Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 4
Truy cập: 4.359.979

Một số vấn đề môi trường chiến lược của Quy hoạch khai thác và chế biến quặng bôxit ...

Thứ Tư, 23 Tháng Mười 2013 4:11 CH

Một số vấn đề môi trường chiến lược của Quy hoạch khai thác và chế biến quặng bôxit Miền Nam giai đoạn đến năm 2030

                                                            TS. Nguyễn Thúy Lan

                                                              Trung tâm Môi trường Công nghiệp

                                                            Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim

Mở đầu

Nước ta có tiềm năng lớn về quặng bôxit trong khu vực và trên thế giới. Quặng bôxit nước ta phân bố cả ở miền Bắc và miền Nam trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên và Bình Phước. Để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã xác định ngành công nghiệp bôxit là một trong những hạng mục công nghiệp ưu tiên và đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxit giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025 và sau đó là chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch này song song với việc lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của Luật BVMT sửa đổi năm 2005.

Khái niệm đánh giá môi trường chiến lược mới được đưa vào nước ta kể từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2005. Theo đó, đánh giá môi trường chiến lược được định nghĩa là “việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững”. Mục đích chính của việc đánh giá này nhằm lồng ghép các vấn đề về tác động môi trường vào quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng thời hỗ trợ cho việc ra quyết định được minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan. Các vấn đề môi trường chiến lược của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được xác định thông qua quá trình tham vấn với các bên liên quan.

Ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng bôxit, cũng giống như bất kỳ hoạt động phát triển công nghiệp nào, đều có thể gây ra các tác động tới môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong quy hoạch khai thác và chế biến quặng bôxit miền Nam giai đoạn đến 2030, một số vấn đề môi trường chiến lược sau đây đã được xem xét và đánh giá: (i) Tài nguyên nước và chế độ thủy văn; (ii) Chất thải và nguy cơ gây rủi ro môi trường; (iii) Sử dụng đất, cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái rừng; và (iv) Chất lượng môi trường đất và nước.

1. Tài nguyên nước và chế độ thủy văn

Tuyển quặng bôxit là một quá trình có nhiều tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên nước trong khu vực. Công nghệ tuyển áp dụng đối với quặng bôxit khu vực miền Nam đều áp dụng công nghệ tuyển rửa. Lượng nước sử dụng trong quá trình tuyển rửa dao động trong khoảng từ 14 m3/tấn quặng tinh (vùng Bình Phước) đến 27 m3/tấn quặng tinh (vùng Konplong-Kon Hà Nừng). Tuy nhiên, do có thể tái sử dụng tới trên 60% nên lượng nước mới bổ sung cho công nghệ tuyển rửa chỉ chiếm khoảng 40%. Theo đó, dự báo nhu cầu nước cho tuyển quặng bôxit cho các vùng dự án giai đoạn đến 2020-2030 như sau: vùng Bảo Lộc-Di Linh: 15-42 triệu m3/năm; vùng Đắk Nông: 11-90 triệu m3/năm; vùng Konplong-Kon Hà Nừng: 16-32 triệu m3/năm; và vùng Bình Phước: 21-42 triệu m3/năm.

Trong sản xuất alumin và hydroxyt nhôm, lượng nước tiêu hao cũng tương đối lớn, khoảng 4-6 m3/tấn sản phẩm. Tuy nhiên, với khả năng có thể tuần hoàn khoảng 60% thì trên thực tế lượng nước cần cấp mới cho công đoạn sản xuất alumin và hydroxyt nhôm không quá lớn. Đối trường hợp quy hoạch các tổ hợp nhà máy alumin tại khu vực ven biển, khi vận chuyển quặng tinh xuống sẽ đem theo một lượng nước nhất định cung cấp cho tổ hợp nhà máy. Theo chỉ tiêu công nghệ vận tải quặng bôxit bằng đường ống (1,63 m3 nước/tấn quặng tinh) và thu hồi được khoảng 80% tại nhà máy alumin thì dự báo lượng nước sử dụng cho sản xuất alumin và hydroxyt nhôm tại các vùng dự án giai đoạn đến 2020-2030 như sau: vùng Bảo Lộc-Di Linh 2,5-4,4 triệu m3/năm; vùng Đăk Nông: 1,6-8,6 triệu m3/năm; vùng Konplong-Kon Hà Nừng: 1,2-2,4 triệu m3/năm; vùng Bình Phước: 3-6 triệu m3/năm; và vùng Bình Thuận: 0,7-1,4 triệu m3/năm. Tại vùng Bình Thuận, mặc dù quy hoạch có 2 nhà máy sản xuất alumin công suất lớn nhưng lượng nước cần sử dụng trong sản xuất alumin lại rất thấp, do lượng nước thu hồi được khá lớn từ quá trình vận chuyển tinh quặng bằng đường ống từ nhà máy tuyển trên cao nguyên. Với yêu cầu về khối lượng nước như trên đối với các nhà máy alumin và hydroxyt nhôm thì các khu vực này có thể đáp ứng được nhu cầu về nước [1].

Các vùng khai thác và chế biến quặng bôxit miền Nam là khu vực khởi nguồn của các hệ thống sông chính là các hệ thống sông Đồng Nai, hệ thống sông Ba và hệ thống sông Sêsan-Sêreprok chảy xuống đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và sang Cambodia, Lào. Do đó các hoạt động khai thác và chế biến quặng bôxit ở các khu vực này có thể sẽ ảnh hưởng tới chế độ thủy văn của các con sông suối trong khu vực dự án và khu vực hạ nguồn các hệ thống sông nói trên. Một ví dụ điển hình ở vùng Đăk Nông có 2 hệ thống sông chảy qua là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông SeSan-Sereprok. Đối với hệ thống sông Đồng Nai, mặc dù không có dòng chảy chính đi qua địa phận tỉnh Đăk Nông nhưng có nhiều sông suối nhánh thuộc thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Do vậy mà tài nguyên nước các hệ thống sông có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Mỗi năm ở khu vực Tây Nguyên lớp phủ thổ nhưỡng bị xói mòn và theo hệ thống sông suối ra biển hàng trăm triệu tấn. Việc phá rừng làm nương rẫy, sử dụng đất bất hợp lý ở khu vực này đã làm thảm phủ thực vật che phủ bề mặt giảm đi nhanh chóng, làm cho đất canh tác bị xói mòn, rửa trôi với tốc độ đáng báo động. Hơn nữa khu vực này có lượng mưa lớn (trung bình 2200-2800 mm/năm) nhưng lại phân bố trong vài tháng mùa mưa nên cường độ mỗi trận mưa rất lớn làm tăng nguy cơ xói mòn đất. Quá trình khai thác quặng bôxit sẽ làm gia tăng tốc độ xói mòn đất vốn đang diễn ra mạnh trong khu vực này, dẫn tới việc gia tăng bồi tích dòng chảy và thay đổi chế độ thủy văn các con sông suối ở hạ nguồn, làm cho hệ thống thủy lợi xuống cấp v.v gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái sông suối trong khu vực.

2. Chất thải và nguy cơ gây rủi ro môi trường

Do quá trình khai thác quặng bôxit áp dụng công nghệ khai thác lộ thiên nên chất thải chính sinh ra ở công đoạn này bao gồm đất bóc và đất đá thải. Tùy từng mỏ, khu vực và tùy theo tỷ lệ quặng nguyên khai:quặng tinh mà khối lượng và thành phần của đất đá thải khác nhau. Tỷ lệ này tại vùng Đăk Nông và vùng Bảo Lộc - Di Linh là 2,5:1; vùng Bình Phước là 2:1 còn ở vùng Konplong - Kon Hà Nừng là 2,74:1. Dự báo khối lượng đất bóc:đất đá thải trung bình hàng năm cho từng vùng dự án giai đoạn tới 2020-2030 như sau: vùng Bảo Lộc-Di Linh: 4-11 triệu tấn/năm; vùng Đăk Nông: 3-26 triệu tấn/năm; vùng Konplong-Kon Hà Nừng: 4-8 triệu tấn/năm; và vùng Bình Phước: 14-28 triệu tấn/năm. Như vậy tới năm 2030, vùng Bình Phước và vùng Đăk Nông sẽ có lượng đất bóc, đất đá thải lớn nhất. Theo quy hoạch, dự kiến các bãi đất đá thải này sẽ được sử dụng để san gạt địa hình cho các khu vực đã khai thác xong do vậy sẽ không tồn tại lâu và khả năng gây sự cố môi trường cũng sẽ được hạn chế. Tuy nhiên nếu không thực hiện công tác hoàn thổ ngay sau khi khai thác, trong mùa mưa lũ có thể dẫn tới hiện tượng trượt lở bãi thải đất đá tạm thời này, gây xói mòn bãi thải và vận chuyển đất vào hệ thống sông suối hạ nguồn khu vực. Đặc biệt khả năng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các trận mưa bão, lũ, giông, lốc.. làm gia tăng khả năng gây sự cố môi trường từ các bãi thải.

Quặng đuôi là chất thải hình thành từ quá trình tuyển rửa quặng bôxit. Quặng đuôi này có màu đỏ giống bùn đỏ, không chứa các loại hóa chất/thuốc tuyển, không có khả năng biến đổi về mặt hóa học nên sau khi được lắng trong trong hồ thải có thể thải ra ngoài môi trường. Dự báo giai đoạn đến năm 2030, khối lượng quặng đuôi (tính theo trọng lượng khô) thải ra ở các vùng: Bảo Lộc-Di Linh, Đăk Nông, Konplong-Kon Hà Nừng và Bình Phước lần lượt là: 9; 20; 5 và 7,5 triệu tấn/năm. Nồng độ các chất rắn trong quặng đuôi khi thải ra hồ thải chỉ đạt khoảng 25-35% nên tổng khối lượng quặng đuôi thải ra ở dạng bùn loãng sẽ rất lớn. Như vậy cần có các hồ thải lớn chứa quặng đuôi thải và do đó khả năng xảy ra sự cố tràn, vỡ đập hồ thải quặng đuôi là rất cao.

Bùn đỏ là chất thải chính trong sản xuất alumin và hydroxyt nhôm. Thành phần bùn đỏ có chứa một lượng NaOH dư và có độ pH cao (pH~10-13), là thành phần gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Bùn đỏ có kích thước hạt rất mịn (VD đối với bùn đỏ vùng Tây Nguyên, cỡ hạt <0,005 mm chiếm ~40%), tỷ trọng bùn đỏ (khô) dao động từ 2,7-3,2 tấn/m3. Bùn đỏ được bơm trực tiếp ra hồ chứa dưới dạng huyền phù (với phương pháp thải ướt, tỷ lệ L:R~3:5). Tại hồ chứa, chất rắn dần lắng xuống và được nén lại, đạt tới 40-60%. Theo nghiên cứu mẫu công nghệ của các mỏ bôxit khu vực Tây Nguyên, trung bình để sản xuất 1 tấn alumin thì sẽ hình thành 1,5 tấn bùn đỏ (khô). Theo đó, dự báo lượng bùn đỏ (khô) hình thành tại các vùng dự án: Bảo Lộc-Di Linh, Đăk Nông, Konplong-Kon Hà Nừng, Bình Phước và Bình Thuận giai đoạn đến 2030 lần lượt là 4; 6; 2; 4 và 10 triệu tấn/năm. Như vậy sẽ cần xây dựng các hồ thải lớn để chứa bùn đỏ (dạng loãng), đặc biệt ở vùng Bình Thuận, và do đó nguy cơ xảy ra vỡ hồ đập thải bùn đỏ là rất cao.

3. Sử dụng đất, cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái rừng

Do quặng bôxit miền Nam thường tồn tại trong các lớp quặng mỏng, phân bố dàn trải dưới tầng đất nông nên quy hoạch dự kiến áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên. Đặc điểm của khai thác lộ thiên là chiếm dụng một diện tích đất đai lớn để mở khai trường, làm bãi thải đất đá và xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ khai thác mỏ. Việc mở khai trường và thải đất đá trong khai thác lộ thiên sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp làm biến dạng địa hình, địa mạo và cảnh quan tự nhiên trong khu vực. Diện tích chiếm đất để mở khai trường là diện tích sử dụng đất lớn nhất và cần xử lý thường xuyên trong khai thác quặng bôxit. Dự báo giai đoạn đến 2030, diện tích đất bị chiếm dụng tối đa hàng năm để làm khai trường khai thác lớn nhất ở vùng Đắk Nông 400 ha; còn lại các vùng Bảo Lộc-Di Linh, Bình Phước và Konplong-Kon Hà Nừng, diện tích sử dụng đất hàng năm lần lượt là 200; 240; và 130 ha.

Tuy nhiên, trên thực tế sẽ cần một diện tích chiếm đất lớn gấp khoảng 3-5 lần như vậy cho công tác khai thác mỏ. Với phương thức khai thác-hoàn thổ dạng cuốn chiếu thì sẽ cần một diện tích tương đương cho hoạt động khai thác; một diện tích tương đương để dọn dẹp chuẩn bị mặt bằng cho khai thác và tối thiểu một diện tích tương đương nữa cho hoàn thổ phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác. Có thể tính tỷ lệ của diện tích sử dụng đất cho chu kỳ khai thác quặng bôxit “dọn dẹp mặt bằng - khai thác - hoàn thổ phục hồi môi trường - dọn dẹp mặt bằng” (tính tối đa 5 lần) tại các địa phương có dự án so với diện tích tự nhiên của tỉnh như sau: tỉnh Lâm Đồng: 0,04-0,1 %/năm; tỉnh Đăk Nông: 0,04-0,3 %/năm; tỉnh Gia Lai: 0,02-0,04 %/năm; và tỉnh Bình Phước: 0,01-0,2 %/năm. Tính toán này cho thấy tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước là hai tỉnh có diện tích khai thác quặng bôxit lớn nhất nhì trong cả nước thì tối đa diện tích chiếm đất hàng năm cũng chỉ là 0,3 và 0,2 % diện tích đất tự nhiên của mỗi tỉnh. Diện tích sử dụng đất cho khai thác quặng bôxit như vậy cũng không phải quá lớn cho mỗi địa phương. Đối với sản xuất alumin và hydroxyt nhôm, trung bình cứ 3 tấn bùn đỏ khô tương đương với 1 m3. Như vậy giai đoạn tới 2030, tổng khối lượng bùn đỏ (dạng ướt) sẽ phải lưu trữ ở các khu vực có nhà máy alumin hoặc hydroxyt nhôm sẽ rất lớn. Đặc biệt, theo quy hoạch, tại vùng Bình Thuận hàng năm sẽ có khoảng trên 10 triệu tấn bùn đỏ khô, tương đương khoảng 3,5 triệu m3 bùn đỏ (loãng) được thải ra, như vậy sẽ cần một diện tích đất khá lớn sử dụng làm bãi thải hoặc hồ thải chứa bùn đỏ.

 

Hình 1: Bãi thải bùn đỏ vùng Tây Úc (Nguồn: Tác giả)

 

Mặc dù các mỏ quặng bôxit miền Nam không khai thác xuống sâu nên không tạo ra các hố khai thác làm biến đổi lớn đối với địa hình tự nhiên trong khu vực như đối với khai thác các loại khoáng sản khác (như đá, sắt, thiếc..). Tuy nhiên, việc sử dụng diện tích đất lớn như tính toán nói trên để làm khai trường và bãi thải cũng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của khu vực. Một số khu vực dự kiến sẽ khai thác quặng bôxit nằm kề cận các khu vực có các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia (nơi có rừng đặc dụng với sự đa dạng các loài động thực vật quý hiếm của khu vực và quốc gia), hoặc thuộc khu vực có diện tích rừng phong phú đóng vai trò quan trọng trong điều hòa vi khí hậu và là môi trường sinh sống của các loài động thực vật địa phương.

Theo số liệu thống kê năm 2011, tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích rừng các loại khoảng 617.000 ha với 5 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và vườn quốc gia (VQG). Diện tích khu vực khai thác quặng bôxit trên địa bàn tỉnh nằm xa các khu BTTN và VQG, do vậy sẽ không ảnh hưởng tới các diện tích rừng và các loài động thực vật thuộc các khu vực bảo tồn này. Tuy nhiên, quá trình khai thác quặng bôxit này có thể ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên sản xuất (~5500 ha) và rừng trồng sản xuất (~2400 ha), chiếm khoảng 0,1% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Như vậy dự báo quy hoạch khai thác quặng bôxit trên địa bàn tỉnh, giai đoạn tới năm 2030, không làm ảnh hưởng đáng kể tới quỹ đất rừng hiện có của tỉnh và không làm ảnh hưởng lớn tới các các loài động thực vật sinh sống trên đất rừng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đăk Nông có 3 khu BTTN và VQG, bao gồm: khu BTTN Tà Đùng, khu BTTN Nam Lung và một phần VQG Yok Đôn. Các khu vực được quy hoạch khai thác quặng bôxit giai đoạn tới 2030 nằm rất gần với khu BTTN Nam Lung, là khu rừng đặc dụng, với vùng đệm có diện tích 9300 ha thuộc địa bàn các xã Quảng Sơn thuộc huyện Đăk Glong và xã Nam Nung và xã Đức Xuyên thuộc huyện Krông Nô. Dự báo tổng diện tích rừng tự nhiên bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (~44900 ha) và rừng sản xuất (~6000 ha), sẽ bị ảnh hưởng, chiếm lần lượt khoảng 14% và 2% tổng diện tích rừng toàn tỉnh Đăk Nông. Như vậy dự báo hoạt động khai thác quặng bôxit trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể tới các diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên phòng hộ và rừng đặc dụng; kéo theo ảnh hưởng tới hệ sinh thái động thực vật sinh sống trên đất rừng đó.

Theo báo cáo tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Gia Lai, diện tích khu vực thăm dò và dự kiến khai thác quặng bôxit trên địa bàn tỉnh (mỏ Kon Hà Nừng) có diện tích xấp xỉ 4130 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 3440 ha, chiếm khoảng 0,5% diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Khu vực quy hoạch dự kiến sẽ khai thác quặng bôxit không thuộc diện tích đất rừng đặc dụng và cũng không thuộc đất rừng hành lang kết nối VQG Kon Ka Kinh và khu BTTN Kon Cha Răng. Tuy nhiên vị trí khu vực quy hoạch khai thác nằm kế cận với khu BTTN Kon Cha Răng, do vậy có khả năng ảnh hưởng tới hệ sinh thái động thực vật trong khu BTTN. Tỉnh Bình Phước có 2 VQG là Bù Gia Mập và một phần VQG Cát Tiên. Vị trí mỏ Thống Nhất và mỏ Thọ Sơn dự kiến sẽ đưa vào quy hoạch khai thác nằm khá xa VQG Cát Tiên và VQG Bù Gia Mập, do vậy khả năng ảnh hưởng tới diện tích rừng đặc dụng và hệ sinh thái động thực vật tại các VQG này sẽ không đáng kể. Theo số liệu thống kê năm 2011, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích rừng khoảng 274.200 ha và là địa phương có tốc độ mất rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ (trung bình mất 2% diện tích rừng/năm). Theo tính toán, tới giai đoạn 2030 sẽ có khoảng 4870 ha rừng tự nhiên sản xuất và 3330 ha rừng trồng sản xuất (chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh) sẽ bị ảnh hưởng do khai thác quặng bôxit. Như vậy, trong thời gian thực hiện quy hoạch khai thác quặng bôxit (khoảng 20 năm), nếu so sánh tỷ lệ mất rừng trung bình hàng năm của tỉnh do bị cháy, chặt phá bừa bãi, .v.v thì tỷ lệ mất rừng hàng năm do khai thác quặng bôxit thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, quá trình khai thác quặng bôxit tại địa phương sẽ làm mất đi thảm phủ thực vật của khu vực và đóng góp vào quá trình làm gia tăng tỷ lệ mất rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh.

4  Chất lượng môi trường đất và nước

Đất đá thải của quá trình khai thác cũng như quặng đuôi từ quá trình tuyển rửa quặng bôxit không có khả năng biến đổi về mặt hóa học và không chứa các hóa chất độc hại, do đó chất lượng môi trường đất và nước khu vực xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy vậy quá trình khai thác quặng bôxit có thể làm cấu trúc đất bị phá vỡ, làm giảm một cách đáng kể các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và các loại vi sinh vật có ích trong đất, làm đất bị thoái hóa nhanh chóng.

Hình 2: Đánh giá chất lượng nguồn nước mặt tại khu vực khai thác và chế biến quặng bôxit Lâm Đồng (Nguồn: Tác giả)

 

Địa hình khu vực Tây Nguyên là địa hình phức hợp gồm núi và cao nguyên. Cùng với quá trình gia tăng dân số cơ học quá nhanh tại các địa phương khu vực này dẫn tới việc khai thác đất bất hợp lý, đốt rừng, chặt phá rừng bừa bãi, làm thảm thực vật che phủ bề mặt đất suy giảm. Lượng mưa ở khu vực này cũng rất lớn, tập trung vào các tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9), dẫn tới tốc độ xói mòn rửa trôi đất ở khu vực này tăng nhanh chóng. Hàng năm lớp phủ thổ nhưỡng ở vùng Tây Nguyên bị xói mòn và trôi ra biển hàng trăm triệu tấn. Tổng kết nhiều điểm quan trắc trên các đất có độ dốc khác nhau tại các vùng khác nhau ở Tây Nguyên cho thấy lượng chất dinh dưỡng trung bình hàng năm trên 1 ha đất sản xuất bị cuốn trôi rất lớn: 171 kg N; 19 kg P2O5, 337,5 kg K2O và 1,125 kg chất hữu cơ. Như vậy mỗi năm đất khu vực Tây Nguyên bị rửa trôi xuống hạ lưu tới hàng trăm triệu tấn và kèm theo hàng vạn tấn chất dinh dưỡng, chất hữu cơ đi kèm trong đất, làm đất vùng Tây Nguyên bạc màu nhanh chóng. Như vậy có thể thấy, mặc dù không triển khai các hoạt động khai thác quặng bôxit trên khu vực đất Tây Nguyên thì vấn đề xói mòn, rửa trôi, bạc màu đất ở khu vực này vẫn diễn ra. Quá trình khai thác quặng bôxit không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng xói mòn và làm suy thoái đất cho khu vực nhưng sẽ góp phần làm trầm trọng hơn hiện tượng này.

Quá trình khai thác quặng bôxit không sử dụng nước và hầu như không có nước thải, nên nhìn chung các hoạt động khai thác ít có tác động tới chất lượng nước của khu vực. Tuy nhiên khối lượng đất bóc, đất đá thải từ khai thác lộ thiên sẽ rất lớn, nếu không được xử lý kịp thời thì có thể bị xói mòn, rửa trôi theo mưa lũ, gây đục bẩn, bồi lắng các nguồn nước mặt ở hạ lưu. Do hoạt động khai thác sẽ diễn ra trong thời gian lâu dài nên khó kiểm soát được quá trình xói mòn, rửa trôi này. Trong quá trình sản xuất alumin và hydroxyt nhôm, một lượng lớn bùn đỏ sẽ thải ra môi trường cùng với khối lượng lớn nước kèm theo. Mặc dù trong bùn đỏ có nhiều loại khoáng vật có tính trơ như ôxyt nhôm, ôxyt sắt, ôxyt silic, rutil, bùn sét v.v nhưng bùn đỏ có hàm lượng huyền phù rất cao và có tính kiềm cao, vì vậy có khả năng gây ra ô nhiễm đất và nước mặt, nước ngầm cho khu vực xung quanh.

Tài liệu tham khảo

  1. Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công Thương. Dự thảo báo cáo Dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Hà Nội, tháng 4 năm 2011.
  2. Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công Thương. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Hà Nội, tháng 10 năm 2011.
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hướng dẫn kỹ thuật chung về đánh giá môi trường chiến lược. Hà Nội, năm 2009.

(Nguồn: Tuyển tập báo cáo Hội nghị KHKT Mỏ toàn quốc 2012. Hà Nội, 2012).


 

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim