Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 21
Truy cập: 4.452.397

CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Thứ Năm, 28 Tháng Chín 2017 9:05 SA

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 11/CT-BCT

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan tới công tác bảo vệ môi trường tại các công trình, nhà máy nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các vi phạm về môi trường đối với xử lý chất thải công nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của các tầng lớp nhân dân, đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp còn hạn chế; chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin còn yếu và thiếu chủ động; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; phương án bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công chưa được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ.

Trước thực trạng trên, để tổ chức chấp hành đầy đủ và nghiêm túc quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm pháp luật, kỷ cương trong các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị:

1. Đối với cơ quan quản lý thuộc Bộ

a) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

- Tổ chức các hội nghị bảo vệ môi trường của ngành Công Thương hàng năm, tập trung vào cung cấp, phổ biến các thông tin cập nhật của pháp luật và chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường, các quy định và hướng dẫn triển khai của Bộ Công Thương; báo cáo về việc thực hiện và chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương, của các đơn vị hành chính sự nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ;

- Phối hợp với Tạp chí Công Thương, Báo Công Thương xây dựng chuyên san, ấn phẩm về bảo vệ môi trường ngành Công Thương.

- Đầu mối phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.

- Trên cơ sở theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, báo cáo đề xuất Lãnh đạo Bộ về những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc tồn tại các vấn đề trong chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cần có sự giám sát đặc biệt và các chỉ đạo xử lý triệt để và kiên quyết của Lãnh đạo Bộ. Trước mắt đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công Thương và với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động giám sát đặc biệt với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (tại Phụ lục kèm theo), đảm bảo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các tồn tại cũng như chấp hành nghiêm túc, đầy đủ pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2017.

- Phối hợp và hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chức năng thuộc Bộ tập trung đảm bảo và nâng cao chất lượng của công tác thẩm định các hạng mục bảo vệ môi trường trong thiết kế cơ sở dự án, nhất là các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

- Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt danh mục và xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án cần kiểm tra, giám sát đặc biệt về môi trường của năm tiếp theo trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

b) Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ

- Phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước về môi trường rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, dệt may để phối hợp xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

- Phát hiện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về môi trường đối với các dự án đầu tư, các nhà máy hiện có và phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng.

- Tổng cục Năng lượng:

+ Phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải trong năm 2017 và triển khai tiếp với các trung tâm điện lực lớn (có từ 02 nhà máy điện trở lên);

+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư các dự án nhiệt điện và đảm bảo môi trường, rà soát các hạng mục công trình môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt;

+ Tổ chức các hội thảo, tuyên truyền thường xuyên và kịp thời về chiến lược phát triển bền vững năng lượng của Việt Nam, các Tổng sơ đồ phát triển năng lượng và các biện pháp, giải pháp bảo đảm bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng, cung cấp điện và công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện đối với người dân và xã hội.

2. Đối với Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp

- Kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.

- Tổ chức tốt công tác truyền thông và cung cấp thông tin cập nhật chính xác và đầy đủ từ cấp doanh nghiệp đến các Tổng công ty, Tập đoàn về công nghệ sản xuất, phương án bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; định kỳ tổ chức tiếp dân để tuyên truyền, phổ biến các thông tin về môi trường, tạo sự đồng thuận và tranh thủ sự ủng hộ của người dân địa phương. Tổ chức theo quy định của pháp luật công tác tham vấn với chính quyền địa phương, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tại địa phương nơi có dự án hoặc bị tác động của dự án, ý kiến phản biện, đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan và các cá nhân phản biện độc lập, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư.

- Kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát quy chế quản lý môi trường hiện có hoặc xây dựng quy chế bảo vệ môi trường nội bộ.

- Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.

- Căn cứ trên yêu cầu, nhiệm vụ trong đầu tư sản xuất và kinh doanh của đơn vị và trên cơ sở danh sách các dự án lưu ý đặc biệt (tại Phụ lục kèm theo) tổ chức kiểm tra đánh giá, báo cáo về việc khắc phục và xử lý các tồn tại và bất cập trong công tác bảo vệ môi trường một cách triệt để trong giai đoạn 2016-2017.

- Hàng năm tham dự và báo cáo đầy đủ với Hội nghị bảo vệ môi trường của Bộ, tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai rà soát và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị mình.

- Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình.

- Đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than:

+ Xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường; khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các Nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng trong năm 2016;

+ Hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy nhiệt điện thuộc các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, kết nối đến đơn vị chức năng của địa phương theo quy định trong Quý IV năm 2016;

+ Kiểm tra nồng độ phát thải, thực hiện các giải pháp cần thiết để đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22:2009/BTNMT), báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch thực hiện trong tháng 12 năm 2016;

+ Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổng cục Năng lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường của các Nhà máy nhiệt điện than.

3. Tổ chức thực hiện

- Các đơn vị thuộc Bộ, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

- Các nhà máy nhiệt điện đang đầu tư, đang vận hành thực hiện báo cáo định kỳ về công tác bảo vệ môi trường gửi về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Tổng cục Năng lượng vào ngày cuối tháng hàng Quý từ Quý IV năm 2016 để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.

- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm đầu mối phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Văn phòng Bộ, các Vụ, Viện, Tổng Cục, Cục;
- Thanh tra Bộ;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Các Sở Công Thương;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị thuộc Bộ;
- Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, ATMT.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHÀ MÁY CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HOẶC CÓ NHỮNG TỒN TẠI TRONG CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016)

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh;

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau;

3. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền;

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình;

5. Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO;

6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng;

7. Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng./.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim