Trung Quốc đang trả giá vì đất hiếm
Thứ Hai, 01 Tháng Tư 2013 9:14 SA
Tuy thu được rất nhiều lợi lộc nhờ sản xuất đất hiếm nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả trong việc sản xuất nguyên liệu quý giá này cũng rất đắt
Hoang tàn vì đất hiếm
Hóa chất độc hại từ bãi phế thải đất hiếm rò rỉ và làm nhiễm độc nguồn nước khiến khu vực trồng trọt của người dân sống gần thành phố Bao Đầu thuộc vùng Nội Mông, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới trở nên khô cằn, không còn dấu hiệu của sự sống.
Không những thế, bãi phế thải đất hiếm còn làm nhiễm bẩn môi trường sống, và nếu người dân "ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm độc, cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề", ông Vương Tào, một người dân sống tại khu vực này cho biết.
Những người nông dân sống trong vùng bán kính 10km ở miền Bắc Trung Quốc cho biết họ bị rụng răng và bạc tóc. Các mẫu xét nghiệm cho thấy đất và nước trong khu vực chứa các chất phóng xạ gây ung thư với hàm lượng cao.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm trên thế giới - 17 nguyên tố chứa trong loại đất này được sử dụng trong quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ iPod đến tivi màn hình phẳng và ôtô điện. 2/3 lượng đất hiếm của Trung Quốc được chế biến ở vùng Bao Đầu, cạnh sa mạc Gobi, nơi có rất nhiều khoáng sản.
Các nhóm bảo vệ môi trường từ lâu đã chỉ trích việc khai thác đất hiếm vì hoạt động này thải ra các hóa chất độc hại cũng như các chất phóng xạ thorium và uranium vào không khí, nước và đất. Các chất này có thể gây ung thư và khiến người cũng như động vật sống trong khu vực sinh con dị tật.
Với mong muốn đánh bóng danh tiếng là "thành phố xanh" và thắt chặt việc khai thác kim loại, Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch làm sạch môi trường bằng cách đóng cửa các khu mỏ bất hợp pháp, đưa ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm khắc hơn và hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm.
Tuy nhiên, ông Vương và những người nông dân sống ở làng Tân Quang đã oán trách tập đoàn Bảo Cương, tập đoàn nhà nước chế biến đất hiếm, khai thác quặng sắt và sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc với lý do làm nhiễm độc ruộng đồng trong khu vực và hủy hoại môi trường sống.
Những cơn gió mạnh thổi qua bãi rác thải chứa hàng triệu tấn rác đã cuốn theo những chất phóng xạ và các chất độc hại sang các làng xung quanh. "Hiện tượng ô nhiễm ở đây là do khu đập chứa rác", ông Vương cho biết
Cơ sơ sản xuất của Tập đoàn Bảo Cương, bao gồm các nhà máy tinh chế đất hiếm và quặng sắt, trải dài khoảng 7km, dọc theo một con đường trong khu vực. Lãnh đạo nhà máy từ chối không tiếp xúc với Hãng tin AFP.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, một nghiên cứu do cơ quan phụ trách vấn đề môi trường tại địa phương thực hiện năm 2006 cho thấy mức thorium, một sản phẩm phụ trong quá trình chế biến đất hiếm, trong đất ở làng Tân Quang đạt mức cao 36 lần so với các khu vực khác thuộc Bao Đầu.
"Mọi người đang phải chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng", tờ nhật báo doanh nghiệp quốc gia bằng tiếng Trung Quốc đưa tin hồi tháng 12/2010, kèm theo trích dẫn kết quả nghiên cứu chính thức rằng 66 dân làng này đã chết do bệnh ung thư trong khoảng thời gian từ năm 1993-2005 trong khi sản lượng nông nghiệp giảm mạnh.
"Không có công đoạn nào trong quy trình khai thác đất hiếm không gây hại cho môi trường" - ông Jamie Choi, người điều hành chiến dịch chống các chất độc hại của Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace) tại Trung Quốc phát biểu trong một báo cáo gần đây.
Ông Choi cho rằng, tác động của những quy định trừng phạt nghiêm khắc của chính phủ phụ thuộc vào việc các quy định này có được "thực hiện nghiêm túc" hay không.
Cách bãi rác thải lớn vài km là nhà máy chế biến đất hiếm Hồng Điền Dụ của thành phố Bao Đầu, một trong hàng chục nhà máy chế biến đất hiếm, sắt và than, trong một khu vực bụi bặm không có người sinh sống.
Công nhân trong nhà máy phải hít khí độc hại khi các ống sắt quay khổng lồ chế biến hàng tấn đất hiếm cung cấp cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nơi khác.
Một đốc công họ Vương cho biết, nhà máy sản xuất "hàng ngàn tấn đất hiếm mỗi năm" và chất thải độc hại được ống dẫn tới một bãi phế thải trong khu vực.
Những cánh đồng xung quanh làng của ông Vương đã bị bỏ hoang trong khi người dân chờ đợi tiền đền bù từ chính phủ. Một số người đã ra đi để lại những ngôi nhà và cửa hàng trống trải dọc theo những con đường bụi bặm đã bị hỏng nát không được sửa chữa.
Chính quyền đã quyết định đền bù cho người nông dân khoảng 60.000 nhân dân tệ cho mỗi Mu đất (1 Mu = 667m2) để họ có thể tái định cư ở một làng mới cách đó 4km. Tuy nhiên, người nông dân sẽ không còn đất canh tác và họ cho rằng khoản tiền đền bù này không đủ bù đắp những thiệt hại họ phải gánh chịu.
"Những người như chúng tôi chỉ biết trồng trọt hoặc chăn nuôi. Nếu chúng tôi không có công việc ổn định, chúng tôi sẽ thu nhập từ nguồn nào? Chúng tôi sẽ sống ra sao?" - ông Vương Tào đặt câu hỏi.
Theo ông Vương Quốc Nhân, cựu phó chủ tịch Viện nghiên cứu và kỹ thuật kim loại Trung Quốc, một cơ quan có liên hệ với chính phủ, những tổn hại đối với môi trường do việc khai thác đất hiếm tại Trung Quốc gây ra không thể phục hồi. "Số tiền từ việc bán đất hiếm chắc chắn không đủ để giải quyết những tác hại đối với môi trường", ông Vương nhận xét.
Do nhu cầu tăng vọt, Trung Quốc đang giới hạn hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm đất hiếm. Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh muốn đẩy giá toàn cầu lên cao và bảo quản nguồn kim loại này cho các ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển nhanh chóng của chính nước này. Động thái này đã khiến nhiều đối tác thương mại bất mãn. Trung Quốc biện minh cho quyết định hạn chế rằng họ quan ngại cho môi trường và họ muốn phát triển lĩnh vực kỹ thuật cao cho chính mình.
Trung Quốc sắp mất thế độc quyền đất hiếm
Các công ty khai khoáng và những nhà sản xuất hy vọng những khám phá đất hiếm ở Thái Bình Dương mới đây có thể giúp họ phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc.
Giáo sư Brent McInnes, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đồng vị De Laeter thuộc Đại học Curtin ở tiểu bang Tây Úc cho biết chương trình khám phá đất hiếm thời gian gần đây ở ngoài khơi Nhật Bản và trong vùng Thái Bình Dương sẽ được các công ty đang muốn khám phá "những chân trời mới" chú tâm theo dõi.
Những khám phá mới đây cho thấy vùng biển ở ngoài khơi Tokyo, vốn là khu vực vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, có một trữ lượng lớn đất hiếm.
Nghiên cứu ước lượng số đất hiếm ở khu vực này có thể lên tới 6,8 triệu tấn. Với số lượng này, ngành công nghiệp điện tử và xe hơi sử dụng công nghệ hybrid của Nhật có thể hoạt động hơn 200 năm.
Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy đất hiếm trong những khu vực ở vùng Tây Thái Bình Dương và gần Hawaii.
Phần lớn công cuộc khai khoáng dưới biển sâu hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và tác động của việc khai thác này vẫn khó đo lường. Có quan ngại cho rằng, việc khai thác khoáng sản quanh những núi lửa giàu tài nguyên có thể gây phương hại cho hệ sinh thái biển trong khu vực.
Giáo sư Brent McInnes cho rằng, độ sâu của các mỏ đất hiếm và khoảng cách tương đối xa của chúng với các dãy núi lửa có thể làm giảm tác động xấu của việc khai thác đối với môi trường. Ông cho rằng đất hiếm "phải ở trong những khu vực sâu nhất của đại dương, nơi tình trạng đa dạng sinh thái cực kỳ thấp".
Nguồn Petro Times
Các tin khác