Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 2
Truy cập: 4.354.591

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Thứ Ba, 03 Tháng Bảy 2012 1:16 CH

Hệ thống tiêu chuẩn – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Môi trường: Quá trình xây dựng, ban hành; cơ sở xây dựng, đánh giá ưu nhược điểm và định hướng hoàn thiện

TS. Trần Thế Loãn

ThS. Nguyễn Đức Hưng

Tổng cục Môi trường

Tạp chí Môi trường số 2/2011

 
Công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường có vị trí quan trọng hàng đầu trong hoạt động quản lý nhà nước về môi trường. Những năm qua, công tác này luôn được Bộ TN&MT quan tâm và chú trọng. Các tiêu chuẩn và quy chuẩn ban hành đã đóng góp thiết thực cho công tác quản lý môi trường (xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây dựng các quy hoạch môi trường; đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường; hoạt động thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại…). Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong những năm qua còn bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được kiên quyết khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới.

1. Quá trình xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.

Những năm trước đây, hoạt động biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường (TC, QCMT) ở Việt Nam được điều chỉnh theo hai văn bản pháp lý cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993) và Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa (năm 1991, sửa đổi năm 1999). Các TC, QCMT ban hành từ trước năm 2000 của nước ta được hình thành từ “Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước về Bảo vệ môi trường” giai đoạn 1991 – 1995, có mã số là KT-02. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu ở cấp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ký Quyết định 229/QĐ – TĐC ngày 25/3/1995 ban hành 9 tiêu chuẩn Việt Nam về BVMT.

Năm 2001, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ra Quyết định số 62/2001/QĐ- BKHCNMT ngày 21/11/2001 về việc ban hành văn bản kỹ thuật đối với lò đốt chất thải y tế, kèm theo là 10 văn bản kỹ thuật làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định lò đốt chất thải y tế.

Năm 2002, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ra Quyết định số 35/2002 – QĐ/BKHCNMT công bố 31 tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường bắt buộc áp dụng. Từ năm 2002 đến năm 2004, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành thêm một số TCVN để làm cơ sở cho việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước thải bệnh viện và môi trường khu dân cư.

Năm 2005, xuất phát từ yêu cầu thực tế của ngành nhiệt điện, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 07/2005/QĐ-BTNMT bắt buộc áp dụng TCVN 7440 — 2005 Chất lượng không khí — Tiêu chuẩn thải ngành công nghiệp nhiệt điện.

Năm 2006, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 22/2006/QĐ- BTNMT bắt buộc áp dụng 5 TCVN thay thế 19 TCVN trong danh mục TCMT bắt buộc áp dụng ban hành kèm theo Quyết định số 35/2002/QĐ-BKHCNMT. Bắt đầu áp dụng phân loại tiêu chuẩn thải theo quy mô nguồn thải và quy mô nguồn tiếp nhận (áp dụng các hệ số Kq và Kf) và lộ trình tăng dần các yêu cầu về xử lý chất thải.

Trong thời gian từ năm 2004 – 2010, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan xây dựng TC, QCMT áp dụng riêng cho các ngành đặc thù bao gồm: công nghiệp chế biến thuỷ sản, dệt may, giấy và bột giấy, chế biến cao su thiên nhiên, xi măng, sản xuất phân bón hóa học, nước rỉ bãi chôn lấp rác, ngưỡng chất thải nguy hại; thăm dò và khai thác dầu khí; kho và cửa hàng xăng dầu,… và hàng loạt các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường (QCMT) khác liên quan đến chất lượng môi trường xung quanh và các loại chất thải công nghiệp nói chung.

2. Một số quy định của luật bảo vệ môi trường + luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Từ ngày 1/1/2007, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực áp dụng thay thế cho Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa. Theo quy định tại Điều 3 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật:

- Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

- Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Như vậy, quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng như Nghị định số 80/2006/NĐ-CP liên quan đến TC, QCMT có những điểm không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP đã điều chỉnh tại Điều 4:

“Điều 4. Quy định chuyển tiếp, rà soát, chuyển đổi TCMT thành QCMT

1. Các TCMT do Nhà nước công bố bắt buộc áp dụng được chuyển đổi thành QCMT theo quy định sau đây:

a) Tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh;

b) Tiêu chuẩn về chất thải được chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

2. Bộ TN&MT có trách nhiệm rà soát, chuyển đổi các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn quốc gia về chất thải đã ban hành trước ngày 1/1/2007 thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải”.

2.1. Cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường

Theo phương pháp tiến cận chung của thế giới thì các TC, QCMT gồm:

- Tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí xung quanh, chất lượng nước bề mặt và chất lượng đất.

- Tiêu chuẩn, quy chuẩn thải quy định các mức phát thải cho phép như tiêu chuẩn khí thải/ nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn/ rung động phát ra, bức xạ ion hoá phát ra của các hoạt động sản xuất, dịch vụ.

- Nhóm các TC, QCMT về phân tích môi trường như tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân tích, đánh giá, phương pháp lấy mẫu, xử lý mẫu, phương pháp tính toán, xử lý thống kê kết quả đo (phân tích), thuật ngữ, hình thức báo cáo thống nhất chung…

2.2. Tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng môi trường

Tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng môi trường (TC, QCCLMT) được xây dựng nhằm phục vụ yêu cầu quản lý chất lượng môi trường xung quanh, làm căn cứ để xác định mức độ ô nhiễm môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu hàm lượng các chất độc hại trong môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì môi trường được gọi là bị “ô nhiễm”.

Các TC, QCCLMT được xác lập trên các chuẩn cứ, đó là các dữ liệu khoa học về mối quan hệ giữa ô nhiễm với sức khoẻ con người và sự sống bình thường của sinh vật, ví dụ:

a) Mức mà các phương pháp y học và sinh học hiện thời không quan sát thấy tác nhân (ô nhiễm) gây ra bất cứ tác động sinh học nào.

b) Mức mà các phương pháp y học và sinh học hiện thời quan sát được các tác động do tác nhân gây ra nhưng các ảnh hưởng của các tác động đó đều có thể hồi phục đối với cơ thể con người.

c) Mức mà các phương pháp y học và sinh học hiện thời quan sát được các tác động do tác nhân gây ra là rõ ràng có ảnh hưởng đến cơ thể, rõ ràng gây ra các bệnh tật.

d) Mức mà các phương pháp y học và sinh học hiện thời quan sát được các tác động do tác nhân gây ra được giải thích là do tác nhân đó gây ra.

e) Mức mà các phương pháp y học và sinh học hiện thời khẳng định được là bệnh tật, ốm đau là do các tác nhân của tác nhân gây ra.

g) Tác nhân (ô nhiễm) gây ra cái chết.

Từ quan điểm y – sinh học nói trên để lựa chọn mức cho tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng TC, QCCLMT được thiết lập không phải nhằm vào ngăn ngừa ốm đau và bệnh tật, mà nó cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn và cải thiện điều kiện sức khoẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TC, QCCLMT là mục tiêu để quản lý môi trường và được dựa theo các mức sau:

Mức trung bình: Điều kiện ô nhiễm có thể chấp nhận theo quan điểm bảo vệ sức khỏe, nhưng mức ô nhiễm này yêu cầu phải được kiểm soát/ khống chế ngay để đưa mức ô nhiễm môi trường xung quanh xuống thấp hơn mức này.

Mức có thể chấp nhận được: Nhưng mức ô nhiễm này yêu cầu phải kiểm soát một cách nhanh chóng (ngắn hạn) để đưa mức ô nhiễm môi trường xung quanh xuống thấp hơn mức này. Đây cũng là mức cao tối đa được duy trì theo quan điểm bảo vệ sức khỏe (ngưỡng cao nhất của dãy mức “kém an toàn cho sức khoẻ”).

Mức mong muốn: Ô nhiễm mong muốn được duy trì để bảo vệ an toàn cho sức khỏe, đây là mức ô nhiễm môi trường xung quanh mong muốn được duy trì như là “mục tiêu dài hạn” đối với hoạt động giảm thiểu ô nhiễm.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường xung quanh (TC, QCMTXQ) được dùng làm cơ sở để tính toán độ phát tán/pha loãng của một hoạt động/dự án công nghiệp vào các thành phần môi trường: đất nước, không khí tại một địa điểm cụ thể, sao cho hoạt động công nghiệp đó không làm tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong môi trường xung quanh vượt quá mức mà TC, QCMTXQ đã quy định.

2.3. Tiêu chuẩn, quy chuẩn thải

Tiêu chuẩn, quy chuẩn thải (TC, QCT) được xây dựng nhằm phục vụ cho việc khống chế các chất thải đưa vào môi trường xung quanh.

TC, QCT là các giới hạn cho phép về giá trị của các thông số ô nhiễm có trong nước thải, khí thải… xả ra môi trường. TC, QCT liên quan trực tiếp với TC, QCMTXQ. Vì vậy, TC, QCT ở các địa bàn, khu vực, vùng khác nhau cũng được quy định khác nhau. Ngoài ra, phụ thuộc vào chính sách ưu tiên hoặc hạn chế của Nhà nước trong đầu tư và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng, khu vực khác nhau thì TC, QCT có thể được quy định các mức độ khác nhau.

TC, QCT là loại tiêu chuẩn để kiểm soát lượng tối đa của một chất/thông số ô nhiễm do một nhà máy hay quy trình sản xuất phát thải ra. TC, QCT được thiết lập dựa trên công nghệ kiểm soát tốt nhất hiện có (BAT), hoặc dựa theo sự đánh giá và tính toán khối lượng hoặc nồng độ nào đó của một chất ô nhiễm trong khí thải, nước thải… TC, QCT nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn, nó có mối liên hệ hữu cơ với tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh và ngưỡng chịu tải của môi trường.

Quá trình xây dựng TC, QCT ở Việt Nam theo 2 giai đoạn

- Giai đoạn 1: Về cơ bản là dựa trên nền tiêu chuẩn 1995, nhưng thay đổi để phần nào giảm nhẹ tính “chưa công bằng” trong việc kiểm soát khí thải giữa các nguồn thải, đồng thời dễ dàng hơn cho các cơ quan quản lý môi trường trong việc áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Giai đoạn 2: Phát triển hệ thống tiêu chuẩn thải riêng cho một số loại hình công nghiệp đặc thù (công nghiệp lọc dầu, nhiệt điện, chế biến nông sản, hóa chất, giấy, chế biến cao su…) nhằm giải quyết những bất cập do đặc thù của sản xuất, nâng cao tính khả thi và hiệu lực áp dụng.

2.4. Tiêu chuẩn, quy chuẩn hỗ trợ

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này được xây dựng nhằm phục vụ cho hai loại tiêu chuẩn, quy chuẩn trên. Căn cứ vào các điều kiện và khả năng về kỹ thuật (máy móc, thiết bị, trình độ cán bộ…) cụ thể có thể chuyển dịch từ tiêu chuẩn, quy chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.

3. Phân tích, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường được xây dựng theo nguyên tắc chung là: phải phù hợp với trình độ phát triển, trình độ dân trí, phù hợp với hiện trạng nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.

Bên cạnh đó, TC, QCMT của một quốc gia thể hiện sự sẵn sàng của quốc gia đó trong hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần quan trọng vào quy hoạch sản xuất công nghiệp, quy hoạch đô thị vùng, lãnh thổ.

3.1. Ưu điểm

Việc soát xét lại toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn đã ban hành trong thời gian qua với bổ sung, sửa đổi để có được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hoàn chỉnh hơn; nâng cao tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu lực của việc áp dụng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời tháo gỡ được hầu hết các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất kinh doanh khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường trước đây. Các vấn đề bất cập trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được chỉnh sửa cho phù hợp với khả năng công nghệ, điều kiện hiện tại của Việt Nam.

Việc có một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cùng với các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp đã khuyến khích được các cơ sở sản xuất tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra môi trường.

3.2. Nhược điểm và khó khăn trong áp dụng

Kể từ khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, quá trình chuyển đổi từ tiêu chuẩn sang quy chuẩn chưa theo kịp tiến độ quy định, dẫn đến tình trạng trong hệ thống hiện hành vẫn có tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật nên dễ gây hiểu nhầm và khó khăn khi áp dụng.

Số liệu quan trắc môi trường bên cạnh việc rất hạn chế về độ chính xác, thiếu sự liên tục (chuỗi số liệu nhiều năm) còn chưa đầy đủ, đồng bộ cũng gây khó khăn khi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Do hệ thống số liệu quan trắc như vậy nên khó xác định chính xác khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận, dẫn tới sự hạn chế về cơ sở khoa học trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thải.

Khi ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho một số ngành đặc thù cũng dẫn đến sự không công bằng nhất định cho các cơ sở sản xuất ở những loại hình khác nhau. Do đó, việc ban hành các quy chuẩn môi trường cho những lĩnh vực sản xuất đặc thù cần được xem xét nghiêm túc, thận trọng.

Một số quy định trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ, còn có những bất cập và hạn chế, dẫn đến khó khăn khi áp dụng.

Mặt bằng trình độ công nghệ của các loại hình doanh nghiệp, các khu vực là khác nhau nên cũng gây khó khăn cho quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Một số lĩnh vực còn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn gây khó khăn cho công tác quản lý.

4. Định hướng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Việt nam

TC, QCMT là văn bản pháp quy kỹ thuật, tổng hợp trong đó tính kinh tế, tính khoa học, xã hội và an toàn sức khỏe cần phù hợp với các quy định của pháp luật; việc biên soạn, áp dụng chúng vào thực tế đời sống cần dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn, gắn liền với các chính sách vĩ mô về kinh tế, chính trị, xã hội.

Qua một thời gian áp dụng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã có những đóng góp quan trọng trong quản lý và BVMT. Tuy nhiên, do chất lượng cuộc sống được nâng cao, tình hình phát triển kinh tế – xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường, vì vậy, đã nảy sinh một số bất cập, đòi hỏi hệ thống TC, QCMT phải có sự điều chỉnh, bổ sung định kỳ cho phù hợp.

Trong năm 2010, Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng và ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho một số ngành đặc thù trên cơ sở những nghiên cứu, khảo sát trong thời gian qua và TCMT đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, đồng thời Bộ cũng lập kế hoạch cho công tác rà soát, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường giai đoạn 5 năm (2011 – 2015).

5. Kết luận

Các TC, QCMT được biên soạn ban hành trước đây đã kịp thời cụ thể hóa các quy định của Luật BVMT, tạo cho các quy định và chính sách của nhà nước nhanh chóng được áp dụng và đi vào đời sống, mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, các nội dung quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn không thể tránh được các thiếu sót, vì hoạt động kiểm soát ô nhiễm, đánh giá tác động môi trường, xây dựng ban hành TC, QCMT… mới trải qua trong thời gian ngắn ở nước ta.

Tính đến năm 2010, sau khi soát xét, sửa đổi và ban hành mới một số quy chuẩn, về cơ bản hệ thống TC, QCMT của nước ta đã đáp ứng được các yêu cầu về số lượng và mục tiêu sử dụng. Các TC, QCMT đã ban hành của Việt Nam là cơ sở để đánh giá chất lượng môi trường xung quanh và kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người gây ra.

Tuy nhiên, để phục vụ cho việc quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm ngày càng tốt hơn, phù hợp với đòi hỏi của tình hình hoạt động công nghiệp và dịch vụ, hệ thống TC, QCMT Việt Nam cần được hoàn thiện đầy đủ hơn nữa cả về chất lượng và số lượng.

 

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim