Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 3
Truy cập: 4.355.806

MT trong PTBV ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức hiện tại và định hướng trong thời gian tới

Thứ Ba, 03 Tháng Bảy 2012 9:54 SA

Phát triển bền vững về mặt môi trường ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức hiện tại và định hướng trong thời gian tới

 

anh minh hoa
Xin giới thiệu với bạn đọc bài báo của GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trên Tạp chí Môi trường.
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam 

 

THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC
Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững (PTBV) ở Việt Nam(Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) được ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng chiến lược PTBV gồm 5 phần: Phần 1. PTBV – con đường tất yếu của Việt Nam; Phần 2. Những lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên nhằm PTBV (5 lĩnh vực ưu tiên); Phần 3. Những lĩnh vực xã hội cần ưu tiên nhằm PTBV (5 lĩnh vực ưu tiên); Phần 4. Những lĩnh vực sử dụng Tài nguyên Thiên nhiên (TNTN) và Bảo vệ Môi trường (BVMT) cần ưu tiên, bao gồm 9 lĩnh vực ưu tiên như sau: (1) Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; (2) BVMT và sử dụng bền vững tài nguyên nước; (3) Khai thác hợp lý và bền vững tài nguyên khoáng sản; (4) BVMT và PTBV biển; (5) Bảo vệ và phát triển rừng; (6) Giảm ô nhiễm không khí đô thị và công nghiệp; (7) Quản lý chất thải rắn (CTR); (8) Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH); (9) Ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai; Phần 5. Tổ chức thực hiện Chiến lược PTBV.
Rất tiếc rằng trong Định hướng chiến lược PTBV này chưa xác định cụ thể các chỉ tiêu PTBV là gì và đến năm 2010 sẽ đạt được giá trị như thế nào.
Tuy vậy, trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010, đã được Quốc hội khóa 11 thông qua theo Nghị quyết số 56/2006/QH11, đã lồng ghép định hướng chiến lược phát triển bền vững và đã đưa ra một số chỉ tiêu phát triển bền vững về KT-XH và môi trường.
Nhìn chung, việc lồng ghép BVMT với phát triển KT-XH, hài hòa phát triển 3 mặt KT-XH-MT ở nước ta còn chưa sâu rộng, còn coi nhẹ phát triển bền vững về mặt môi trường. Tuy vậy, cần phải khẳng định rằng các hoạt động BVMT ở nước ta trong 5 năm qua ngày càng sôi động hơn, đi vào chiều sâu hơn, có hiệu quả hơn, từ việc xây dựng ban hành các chính sách và văn bản pháp luật được hoàn thiện hơn, xây dựng và phát triển tổ chức quản lý môi trường được tăng cường hơn, các hoạt động ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường ngày càng có hiệu quả hơn, đầu tư ngân sách cho công tác BVMT tăng lên…, đến việc huy động toàn dân tham gia công tác BVMT đã có nhiều tiến bộ. Những thành tựu về công tác BVMT là to lớn và đáng khích lệ, nhưng phát triển bền vững về mặt môi trường ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập và tồn tại.
Dưới đây chúng tôi phân tích, đánh giá các thành tựu và các thách thức về BVMT trong phát triển bền vững của nước ta giai đoạn 2006-2011 theo 9 vấn đề ưu tiên trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT, đã được xác định trong Định hướng Chiến lược PTBV của Việt Nam.
1. Ưu tiên 1 – Chống thoái hóa đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất
-       Thành tựu
Về cơ bản đã bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, luật pháp về đất đai; Tiến hành điều tra cơ bản về tài nguyên đất và quy hoạch lại sử dụng đất có hiệu quả và bền vững hơn; Thực hiện các chính sách và biện pháp chống thoái hóa đất, xa mạc hóa và ô nhiễm đất; Giao khoán rừng cho hộ gia đình, sản xuất theo mô hình nông – lâm kết hợp, phát triển trồng cây trên sườn đất dốc, sử dụng bền vững đất ngập nước, quản lý đất theo lưu vực sông và đất ven bờ; Điều tra, xác định, phân loại và xử lý dần các kho và khu vực đất bị  tồn lưu ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), bị ô nhiễm chất độc màu da cam và Dioxin tồn lưu từ chiến tranh.
-       Hạn chế và tồn tại
Môi trường đất vẫn đang bị suy thoái do xói mòn, rửa trôi, sạt lở, sụt trượt, mặn hóa, chua hóa, hoang mạc hóa, bị ô nhiễm do hóa chất BVTV và nguồn thải ô nhiễm từ công nghiệp; Bình quân diện tích đất trên đầu người dân ngày càng thấp, được xếp thứ 159 trên hơn 200 quốc gia trên thế giới và chỉ bằng khoảng 1/6 trung bình của thế giới; Trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã xâm chiếm đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa đã tới mức báo động, có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích đất trồng lúa năm 2010 đã giảm 378,7 nghìn ha so với năm 2000; Dự báo từ nay đến năm 2030, nhu cầu chuyên đổi đất trồng lúa sang các mục đích sử dụng khác tiếp tục tăng thêm khoảng 500 nghìn ha nữa.
2. Ưu tiên 2 – BVMT nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước
-       Thành tựu
Vấn đề này rất được quan tâm vì Việt Nam bị xếp vào các quốc gia thiếu nước. Tổng lưu lượng nước bình quân đầu người Việt Nam là 4400 m3/người/năm, trong khi bình quân thế giới là 7400 m3/người/năm;  Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg, ngày 14/4/2006, đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020; Hoàn thành việc lập bản đồ Atlas điện tử và bản đồ dạng số lưu vực của toàn bộ hệ thống sông, suối Việt Nam (khoảng 2.600 sông, suối);  Lập các quy hoạch sử dụng tài nguyên nước bền vững đối với các lưu vực sông chính của các vùng; Đang triển khai một số đề án: Đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, Đề án bảo vệ các nguồn nước ngầm ở các đô thị lớn, Đề án theo dõi kiểm kê khai thác sử dụng nước đầu nguồn của lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long; Đề án BVMT 3 lưu vực sông: Đồng Nai – Sài Gòn, sông Cầu, Nhuệ – Đáy.v.v…
-       Hạn chế, tồn tại
Đầu tư kinh phí cho công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; Mạng lưới các điểm quan trắc, điều tra tài nguyên nước còn thiếu; Các đề án BVMT các lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Cầu, Đáy – Nhuệ được triển khai chậm vì thiếu kinh phí và năng lực tổ chức quản lý còn bất cập;  Nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng, nhiều dòng sông trước đây có chất lượng nước thuộc loại A, nay đã suy thoái trở thành nước loại B, một số đoạn sông đã trở thành sông “chết”, úng ngập đô thị ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn; Theo TS. Nguyễn Thái Lai (Thứ trưởng Bộ TN&MT): Trên cả nước hiện có khoảng 240 nhà máy cung cấp nước sạch cho các đô thị với công suất thiết kế 5,4 triệu m3/ngày đêm, nhưng công suất khai thác chỉ đạt 4,5 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát cấp nước sạch ở các đô thị hiện nay khoảng 30%, cá biệt có đô thị bị thất thoát nước tới 40%, khoảng 30% dân số đô thị hiện nay chưa được tiếp cận với dịch vụ cung cấp nước sạch.
3. Ưu tiên 3 – Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và bền vững tài nguyên khoáng sản
-       Thành tựu
Đã ban hành nhiều chính sách có liên quan: Luật khoáng sản, Luật thuế tài nguyên, các Quy định về phí bảo vệ và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, v.v… Khai thác khoáng sản đã có nhiều đổi mới về công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và BVMT, đặc biệt là đối với khai thác than; Trong quản lý đã thực hiện khâu phục hồi hoàn trả môi trường đất, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái khu vực sau khai thác; hạn chế tối đa làm xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương; Hạn chế bớt nạn khai thác khoáng sản kiểu “thổ phỉ”; Giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô.
-       Hạn chế, tồn tại
Nhiều loại khoáng sản chủ yếu đã khai thác quá mức, đang dần cạn kiệt; Trữ lượng than Quảng Ninh chỉ còn khai thác trong vòng 30 năm nữa; Trữ lượng dầu ngoài khơi chỉ còn khai thác khoảng 20 năm nữa; Cấp phép khai thác khoáng sản còn chồng chéo, tùy tiện và nhiều sơ hở, đặc biệt là việc cấp phép khai thác khoáng sản thuộc quyền quản lý của các địa phương; Hậu quả của tình trạng loạn khai thác khoáng sản đang gây tác hại khôn lường cả về kinh tế, xã hội và môi trường ở nhiều nơi; Xuất khẩu khoáng sản quá ồ ạt và nhiều tiêu cực trong quản lý xuất nhập khẩu khoáng sản.
4. Ưu tiên 4 – Bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển
-       Thành tựu
Đã ban hành nhiều chính sách: Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam, Nghị định về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; Thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo tại Bộ TN&MT; Phối hợp giữa các Bộ/Ngành và địa phương trong thực thi nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo từng bước được kiện toàn hơn;  Đã tiến hành một số dự án có hiệu quả như Dự án Xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển; Dự án thống kê, phân loại, đánh giá tài nguyên thiên nhiên biển, hải đảo; Ứng phó, phòng chống sự cố tràn dầu.
-       Hạn chế, tồn tại
Còn thiếu nhiều văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo;  Năng lực tổ chức quản lý tài nguyên và BVMT biển còn hạn chế; Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ quản lý tổng hợp môi trường và tài nguyên biển và hải đảo còn thiếu và lạc hậu; Ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ có chiều hướng gia tăng, ô nhiễm dầu đã trở nên tràn lan, ô nhiễm kim loại nặng đã xảy ra ở một số nơi; Đa dạng sinh học biển có chiều hướng suy thoái.
5. Ưu tiên 5 – Bảo vệ và phát triển rừng
-       Thành tựu
Đã ban hành nhiều chính sách: Luật bảo vệ và phát triển rừng, chính sách phát triển rừng sản xuất, quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên; Đẩy mạnh việc giao khoán đất, khoán rừng cho các hộ và tập thể dân cư; Thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng;  Đưa độ che phủ rừng năm 2006 tăng 11% so với năm 1990, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt khoảng gần 40%.
-       Hạn chế, tồn tại
Chương trình trồng 5 triệu ha rừng đến năm 2010 mới đạt kế hoạch 63,4% (tái sinh rừng khoảng 1 triệu ha, trồng mới 2,17 triệu ha rừng);  Rừng giàu, nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%. Chất lượng rừng suy giảm rất nhiều; Rừng ngập mặn vẫn bị thu hẹp dần và khai thác quá mức; Chiếm đất, phá rừng trái phép, lâm tặc còn xảy ra trầm trọng; Cho người nước ngoài thuê rừng 50 năm vừa qua của một số địa phương sẽ gây hậu quả khó lường; Tổng diện tích rừng ngập mặn hiện nay so với năm 1990 chỉ còn khoảng 60%, so với năm 1943 chỉ còn 37%.
6. Ưu tiên 6 – Giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị và khu công nghiệp
-       Thành tựu
+ Quy định lộ trình áp dụng Tiêu chuẩn khí thải ERO2, ERO3 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phát triển giao thông công cộng; Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu; Ban hành hệ thống Quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp, chất lượng môi trường không khí xung quanh; Nhiều cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm soát khí thải và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn;  An toàn và vệ sinh môi trường lao động có nhiều tiến bộ; Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm xen kẽ các khu dân cư đông đúc; Cải tạo hệ thống giao thông đô thị, giảm ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí;  Tăng cường quản lý hoạt động thi công xây dựng các công trình để bảo vệ môi trường không khí.
-       Hạn chế, tồn tại
Chức năng, nhiệm vụ quản lý môi trường không khí đô thị và công nghiệp còn chồng chéo giữa các bộ (Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Y tế); Đầu tư cho hoạt động quản lý môi trường không khí còn ít, chưa hợp lý so với môi trường nước và chất thải rắn; Hệ thống quan trắc môi trường không khí, kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí còn yếu; Ô nhiễm môi trường không khí đô thị và công nghiệp ngày càng gia tăng, ô nhiễm bụi trong không khí đô thị nước ta vào loại ô nhiễm nhất nhì trên thế giới, ô nhiễm các khí độc hại nhiều nơi đã tới mức hoặc vượt mức giới hạn cho phép; Chất lượng môi trường không khí trong nhà (nhà dân dụng, nhà công cộng và nhà sản xuất) chưa được quan tâm nghiên cứu và bảo vệ; Ô nhiễm tiếng ồn giao thông, tai nạn giao thông còn xảy ra nghiêm trọng; An toàn và vệ sinh môi trường lao động công nghiệp còn bất cập.
7. Ưu tiên 7 – Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại
-       Thành tựu
Đã ban hành nhiều Nghị định, quy định và quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn (CTR) và chất thải nguy hại (CTNH);  Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị bình quân toàn quốc từ 70% đã tăng lên 80% trong 5 năm qua, tỷ lệ CTR được tái chế, tái sử dụng từ 10% đã tăng lên 20%; Đã đầu tư trang bị 43 lò đốt chất thải y tế và hàng chục lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại, đáp ứng yêu cầu xử lý khoảng 50% chất thải y tế và chất thải công nghiệp nguy hại; Đã đầu tư xây dựng được một số khu liên hiệp xử lý CTR hiện đại ở các đô thị lớn.
-       Hạn chế, tồn tại
Quản lý nhà nước về CTR còn chồng chéo và phân tán giữa các Bộ; Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đúng kỹ thuật an toàn vệ sinh môi trường còn thấp; Hoạt động tái chế, tái sử dụng CTR còn mang tính manh mún, tự phát; Tỷ lệ CTR còn bị chôn lấp ở các bãi chôn lấp không đảm bảo vệ sinh môi trường còn cao; Tỷ lệ thu gom, xử lý triệt để các chất thải nguy hại còn thấp; Quản lý chất thải ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ngày càng trở thành vấn đề bức xúc lớn.
8. Ưu tiên 8 – Bảo tồn đa dạng sinh học
-       Thành tựu
Đã ban hành Luật ĐDSH (2008) và nhiều Nghị định, quy định về bảo tồn ĐDSH; Bảo tồn hệ sinh thái ở các Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia (128 khu, chiếm 2,5 triệu ha, tăng 28% so với năm 2000, trong đó có 30 Vườn Quốc gia, 59 Khu bảo tồn thiên nhiên và 39 Khu bảo vệ cảnh quan), 2 khu di sản thiên nhiên thế giới; 16 khu bảo tồn ĐDSH biển và ĐDSH bảo vệ rừng ngập mặn, đất ngập nước;  Bảo tồn và phát triển 6 khu dự trữ sinh quyển;
-       Hạn chế, tồn tại
ĐDSH đang bị suy thoái, số loài trong sách đỏ bị tuyệt chủng hoặc  bị đe dọa tuyệt chủng ngày càng tăng; Rừng và các vườn quốc gia, khu bảo tồn bị xâm hại; Hiện nay 80% số rạn san hô ở biển nước ta thuộc loại ở tình trạng xấu, tỷ lệ số rạn san hô thuộc loại tốt trong thời kỳ 1994-1997 là 40%, trong thời kỳ 2004-2007 chỉ còn khoảng 15%. Tổng diện tích thảm cỏ biển hiện nay so với trước năm 1990 đã giảm đi khoảng 40-60%; Sự xâm hại của sinh vật ngoại lai nguy hiểm: ốc biêu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương v.v… là đáng lo ngại.
9. Ưu tiên 9 – Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai
-       Thành tựu
Đã xây dựng và từng bước thực thi “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH” và “Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”; Nhiều Bộ đã xây dựng xong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (Bộ TN&MT, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT); Phát triển cơ chế phát triển sạch (CDM) trong nhiều lĩnh vực hoạt động.
-       Hạn chế và tồn tại
Nhận thức về BĐKH và phòng chống thiên tai còn thấp; Dự báo về tác động của BĐKH đối với nước ta và dự báo thiên tai còn hạn chế; Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai còn thiếu cụ thể.
Thực hiện chỉ tiêu PTBV về mặt môi trường
Bảng dưới đây nêu cụ thể các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường của Kế hoạch phát triển KT-XH 2006-2010 và tình hình thực hiện (Theo số liệu của Báo cáo Môi trường Việt Nam năm 2010).
TT
Loại chỉ tiêu
Kế hoạch
2010 đạt được
1
Tỷ lệ đất được che phủ rừng
42-43%
40%
2
Tỷ lệ số dân được cấp nước sạch ở đô thị/nông thôn
95%/75%
80%/70%
3
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường
>50%
Không có số liệu
4
Tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị loại 3 trở lên
100%
3-5% (gần đúng)
5
Tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị loại 4 trở xuống
50%
0%
6
Tỷ lệ KCN/KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung
100%
50%
7
Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị toàn quốc
85%
75%
8
Tỷ lệ thu gom chất thải y tế toàn quốc
85%
75%
9
Tỷ lệ thu gom chất thải công nghiệp nguy hại
80%
75%
10
Tỷ lệ xử lý cơ sở ô nhiễm theo Quyết định 64 của Thủ tướng
70% (2007)
74%
Với các thông tin, số liệu nêu ở trên có thể rút ra nhận xét tổng quát rằng phát triển của nước ta trong thời gian qua còn thiếu bền vững về mặt môi trường.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2015 (theo dự thảo của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 – Văn kiện Đại hội Đảng XI)
1. Về kinh tế
Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo ngành và theo vùng để nâng cao hiệu quả phát triển và tính cạnh tranh thị trường; Tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm, GDP năm 2020 bằng khoảng 2,2 lần năm 2010 và GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 3000$; Chuyên đổi mô hình phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…; Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng kinh tế carbon thấp; Cải tiến công nghệ sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải; Phát triển kinh tế hòa hòa và bền vững giữa các vùng; Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông và BVMT tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại; Đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%; Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%.
2. Về xã hội
Xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh; Tốc độ tăng trưởng dân số ổn định ở mức khoảng 1%, đến năm 2020 tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, chỉ số phát triển con người HDI đạt ở nhóm trung bình cao của thế giới; Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an ninh xã hội; Phát triển thị trường lao động; Có chính sách hỗ trợ lao động nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp; Bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công bằng, hiệu quả và có chất lượng, bảo đảm an toàn lao động và an toàn vệ sinh thực phẩm; Đến năm 2020 thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, chất lượng dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển giáo dục 2011-2020 theo hướng phát triển bền vững; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, ý thức công dân và tuân thủ pháp luật.
3. Về tài nguyên và môi trường
Triển khai thực hiện nghiêm minh các Luật có liên quan (BVMT, ĐDSH, Tài nguyên nước, Tài nguyên khoáng sản, Đất đai, Bảo vệ và Phát triển rừng); sửa đổi Luật BVMT và Luật Đất đai, ban hành mới Luật Biển và Hải đảo; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường; Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về tài nguyên và môi trường hiện nay, để cải thiện chất lượng môi trường; Quản lý, sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên năng lượng; Đảm bảo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về BVMT đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị; Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý triệt để chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; Sử dụng bền vững tài nguyên biển và BVMT biển; Bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và cân bằng sinh thái ở các vùng; Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Đến năm 2020 đạt chỉ tiêu: tỷ lệ che phủ rừng 45%; Hầu hết dân cư đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% cơ sở sản xuất đầu tư mới phải được áp dụng công nghệ sản xuất sạch và xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường, 80% cơ sở sản xuất hiện có đạt quy chuẩn môi trường; Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu/cụm công nghiệp, khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 95% CTR thông thường, 85% CTNH và 100% chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
ĐỀ XUẤT BỘ CHỈ TIÊU VỀ PTBV CỦA VIỆT NAM
Tầm quan trọng của bộ chỉ tiêu:Định lượng cụ thể mục tiêu Chiến lược PTBV quốc gia để các bộ, các ngành, các địa phương phấn đấu thực hiện Chiến lược PTBV; Để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; Để so sánh với các nước trên thế giới về PTBV;
Nguyên tắc xây dựng bộ chỉ tiêu: Phù hợp với các mục tiêu của chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH quốc gia; Tương thích theo thông lệ quốc tế, có khả năng so sánh với trình độ PTBV giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Đảm bảo tính lượng hóa và có tính khả thi trong điều kiện quản lý thống kê ở nước ta.
Chúng tôi kiến nghị bộ chỉ tiêu về PTBV của Việt Nam cho ở bảng dưới đây:
TT
Tên chỉ tiêu phát triển bền vững
Đơn vị đo
 
Chỉ tiêu về kinh tế
 
1
Tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm
%
2
GDP trên đầu người/năm
USD/người/năm
3
Quy mô và hiệu suất đầu tư ICOR (suất đầu tư cho mỗi đơn vị GDP tăng thêm)
%GDP
4
Cán cân thanh toán quốc tế và cán cân xuất – nhập khẩu
Tỷ USD
5
Lạm phát và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng
%
6
Tỷ lệ nợ công so với GDP
%
 
Chỉ tiêu về xã hội
 
7
Tốc độ tăng trưởng dân số
%/năm
8
Chỉ số phát triển con người (HDI)
Số thập phân và xếp thứ tự trên thế giới
9
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi
%
10
Tỷ lệ số dân sống dưới ngưỡng nghèo
%
11
Chênh lệch mức sống dân cư (hệ số GINI hoặc thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất so với thu nhập của nhóm 10% thu nhập thấp nhất)
Số lần
12
Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho ngành giáo dục
%
13
Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề
%
14
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị
%
 
Chỉ tiêu về môi trường
 
15
Tỷ lệ hao phí năng lượng để sản xuất ra mỗi đơn vị GDP
kWh/USD GDP hay KTOE/USD GDP
16
Tỷ lệ che phủ rừng
%
17
Phát thải khí nhà kính tính trên đầu dân trong 1 năm
Tấn CO2 /1000ng/năm
18
Tỷ lệ số đô thị từ cấp 4 trở lên không bị ô nhiễm không khí
%
19
Tỷ lệ số dân được cấp nước sạch: Đô thị/Nông thôn
%
20
Tỷ lệ tổng lượng CTR phát sinh được thu gom và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh: CTR sinh hoạt/ Chất thải y tế/ Chất thải nguy hại
%
21
Tỷ lệ số khu công nghiệp và các đô thị cấp 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt QCMT: khu công nghiệp/đô thị
%
Tài liệu tham khảo
1.   Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006-2010, được ban hành theo Nghị quyết số 56/2006/QH11, ngày 19/6/2006, của Quốc hội khóa 11.
2.   Dự thảo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện (2006-2010), định hướng Chiến lược PTBV ở Việt Nam 2011-2015 của Bộ KH&ĐT, tháng 1 năm 2011.
3.   Báo cáo môi trường quốc gia 2010, của Bộ TN&MT.
4.   Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 – Văn kiện Đại hội XI của Đảng, tháng 1/2011.
5.   Phạm Ngọc Đăng. Phát triển của nước ta còn thiếu bền vững về mặt môi trường. Kỷ yếu Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 (trang 205-210). Hà nội – tháng 1 năm 2011.

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim