệ sinh thái cây công nghiệp ở cao nguyên Boloven (Nam Lào), Nakai (Trung Lào) và cao nguyên Mường Phồn (Bắc Lào). Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đề xuất 3 giải pháp khả thi và có ý nghĩa vô cùng quan trọng để cộng đồng Việt - Lào cùng đóng góp, đó là:
Phối hợp tổ chức thường niên Hội thảo Khoa học Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Son
Dãy Trường Sơn và dòng sông Mê Kông là của chung hai nước Việt - Lào. Trường Sơn, Mê Kông có ĐDSH cao và phong phú của thế giới. Từ năm 2008 đến nay, VACNE đã tổ chức 4 hội thảo khoa học Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn với sự tham gia của các đại diện Lào, Campuchia và các tổ chức quốc tế. Sự kiện này cần được duy trì và thực hiện hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng hai nước về BVMT nói chung và bảo vệ sao la và các loài đặc hữu khác nói riêng. Dự kiến, VACNE sẽ chọn chủ đề bảo tồn hệ sinh thái rừng Khập, một hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam và Lào để tổ chức hội thảo lần thứ 5 và thảo luận việc xây dựng các khu bảo tồn và vườn quốc gia xuyên biên giới Việt - Lào.
Cùng tham giam giám sát, kiểm soát việc buôn bán vận chuyển động thực vật hoang dã xuyên biên giới

Cộng đồng Việt - Lào hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của chính quyền hai nước trong việc ngăn chặn, quản lý và kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã xuyên biên giới. Đặc biệt, mô hình vừa ký kết của Quảng Trị và Xavanakhét với 206 km đường biên giới chung đã nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao trong cộng đồng.
Tổ chức nghiên cứu vấn đề an ninh môi trường trong bối cảnh khai thác lưu vực Mê Kông
Các nước trong khu vực hạ lưu Mê Kông đều có nhu cầu chính đáng khai thác thế mạnh dòng sông, phục vụ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay và để phát triển bền vững, nhu cầu chính đáng của mỗi quốc gia trong lưu vực đều cần đặt trong bối cảnh chung của các quốc gia khác. Việc chia sẻ trách nhiệm bảo vệ và quyền lợi được hưởng trong lưu vực sông là vấn đề không đơn giản, nếu giải quyết không thỏa đáng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài. Cộng đồng Việt - Lào cùng nhau phối hợp, vận động và kêu gọi sự đầu tư cho việc nghiên cứu một trong những vấn đề quan trọng là an ninh môi trường trong bối cảnh tăng cường khai thác lưu vực sông Mê Kông. Nếu được hỗ trợ và tạo điều kiện, cộng đồng hai nước có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Tiếng nói khoa học, độc lập của cộng đồng hai nước là cơ sở quan trọng để các nhà chức trách nghiên cứu giải quyết vấn nạn về tham vọng khai thác thủy năng sông Mê Kông.
Nhân dịp năm 2012 là năm đoàn kết hữu nghị và kỷ niệm 50 năm quan hệ truyền thống, thủy chung, trong sáng giữa 2 dân tộc Việt - Lào. Cộng đồng hai nước sẽ cùng nhau chung sức để giải quyết các vấn đề về bảo vệ rừng, bảo vệ các dòng sông, bảo tồn ĐDSH... để thực hiện mục tiêu PTBV mà Đảng và Chính phủ hai nước Việt - Lào đã đề ra.

 

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim