Trung tâm Môi trường Công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2023 với chủ đề “Chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa” (Beat plastic polution)

Hình ảnh

Thông tin cần biết

Thống kê truy cập

Online: 20
Truy cập: 4.452.381

Một số nguyên tắc cơ bản trong QLMT khu vực ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

Thứ Năm, 12 Tháng Bảy 2012 8:57 SA

ThS. Hoàng Thành Vĩnh - Cục quản lý chất thải và Cải thiện môi trường – Tổng cục Môi trường

Cập nhật lúc: 06 Tháng Sáu 2012 4:37:00 CH
 
Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở nước ta hiện nay. Các kho hóa chất được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; các khu vực bị ô nhiễm phần nhiều nằm sát khu dân cư, ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng

Theo kết quả điều tra năm 2009 của Bộ TN&MT, có hơn 1.000 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu (Quyết định 1946/QĐ-TTg, 2010), trong đó chủ yếu tập trung trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh. Thực tế hiện nay, số lượng các điểm còn tăng lên khi các địa phương mở rộng điều tra và phát hiện thêm nhiều điểm mới.

​Trong khi việc xử lý các loại hóa chất BVTV tồn lưu còn lưu trữ ở trong kho là tương đối đơn giản, thì công tác cải tạo và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm là rất phức tạp và tốn kém. Theo tính toán của chuyên gia nước ngoài, để xử lý 1 kg hóa chất tồn lưu cần 2 đô la Mỹ, nhưng sẽ cần 20 đô la Mỹ để xử lý 1 kg hóa chất bị rò rỉ vào vùng đất bề mặt; và cần 200 đô la Mỹ để xử lý 1 kg hóa chất bị thấm xuống tầng đất dưới; và sẽ cần đến 2.000 đô la Mỹ để xử lý 1 kg hóa chất đã bị phân tán xuống đến nước ngầm. Song song với kinh phí, thời gian để xử lý cũng tăng lên rất nhiều khi xử lý hóa chất đã bị phân tán ra môi trường. Thực tế ở nước ta, hầu hết các điểm tồn lưu hóa chất BVTV không còn nhiều hóa chất tồn dư, vấn đề nan giải hơn là các vùng đất bị ô nhiễm do các hóa chất này đã bị chôn lấp, hoặc rò rỉ, rơi vãi qua thời gian lưu kho không phù hợp tiêu chuẩn. Công việc quản lý môi trường tại các điểm này vì thế cũng sẽ tập trung vào nội dung cải tạo, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu.

Khi lập phương án cho việc cải tạo và phục hồi môi trường một khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu, cần xem xét 3 yếu tố: kết quả đạt được – thời gian - chi phí.

Theo đó, nếu nguồn kinh phí nhiều và xác định mục tiêu là xử lý triệt để hoàn toàn môi trường của khu vực ô nhiễm, đưa tình trạng đất trong khu vực trở về trạng thái ban đầu và không còn ô nhiễm, sẽ cần thời gian dài với các biện pháp xử lý đất nhiễm và nước ngầm phức tạp. Giải pháp này thường được áp dụng để xử lý các khu vực ô nhiễm mà có giá trị kinh tế cao. Tại Ôxtrâylia, khu vực ô nhiễm hóa chất gần cầu cảng Sydney đang được xử lý ô nhiễm nước ngầm với thời gian hơn 20 năm với chi phí hàng chục triệu đô la Mỹ. Dự kiến sau khi xử lý triệt để, giá trị kinh tế của khu đất này lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Nếu kinh phí ở mức vừa phải, kết quả mong muốn có thể đạt được là đảm bảo an toàn cho người, tránh lan truyền ô nhiễm trong trồng trọt, chăn nuôi, yêu cầu về thời gian cũng sẽ ở mức trung bình, giải pháp trong trường hợp này là quản lý sử dụng đất hiệu quả, kết hợp xử lý sinh học. Ví dụ, tại khu vực ô nhiễm cần nghiêm cấm chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả, chỉ được trồng các loại cây lấy gỗ. Ngoài ra, tiến hành xử lý sinh học trên khu vực, giúp dần cải thiện chất lượng đất. Việc thực hiện tốt giải pháp này phụ thuộc vào việc lồng ghép thành công vào quy hoạch sử dụng đất và quản lý giám sát thực hiện hiệu quả.

Trường hợp còn lại, nếu kinh phí cho việc xử lý là hạn chế, có thể tiến hành ngay lập tức các giải pháp về truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là giải pháp có thể thực hiện ngay lập tức, với chi phí rẻ, nhưng hiệu quả mang lại là rất đáng kể. Cộng đồng dễ bị tổn thương sống gần khu vực ô nhiễm sẽ được trang bị các kiến thức, chủ động phòng tránh các tác hại của ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV đối với cuộc sống và sinh kế của họ. Thực tế ở nước ta cho thấy, những cộng đồng sống gần khu vực ô nhiễm đang thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các chất ô nhiễm qua những kênh khác nhau, và nếu hướng dẫn để người dân thay đổi hành vi (không đi vào khu vực nhiễm, thiết lập hàng rào ngăn trẻ em, gia súc, gia cầm, tránh dùng nước giếng đào, giếng khoan nông cho mục đích sinh hoạt...), thì sẽ giảm đáng kể các nguy cơ phơi nhiễm các chất ô nhiễm đến con người.

Có thể thấy rằng, việc lựa chọn các giải pháp cải tạo phục hồi khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV là bài toán cân bằng chi phí, thời gian và kết quả đầu ra. Ớ nước ta, việc lựa chọn giải pháp cho từng khu vực sẽ khác nhau dựa trên yếu tố đặc thù của từng địa phương và điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể. Điểm chung lớn nhất trong công tác quản lý khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV là phòng ngừa, ngăn chặn tác hại của ô nhiễm đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và phát triển kinh tế, xã hội.

ThS. Hoàng Thành Vĩnh - Cục quản lý chất thải và Cải thiện môi trường – Tổng cục Môi trường

Các tin khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu đăng nhập:
Map
MapBox
Tư vấn trực tuyến
SKYPE

Bộ phận kỹ thuật

Bộ phận kinh doanh

khám phá
Quảng cáo
VILAS 246
Vim