Thủy điện và bauxite - Sức bật của nền kinh tế trong tương lai
Thứ Hai, 08 Tháng Tư 2013 9:42 SA
Không chỉ sở hữu lợi thế lớn trong phát triển vùng cây công nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng còn có các tiềm năng khác như thủy điện, khoáng sản bauxite. Mặc dù những năm gần đây Lâm Đồng đã đạt tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh nhưng vẫn còn rất khó khăn, chính vì vậy vấn đề khai thác tiềm năng thủy điện, bauxite đang được tỉnh chú trọng đẩy mạnh, tạo sức bật cho nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Cụ thể thời gian qua Lâm Đồng đã tập trung thu hút đầu tư nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực khai thác các tiềm năng về bauxit và thủy điện. Tỉnh đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, thi công xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến bauxite-alumin công suất 600.000 tấn/năm với tổng vốn là 687 triệu USD tại Bảo Lâm của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam; nhà máy sản xuất và chế biến ôxít nhôm-hydroxít nhôm công suất 100.000 tấn/năm với tổng vốn 100 triệu USD tại Bảo Lộc của Công ty Hóa chất cơ bản Miền Nam; dự án sản xuất chế biến ôxít nhôm-hydroxít nhôm công suất 550.000 tấn/năm với tổng vốn 500 triệu USD tại Bảo Lâm của Tổng Công ty Hóa Chất liên doanh với Tập Đoàn Sojitz của Nhật Bản, nhà máy hydrat nhôm công suất 500.00 tấn/năm tổng vốn 500 triệu USD do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư tại Di Linh…
Đối với dự án khai thác và chế biến alumin tại Bảo Lâm các hạng mục cơ bản đều hoàn thành trên 90%. Cụ thể với gói thầu EPF nhà máy Alumin, tiến độ thi công xây dựng đáp ứng hợp đồng EPC; Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai đạt tiến độ thi công các hạng mục công trình, đã tiến hành chạy thử có tải vận chuyển quặng tinh về nhà máy Alumin; Công trình hồ bùn đỏ hiện nhà thầu đang tiếp tục thi công khoang số 1 và số 2, hồ số 2 đã hoàn thành và đang chạy thử toàn bộ dự án; Công trình đập - hồ Cai bảng cơ bản đã hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục và đang thực hiện tích nước phục vụ sản xuất cho nhà máy tuyển quặng Tân Rai. Nhìn chung các hạng mục cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện phục vụ dự án vận hành. Tổng giá trị vốn đầu tư đã thực hiện ước khoảng 10.838/11.100 tỷ đồng đạt 97,55% kế hoạch vốn. Trong đó các công trình thuộc tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng 10.776,65 tỷ đồng chiếm 97% so với tổng mức đầu tư của dự án; Các công trình thuộc khu tái định cư, định canh phục vụ dự án bauxite - nhôm đã hoàn thành thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng vốn đầu tư 61.256 tỷ đồng chiếm 0,55% tổng mức đầu tư dự án. Các dự án khai thác và chế biến bauxite, hydroxyt, oxyt nhôm khác đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án.
Riêng trong lĩnh vực thủy điện, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, một số dự án thủy điện lớn đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh với 8 dự án, tổng công suất lắp máy 1.671MW. Hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án với tổng công suất lắp máy 1.280MW (thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4) và hiện đang thi công xây dựng 1 dự án với tổng công suất lắp máy 150MW (Đồng Nai 5). Nghiên cứu đầu tư 2 dự án, với tổng công suất lắp máy 241MW (Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A). Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 34 dự án quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 467,8MW và đã cấp Giấy Chứng nhận đầu tư 34/34 dự án. Nhìn chung các dự án thủy điện đang thi công xây dựng, triển khai giải phóng mặt bằng và nghiên cứu đầu tư phù hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh, tác động mội trường - xã hội không lớn, hiệu quả đầu tư rất cao, rất thuận lợi phát triển giao thông và đấu nối lưới điện trong khu vực dự án.
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết việc thu hút đầu tư phát triển 2 lĩnh vực khai thác các tiềm năng về bauxite và thủy điện thời gian qua đã gặt hái được những thành tựu rất đáng khích lệ. Các dự án đã góp phần cho tăng trưởng lĩnh vực công thương và gia tăng nguồn hàng hóa cho thị trường. Dự kiến nếu 46 công trình thủy điện vừa và nhỏ đưa vào khai thác giai đoạn 2011-2015 đạt trên 496 MW với sản lượng điện sản xuất dự kiến đạt trên 1.920 triệu kWh/năm, góp phần vào việc cung ứng nguồn năng lượng cho quốc gia và an toàn năng lượng quốc gia một cách cấp bách và thiết thực. Phát triển thủy điện sẽ được tỉnh đẩy mạnh gắn liền với đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, đảm bảo kết hợp hài hòa các lợi ích về tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, du lịch sinh thái.
Song song với nỗ lực đầu tư khai thác, phát triển tiềm năng thủy điện, Lâm Đồng đang tiếp tục kêu gọi và thu hút đầu tư các dự án khai thác khai thác và chế biến hydroxyt, oxyt nhôm và tiến tới luyện nhôm tại Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh. Ông Cảnh nhấn mạnh: “Hiệu quả đầu tư phát triển các dự án thủy điện, khai thác - chế biến bauxite trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH, thúc đẩy phát triển tăng trưởng bền vững. Do vậy, việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án này trở thành nhiệm vụ mang tính chiến lược, tạo bệ phóng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Lâm Đồng những năm về sau”.