Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 3
Truy cập: 4.452.519

Biến đổi khí hậu-Cơ hội và thách thức cho ngành Công nghiệp Mỏ

Thứ Năm, 24 Tháng Mười 2013 9:17 SA

                                          CN. Nguyễn Thị Phương Thảo

                                    Trung tâm Môi trường Công nghiệp (CIE)

                                  Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim

ABSTRACT

 All countries in the world are threatened seriously by climate change and its effect. These challenges have forced countries must have specific actions to respond. Kyoto Protocol and United Nations Framework Convention on Climate Change is one of really effective actions on an international scale. Great opportunity for countries and facilities from implementing CDM projects and trading CERs. In Vietnam, participating in CDM projects of the mining industry is limited. Before challenges and opportunities in responding to climate change, the mining industry should take initiative and active action to respond and find the opportunities to contribute to economic development, technology innovation-friendly environment.

MỞ ĐẦU

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó trong thời gian qua đã đe dọa tất cả các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Đây là thách thức lớn buộc các quốc gia phải có những hành động cụ thể để ứng phó. Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH là một trong những hành động thực sự hiệu quả trên quy mô quốc tế. Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong ba cơ chế được thiết lập bởi Nghị định thư Kyoto nhằm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính. Tiềm ẩn trong cơ chế này là những cơ hội lớn đối với các quốc gia, các ngành sản xuất đến từ việc tham gia các dự án CDM và mua bán các chứng nhận phát thải (CERs).

Nắm bắt những cơ hội và thách thức tiềm ẩn trong ứng phó biến đối khí hậu, ngành công nghiệp mỏ đã có những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện và ứng phó với BĐKH. Báo cáo này sẽ trình bày những cơ hội trong thích ứng với BĐKH của ngành công nghiệp mỏ trên thế giới và Việt Nam. Đồng thời báo cáo cũng sẽ trình bày những khó khăn, thách thức của ngành công nghiệp mỏ trong quá trình thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu.

 BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trong thời gian qua, sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất khí nhà kính các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác đang làm biến đổi hệ thống khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu. Môi trường bền vững là yếu tố nền tảng cho sự thịnh vượng và phát triển. Như vậy, cùng với các vấn đề môi trường khác, BĐKH đã trở thành thách thức lớn nhất cho Phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, nhất là các nước nghèo, nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Với đường bờ biển dài 3.260km, hơn một triệu km2 lãnh hải và trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển, trong đó có trên 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích đồng bằng sông Hồng – Thái Bình có độ cao dưới 2,5m so với mặt biển khiến nước ta rất dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH. Nếu không có giải pháp kịp thời ứng phó với tác động của BĐKH, thì nước ta sẽ khó có thể tránh khỏi những hậu quả nặng nề. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng phó với BĐKH, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã có những hành động rất kịp thời để ứng phó. Chính phủ đã thông qua chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Trên phạm vi quốc tế, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm tham gia ký kết phê chuẩn Công ước khung LHQ về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP MỎ TRÊN THẾ GIỚI

 Thách thức đối với ngành mỏ trên thế giới

 Sự gia tăng một lượng lớn khí thải nhà kính là thách thức lớn mà ngành công nghiệp mỏ phải đối mặt. Hội đồng Khai thác mỏ và Kim loại quốc tế đã nhấn mạnh BĐKH và tác động của khí thải nhà kính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà ngành công nghiệp mỏ phải đối mặt. Những thách thức xoay quanh BĐKH liên quan đến sự phát thải khí nhà kính vượt quá giới hạn cho phép; từ đó buộc các cơ sở sản xuất phải thay đổi nguồn nguyên liệu đầu vào (chứa ít tạp chất và thành phần phát sinh khí thải nhà kính) có chi phí cao; thay đổi công nghệ v.v. bên cạnh đó là các rủi ro do các thảm họa thiên nhiên mưa lũ, trượt lở đất; sự cố do kiện tụng v.v.

Tại Australia, một tổ chức phi chính phủ đã buộc công ty TNHH Xstrata Coal Queensland ra tòa do thải khí nhà kính vượt quá lượng cho phép. Xstrata đã bị đình chỉ khai thác tại mỏ Wollombi cho đến khi chính phủ Queensland sửa đổi lại quy định về bảo vệ môi trường(6). Cũng tại Queensland, trận lũ lịch sử ở lưu vực phía Bắc sông Bowen khiến cho tuyến đường sắt chính nối liền các khu hầm mỏ và các cảng biển ở gần Mackay bị hư hại và tê liệt hoàn toàn trong suốt hơn một tuần lễ; Một số tập đoàn lớn như Rio Tinto, BHP Billiton, Anglo American và Xstrata, buộc phải sử dụng điều khoản tạm dừng việc vận chuyển hàng do thiên tai. Hoạt động xuất khẩu than tới các quốc gia Châu Á, Châu Âu phải tạm dừng. Lũ lụt đã gây thiệt hại hàng triệu đô la cho ngành công nghiệp than của Australia.(15)

Cơ hội đối với ngành mỏ trên thế giới

 Bất chấp các sự cố do biến đổi khí hậu mà ngành công nghiệp mỏ đang phải đối mặt, BĐKH cũng đưa đến những cơ hội đặc biệt là đối với các công ty hoạt động trên quy mô quốc tế. Những cơ hội này xoay quanh thị trường mua bán chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính CERs. Các quốc gia phát triển với cam kết phải cắt giảm khí nhà kính (GHG) có cơ hội giảm phát thải thông qua việc đầu tư vào các dự án CDM tại các quốc gia đang phát triển với chi phí thấp hơn nhiều so với việc đầu tư tại chính các quốc gia đó. Đổi lại, các quốc gia đang phát triển có thể cải thiện tình hình kinh tế, xã hội và môi trường từ nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ những dự án CDM. CDM giúp khuyến khích đầu tư quốc tế, cung cấp các nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.

Tham gia dự án CDM nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc (40,73%), tiếp đến là Ấn Độ(22,18%), Brazil(7,3%), Mexico(5,01%), Malaysia(3,51%), Hàn Quốc(1,98%) và Indonexia(1,98%)(7). Theo báo cáo thường niên 2010 của Ban điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các dự án CDM trên toàn thế giới là ngành năng lượng (63,37%), xử lý và tiêu hủy chất thải (17,49 %); ngành khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến kim loại chiếm tỷ lệ nhỏ 1,29 %. Trong số các dự án phát triển sạch trong lĩnh vực mỏ, phổ biến nhất là dự án thu giữ khí metan trong khai thác than; riêng lĩnh vực chế biến kim loại đã áp dụng đối với chế biến nhôm, sắt, magan thông qua việc xem xét, cải tiến công nghệ để giảm phát thải GHG (Xem bảng 1). Với giá 1 CER trong khoảng từ 7 đến 22 EUR(16), lấy trung bình là 15 EUR thì lợi ích thu được từ các dự án CDM trong lĩnh vực mỏ là rất lớn ước đạt 357.478.905 EUR.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP MỎ TẠI VIỆT NAM

Thách thức đối với ngành mỏ tại Việt Nam

Tại Việt Nam các tác động do biến đổi khí hậu đến ngành công nghiệp mỏ liên quan đến các thảm họa thiên nhiên gây sạt lở đất đá, tràn lấp các khu dân cư và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường .

  • Năm 1996: Trượt lở khai trường 14 tại Công ty Apatit Việt Nam từ mặt cắt 25c -26a kéo theo 400 nghìn m3 trong tầng KS3 va KS4. Trượt lở mái ta luy đường từ Ga 2 tới các khai trường. Do mưa lớn kéo dài các mái cao bị ngậm nước làm tăng tải trọng của khối đá gây ra sự sụt lở làm tắc nghẽn đường giao thông. Riêng tháng 8 năm 1996 nước ngấm nhiều đã gây sụt lở trên diện rộng với khối lượng 40 đến 50 nghìn m3, gây ngừng sản xuất từ 1 đến 3 ca.[3]
  • Năm 1997: Lũ ở các thôn Lùng Thắng 1 và Lùng Thắng 2 chảy qua sườn bãi thãi, bãi quặng III tại Công ty Apatit Việt Nam tạo nên dòng đất đá làm vùi lấp 0,54 ha diện tích màu và làm mất trắng lúa với diện tích 0,125ha. [3]
  • Năm 2006 do mưa lớn kéo dài làm vỡ đập chắn chắn đất đá thải tại Công ty Than Cọc Sáu  làm đất đá và nước tràn xuống gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Mưa lớn làm sụt lở gần 500.000 m3 đất đá tại bãi thải của Công ty Than Cao Sơn làm vùi lấp hoàn toàn cửa lò +36, vỉa G9 cùng với hệ thống máng rót, đê bảo vệ của Công ty than Mông Dương. v.v…[3]

Cơ hội đối với  ngành mỏ  tại Việt Nam

Thực hiện Công ước khung của LHQ và Nghị định thư Kyoto nhằm ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do trình độ nhận thức của các tầng lớp xã hội về vấn đề này còn rất thấp. Đây là rào cản cho việc xây dựng và thực hiện các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối Quốc gia thực hiện Công ước và là Cơ quan thẩm quyền Quốc gia (DNA) về CDM. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thực hiện Công ước Khung của LHQ về BĐKH và Nghị định thư Kyoto tại Việt Nam đã có hướng dẫn chung về chương trình hoạt động theo cơ chế phát triển sạch cho các dự án có quy mô nhỏ phù hợp với điều kiệu kiện thực tế Việt Nam (Hình 1).

Hình 1. Các bước trong chu trình Chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch

 

PoA: Chương trình các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch

CPA: Hoạt động chương trình

PoA – DD: Văn kiện thiết kế chương trình các hoạt động theo CDM

CPA – DD: Văn kiện thiết kế hoạt động chương trình

DOE: Cơ quan tác nghiệp được chỉ định thẩm định

Theo số liệu tổng hợp, thống kê từ năm 2005 đến tháng 6 năm 2011, số lượng dự án CDM tại Việt Nam là 70 dự án, các dự án tập trung chủ yếu tại lĩnh vực sản xuất năng lượng và xử lý, loại bỏ rác thải. Tuy nhiên, về tổng thể xét trên lượng CO2 giảm thiểu thì lĩnh vực phát thải từ nhiên liệu đạt hiệu quả cao hơn tất cả các lĩnh vực khác cộng lại (Xem bảng 2). Tiêu biểu nhất là dự án Thu hồi và Sử dụng khí đồng hành tại mỏ dầu Rạng Đông ở Vũng Tàu đã hoàn thành và được đăng ký tại LHQ. Khí đồng hành làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khí hóa lỏng dùng trong sinh hoạt và xăng. Dự án này đã thu được 350.000 chứng nhận giảm phát thải CERs và Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) là đơn vị tổ chức đấu giá.(12)

Hình 2. Vị trí mỏ dầu Rạng Đông

Xét riêng ngành công nghiệp mỏ, các ngành chủ yếu phát sinh khí thải nhà kính bao gồm ngành dầu khí, các nhà máy chế biến khoáng sản sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khí nhà kính thoát ra từ các hầm lò khai thác như tại các mỏ than Khe Chàm, Mạo Khê, Thống Nhất, Quang Hanh, Dương Huy v.v. độ thoát khí  nhà kính (metan) tương đối từ 3,87 – 15,64 m3/T.ngày- đêm…

Như vậy có thể thấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tham gia vào các dự án phát triển sạch CDM:

  • Việc thực hiện CDM để nhận các chứng chỉ phát thải CER mang lại lợi ích cho các bên tham gia bao gồm các quốc gia buộc phải cắt giảm khí thải nhà kính (thuộc phụ lục I) và các quốc gia bên ngoài phụ lục I.

- Lợi ích đối với các bên trong phụ lục I:

(1) Giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.

(2) Giảm chi phí trong cắt giảm khí nhà kính thông qua việc mua lại các chứng chỉ phát thải từ các quốc gia bên ngoài phụ lục I.

- Lợi ích đối với các bên ngoài phụ lục I.

(1) Thu được lợi nhuận từ bán (chuyển) các chứng chỉ phát thải CER.

(2) Có cơ hội tiếp cận với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế trong nước cũng như mở rộng quan hệ kinh tế trên thế giới.

(3) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH.

  • Ngành công nghiệp mỏ Việt Nam với các lĩnh vực khai thác than, dầu khí, chế biến kim loại…là những lĩnh vực có thế mạnh. Và đây cũng là ngành đã áp dụng CDM trên thế giới rất thành công, đặc biệt là việc thu hồi khí metan của ngành than. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm trên thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
  • Nhà nước có chính sách ưu đãi về miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp tham gia dự án CDM được thể hiện tại Quyết định số 130/2007/QĐ – TTg.

Bất chấp những cơ hội, trên thực tế sự tham gia của ngành công nghiệp mỏ trong cắt giảm khí nhà kính thông qua việc thực hiện cơ chế phát triển sạch CDM còn rất hạn chế. Các nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ do đó quá trình tiếp cận với CDM còn hạn chế.
  • Mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể về thủ tục cho các chương trình hành động theo cơ chế phát triển sạch. Tuy nhiên, thủ tục chứng nhận khối lượng giảm khí thải đặt ra yêu cầu còn phức tạp.
  • Nhận thức về CDM của cộng đồng còn thấp. Giới doanh nghiệp cũng chưa được thông tin rộng rãi về cách thức tự đánh giá khả năng tham gia CDM.

 KẾT LUẬN

Ngành công nghiệp mỏ trên thế giới đã có những thành tựu đáng kể trong thực hiện Nghị định thư Kyoto và Công ước Khung của LHQ về BĐKH nhằm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính. Các thành tựu tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực khai thác than, chế biến các kim loại như nhôm, sắt, mangan. Tại Việt Nam, CDM đã áp dụng thành công tại mỏ dầu Rạng Đông. Tất cả các hoạt động này đều mang lại nguồn thu khá lớn cho các cơ sở sản xuất. Mặc dù vậy, những tác động của BĐKH đối với sản xuất nói chung và với ngành công nghiệp mỏ nói riêng là rất lớn. Vì vậy, các cơ sở cần tích cực chủ động tìm hiểu cơ chế thực hiện CDM cũng như khắc phục các khó khăn gặp phải để ứng phó kịp thời với BĐKH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chỉ đạo thực hiện Công ước Khung của LHQ về BDKH và Nghị định thư Kyoto tại Việt Nam, tháng 12 năm 2009. Hướng dẫn chung về chương trình hoạt động theo cơ chế phát triển sạch (POA).

2. Phan Bảo Minh và nnk, tháng 11 năm 2009. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

3. Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện Kim, 2010. Dự án điều tra, thống kê nguồn thải; Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường của các nguồn thải trong khai thác và chế biến khoáng sản

4. Thông tư số 12/2010/TT-BTNMT ngày 26 tháng 7 năm 2010 về việc Quy định việc xây dựng, cấp Thư xác nhận, cấp Thư phê duyệt dự án theo Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto

5. Thông tư số 15/2011/TT-BTNMT ngày 28 tháng 4 năm 2011 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BTNMT ngày 26 ngày 7 tháng 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xây dựng, cấp Thư xác nhận, cấp Thư phê duyệt dự án theo Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.

6. McMiLLAN BINCH MENDELSOHN, February 2008. Emissions Trading and Climate Change Bulletin.

7. Executive Board Annual Report 2010, Clean Development Machanism.

8. Executive Board Annual Report 2009, Clean Development Machanism

9. Clean Development Machanism. 2008 in Brief

10. http://www.ambhanoi.um.dk

12. http://www.thiennhien.net/2009/12/02/lan-dau-tien-dau-gia-chung-nhan-giam-phat-thai/

13. http://www.vinacomin.vn/htx/Vietnamese/default.asp?Newid=14796

14. http://cdm.unfccc.int/Statistics/Issuance/CERsIssuedByHostPartyPieChart.html

15. http://www.radioaustralia.net.au/connectasia/stories/201101/s3106006.htm

16. http://post2012fund.com/#/carbon-prices/4538681153

 

(Nguồn: Tuyển tập báo cáo Hội thảo ĐTM Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ III, năm 2011)

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim